Tết hy vọng
Tết từ lâu không dừng lại ở ý nghĩa là một thời điểm trong năm. Tết là tính từ để chỉ sự sung túc, đủ đầy, sum họp. 5 đợt mưa lũ dồn dập càn quét quê hương vào thời điểm chỉ còn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, rất nhiều người đã nghĩ rằng: vậy là hết Tết, là mất Tết…
Tết hy vọng của một người vợ vừa mất chồng vừa mất nhà như chị Nguyễn Thị Thanh Hòa sẽ bắt đầu từ những đứa con thơ, sự đồng hành của địa phương và những nhà hảo tâm.
Dẫu vậy, trên chính những ngổn ngang, xơ xác và đau thương, chúng tôi vẫn tìm thấy những hy vọng Tết. Nắng vàng đã trở lại. Dọc vùng rốn lũ, giữa những bờ kè sạt lở, con đường bê tông gãy đứt, gạch vôi vữa đổ nát, cây cỏ vương rác và bùn khô, dấu hiệu Tết bắt đầu bằng nền móng của những ngôi nhà đang được xây trong không khí khẩn trương.
GÓI TẾT VÀO TRONG NGÔI NHÀ MỚI
Chị Lê Thị Thanh Nhàn (29 tuổi, ở thôn Tùng Giản, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước) cần mẫn đẩy mấy xe đá chẻ đến chỗ chồng - anh Nguyễn Ngọc Vương (30 tuổi). Ở góc này, anh đang cặm cụi ngắm nghía, tô trát. Cái móng nhà đã rõ hình dạng sau 3 ngày cả chồng và vợ cùng dốc sức, vật lộn.
“Giữa thời điểm “sốt” thợ xây sau lũ, việc có một thợ xây trong nhà trở nên đáng quý” - chị Hòa nói trong tự hào khi chỉ về phía chồng. Nghe chị kể, dăm ngày trước, khi nước đã tạm rút, vợ chồng chị còn bỏ công lặn sông để xúc gom cát, phục vụ cho việc xây dựng. Anh chị tự nhận mình là người may mắn khi kịp mua được số thép, xi măng, gạch đá... Chưa kể, nhiều bạn bè cùng là thợ xây đang làm ở Sài Gòn cũng hứa với anh Vương là sẽ về sớm để giúp vợ chồng anh đẩy nhanh tiến độ.
“Chắc sẽ không kịp có nhà mới để ăn Tết, vì chỉ còn khoảng 1 tháng nữa. Không sắm sửa xênh xang được như mọi năm, vợ chồng tôi đành gói Tết vào trong ngôi nhà mới” - chị Nhàn tâm sự.
Vợ chồng anh Lý Văn Sang bảo: “Tết này chẳng có gì ngoài căn nhà. Vậy là nhiều so với bà con có nhà sập khác”.
Ðã xong phần móng, phần khung và gác lửng, căn nhà của vợ chồng anh Lý Văn Sang (46 tuổi, cũng ở thôn Tùng Giản, xã Phước Hòa) dự kiến hoàn tất vào khoảng 25 tháng Chạp. Bị sập nhà trong đợt lũ đầu tiên (cuối tháng 10, đầu tháng 11.2016), anh Sang lật đật đi mua nợ vật liệu, mướn thợ làm nhà với hy vọng kịp có nhà mới đón Tết. Hy vọng ấy có lúc đã trở nên mong manh khi hơn nửa tháng trời mưa lũ không ngớt, mọi việc đình trệ. Cuối cùng, trời cũng tạnh ráo, vợ chồng anh và 4 người thợ liền bắt tay vào việc. Vì muốn tiết kiệm chi phí, anh và vợ trở thành phụ hồ. Trong một phút bất cẩn, đá đè lên bàn tay phải của anh và gây sưng, đau. Chị Nguyễn Thị Hòa (45 tuổi), vợ anh, gánh thêm những phần việc nặng nhọc của chồng.
