Ðổi thay ở Hòa Hiệp
Hòa Hiệp là một trong 3 thôn của xã Bình Tường và từng là thôn đặc biệt khó khăn của huyện Tây Sơn. Nhưng đó là chuyện đã cũ. Giờ đây, Hòa Hiệp đang chuyển mình vươn lên mạnh mẽ, thôn xóm khởi sắc, hầu hết người dân đều có cuộc sống sung túc.
Niềm vui của các cháu học sinh ở Hòa Hiệp khi được học trong ngôi trường mẫu giáo mới khang trang.
NỤ CƯỜI NGƯỜI ÐỒNG VỤ
Từ QL19 rẽ xuống con đường bê tông thẳng tắp qua thôn Hòa Sơn, đi qua mấy khúc cua ở dốc Truông đã thấy thấp thoáng bóng dáng của những ngôi nhà ngói mới ở đầu thôn Hòa Hiệp.
Là một trong những người đầu tiên về sinh sống tại Hòa Hiệp và đến nay đã có 10 năm làm trưởng thôn, ông Dương Ngọc Hùng chứng kiến sự thay da đổi thịt của vùng đất khô cằn này. Ông kể: Do chiến tranh nên sau 1975 người dân mới bắt đầu trở lại Hòa Hiệp lập nghiệp. Lúc ấy khó khăn trăm bề, đâu đâu cũng thấy núi, bà con về vừa khai hoang để có đất sản xuất vừa xây dựng lại nhà cửa. Giao thương thì từ trung tâm xã vào thôn chỉ có một lối độc đạo nhỏ hẹp. Nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm fluorua nặng nên người làng mới tự trào về quê mình là “cười lên… là biết người Ðồng Vụ” và “dân làng mía không ăn được mía”!
Năm 2006 đã đánh dấu bước chuyển mình của Hòa Hiệp khi con đường bê tông Quán Á - Ðồng Le (nối từ QL19 vào xã Vĩnh An) chạy ngang qua thôn được nhà nước đầu tư xây dựng. Ðường lớn đã mở, cùng với sự đoàn kết, nỗ lực của người dân nên bộ mặt của vùng đất này ngày càng khởi sắc.
Ðến nay, toàn bộ 215 ha lúa trong thôn đã được chuyển đổi từ 3 vụ sang 2 vụ/năm, năng suất đạt bình quân 75 tạ/ha. Bên cạnh đó, bà con vẫn duy trì đàn gia súc, gia cầm, trong đó, đàn trâu, bò với trên 2.230 con được nuôi vỗ béo, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, thôn còn tích cực vận động người dân thực hiện được những công việc cụ thể, thiết thực, như đóng góp xây dựng bản tin làng văn hóa, tự thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng, tự xây dựng hố rác và xử lý rác thải tại hộ gia đình... Ðáng chú ý là trong năm 2016, nhân dân Hòa Hiệp đã đóng góp trên 800 triệu đồng, hiến hơn 2.000 m2 đất, 800 ngày công để bê tông hóa gần 5.000m đường làng, ngõ xóm; trên 1,5 km đường giao thông nội đồng; xây dựng hàng trăm công trình khí sinh học; thực hiện lắp đặt điện chiếu sáng các tuyến đường trên toàn thôn, góp phần đảm bảo ANTT và hạn chế TNGT.
Giờ, câu nói “cười lên… là biết người Ðồng Vụ”, còn hàm nghĩa nụ cười chiến thắng của những người nông dân đã biết cách làm chủ đồng đất quê mình.
“CHÂN TRONG CHÂN NGOÀI”
Ðiểm đặc biệt ở Hòa Hiệp là bên cạnh sản xuất nông nghiệp tại địa phương, hầu hết các hộ trong thôn đều có nguồn thu nhập từ việc làm kinh tế ở các nơi, chủ yếu là nghề làm giày dép ở TP Hồ Chí Minh. Nói một cách hình ảnh là “chân trong chân ngoài”.
Ông Trần Ðình Long, Bí thư Chi bộ thôn Hòa Hiệp, kể: Từ năm 2000, trong số những thanh niên trong thôn vào TP Hồ Chí Minh tìm kế sinh nhai, một số người bén duyên với nghề làm giày, dép da, sau đó vươn lên trở thành chủ cơ sở sản xuất mặt hàng này. Ðể rồi, hiện nay có đến 40% số hộ trong thôn (thôn có trên 1.000 hộ, hơn 4.000 nhân khẩu) có con em là chủ cơ sở sản xuất giày, dép ở TP Hồ Chí Minh và 80% số hộ có ít nhất một người làm ở các cơ sở này. “Cũng nhờ vậy mà đời sống của người dân trong thôn ngày một sung túc, bình quân thu nhập đầu người đạt 40 triệu đồng/người/năm; tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 4,9%”, ông Long cho biết thêm.
17 tuổi, anh Mai Văn Vũ, ở xóm 3, thôn Hòa Hiệp đã theo các anh trong xóm vào TP Hồ Chí Minh làm giày. Sau 2 năm làm công, anh ra mở tiệm riêng và 5 năm sau thì mua được nhà ở thành phố. Theo anh Vũ, chưa kể lực lượng lao động, thì tại huyện Bình Chánh nơi anh đang làm, có khoảng 100 chủ cơ sở sản xuất giày là người cùng thôn, còn tại quận 8 thì gấp đôi, gấp ba. “Mặt hàng chúng tôi hay làm là giày búp bê, sandal để bỏ mối tại các chợ trong thành phố. Thợ làm ăn theo sản phẩm nên ai lành nghề, chịu khó thì mỗi năm dư trên 50 triệu đồng là bình thường. Còn chủ như tôi năm nào ít hàng thì được khoảng 100 triệu, trúng hàng nhiều thì được vài trăm triệu đồng”, anh Vũ chia sẻ.
Ông Trần Công Dũng, Chủ tịch UBND xã Bình Tường, khẳng định: “So với 2 thôn khác trong xã thì đến nay đời sống của người dân Hòa Hiệp đã không còn chênh lệch như lúc trước. Có được kết quả đó là nhờ sự đoàn kết, chung sức, chung lòng của chính quyền và người dân trong thôn”.
NGUYỄN HỒNG PHÚC