Chị Hòa kể: “Vợ chồng tôi quyết tâm làm nền nhà cao ngang mực nước của trận lũ lớn vừa rồi. Chính quyền địa phương đã cam kết sẽ hỗ trợ 50 triệu đồng sau khi hoàn tất xây dựng nhưng chúng tôi vẫn cứ lo lắng. Chúng tôi mua nợ vật liệu là chấp nhận thanh toán theo giá tại thời điểm thanh toán. Trong khi đó, giá vật liệu đang lên từng ngày. Chồng tôi mất ngủ, sụt kí vì suy nghĩ, lo lắng chuyện nợ nần”.
Dẫu vậy, khi nhắc đến Tết, anh Sang lại cười thật thà, bảo: “Tết này chẳng có gì ngoài căn nhà. Vậy là nhiều so với bà con có nhà sập khác. Nhiều người, Tết này đành chấp nhận sống nhờ nhà họ hàng hoặc trong lều dựng tạm, bởi lũ rút cận Tết quá, không có cách nào dựng nhà kịp Tết cả”.
Người dân vùng lũ đem quà cứu trợ về nhà.
KHÔNG NGỪNG HY VỌNG
Hy vọng là từ đầu tiên mà chúng tôi nghĩ đến trong quá trình gặp gỡ những người dân đang gánh trên mình những mất mát và cả vết thương do lũ lụt. Tựa sự tích chiếc hộp Pandora trong thần thoại Hy Lạp, khi tất cả những bất hạnh như thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh... đã ập xuống thế gian, điều tốt lành duy nhất còn sót lại là hy vọng.
“Thiên tai đã cướp đi nhiều thứ quý giá của các gia đình nhưng không thể cướp đi niềm hy vọng. Và hy vọng đã trở lại trên vùng đất hứng chịu nặng nề hậu quả lũ lụt qua những tia nắng rực rỡ; qua ấm áp ân tình của sự sẻ chia”
Hy vọng xuất hiện trên gương mặt chị Lê Thị Thanh Nhàn sau khi giãi bày về 5 lần chạy lũ trong năm 2016 và 1 lần chạy lũ khi đang sinh em bé thứ hai (năm 2013). Với chị, không còn nhà cửa, nhưng các thành viên gia đình đều khỏe mạnh. Với sức khỏe, với nghị lực và tinh thần hay lam hay làm như vợ chồng chị, ngày mai nhất định sẽ tươi hơn.
Còn với một người vợ vừa mất chồng vừa mất nhà như chị Nguyễn Thị Thanh Hòa (30 tuổi, ở thôn Phổ Ðồng, xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước), bản thân không có nghề nghiệp ổn định, hy vọng sẽ bắt đầu từ nơi đâu? Có lẽ, trước hết là từ 4 đứa con thơ. Tình thương và bản năng làm mẹ sẽ chỉ dẫn cho chị. Sự đồng hành của địa phương và những nhà hảo tâm đang góp thêm cho chị hy vọng. Ngày 24.12.2016, UBND tỉnh đã hỗ trợ chị một sổ tiết kiệm trị giá 50 triệu đồng. Cất giữ sổ cẩn thận, chị Hòa nhỏ nhẹ: “Cảm ơn chính quyền, các nhà hảo tâm đã cho mẹ con tôi sự giúp đỡ ý nghĩa”.
Thiên tai đã cướp đi nhiều thứ quý giá của các gia đình nhưng không thể cướp đi niềm hy vọng. Và hy vọng đã trở lại trên vùng đất hứng chịu nặng nề hậu quả lũ lụt qua những tia nắng rực rỡ; qua ấm áp ân tình của sự sẻ chia kịp thời với nghĩa đồng bào. Hay trong những đôi tay rắn chắc đang đắp đất, be bờ để ruộng lúa lại đón hạt giống nảy mầm; trong nụ cười và ánh mắt của em thơ khi đón nhận cặp mới, sách vở mới thay cho dụng cụ học tập đã ướt sũng và bết bùn...
Ðón Tết Ðinh Dậu - năm 2017 trong chính những khó khăn, gian nan cùng với hy vọng và tình người, người dân quê tôi đang vững vàng, kiên cường hơn là vậy.
NGUYỄN MUỘI