“Bếp núc” của Gặp gỡ Việt Nam
Khởi nguồn từ đôi vợ chồng nhà khoa học đã ở độ tuổi... “bát tuần”, đến nay rất nhiều hội nghị khoa học quốc tế (HNKHQT) đã được tổ chức thành công tại thành phố biển Quy Nhơn. Song, ít ai biết rằng, phía sau những thành công suốt mấy kỳ “Gặp gỡ Việt Nam” liên tiếp từ năm 2009 đến nay là sự chăm chút thầm lặng của các “ê-kíp” cộng sự của họ.
GS Trần Thanh Vân - Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam - chia sẻ rằng, những HNKHQT của chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” đầu tiên được chuyển về “định cư” tại TP Quy Nhơn, ông cùng vợ - GS Lê Kim Ngọc - và các cộng sự phải “tự túc” hoàn toàn. Càng về sau, đi đôi với sự lớn dần của các HNKHQT là sự đón nhận, rồi chuyển sang ủng hộ và “chung tay” của tỉnh. Ðặc biệt, năm 2016, “Gặp gỡ Việt Nam” còn có sự đồng hành tổ chức của Chính phủ, Bộ KH&CN.
Các nhà khoa học đoạt giải Nobel được đón tiếp trọng thị tại khách sạn Hải Âu.
CHUẨN BỊ CẢ NGƯỜI GIỮ TRẺ!
“Quan niệm của chúng tôi là trước khi có sự giúp đỡ của ai thì chính mình phải chứng tỏ được mình đã làm gì” - GS Vân bộc bạch. Và đó là lý do chính khiến vị GS đã bước qua tuổi 80 vẫn “xông pha”, tự tay xếp bàn, xếp ghế cho khách mời trong những hội nghị đầu tiên. “Nhiều người ngạc nhiên lắm, nhưng tôi cứ quan niệm chỉ bảo cho người khác làm mà không đúng ý, chi bằng mình xắn tay áo vào làm, rồi họ làm theo sẽ tốt hơn” - GS Vân chia sẻ.
Còn ông Lê Công Nhường - Giám đốc Sở KH&CN, cho biết: “Ðể tổ chức được các hội nghị lớn, Sở phải xin chủ trương, kinh phí; tỉnh lo phần đưa đón, tiếp tân, phối hợp trong khâu hậu cần. Riêng thầy Vân có một đội ngũ tình nguyện viên (TNV) phía sau lo tất cả các khâu từ lên kịch bản chương trình, đặt vé máy bay cho các nhà khoa học, bố trí chỗ ăn ở, đón tiếp, lo tài liệu, lo tổ chức tiệc gặp mặt”.
Gắn bó với các hoạt động của Gặp gỡ Việt Nam từ những ngày đầu là khách sạn (KS) Hải Âu - điểm trú chân của các vị khách phương xa. Theo chị Thân Thị Hồng Nhung, Phó Giám đốc KS Hải Âu, năm 2009, HNKHQT đầu tiên được tổ chức tại Quy Nhơn với khoảng 70 nhà khoa học tham gia. Lúc đó, KS đã tham gia công tác hậu cần, từ chuyện ăn ở, bếp núc... Từ đó đến nay, KS Hải Âu đều là “đại bản doanh” của các nhà khoa học trong chương trình Gặp gỡ Việt Nam.
Ðến Quy Nhơn dự các hội nghị, nhiều nhà khoa học còn có cả gia đình đi theo. Từ khi tham gia phục vụ hậu cần cho các nhà khoa học, KS Hải Âu cũng bắt đầu tổ chức luôn dịch vụ “baby sister” (tạm gọi là người trông trẻ). “Họ yêu cầu tuyển người rất kỹ tính, phải biết tiếng Anh, thường là đã có con nhỏ để quen với công việc chăm sóc các bé” - chị Trần Thị Lệ Chơn, trưởng bộ phận tiền sảnh của KS Hải Âu, tiết lộ.
ẤN TƯỢNG TỪ NHỮNG “VAI PHỤ”
Là lực lượng nòng cốt trong công tác tổ chức các HNKHQT, nhưng nhân sự của Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) chỉ vỏn vẹn hơn 10 người. “Năm nay, vất vả nhất là HNKH cơ bản và xã hội diễn ra vào đầu tháng 7.
Ðang mùa hè, lượng khách du lịch đổ về Quy Nhơn rất đông, các KS đều “cháy” phòng, Ban tổ chức phải chạy đuối mới lo được phòng cho các nhà khoa học và gần 300 khách mời dự hội nghị.
Khi tổ chức các HNKHQT đều phải có một lực lượng TNV trong và ngoài nước. Trước hết là đội ngũ thư ký hội nghị, ngoài 2 nhân viên của Trung tâm còn có sự trợ giúp của các TNV người Pháp, đặc biệt có cô Aimie Fong - gần như năm nào cũng đều về Quy Nhơn làm thư ký hội nghị. Theo anh Trần Thanh Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm ICISE, bên cạnh đó là sự tham gia của đội ngũ TNV do Sở KH&CN tổ chức trong các khâu chuẩn bị giấy tờ, đón -
đưa các nhà khoa học; cùng các lực lượng do tỉnh hỗ trợ về đi lại, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ an ninh... Quan trọng nhất trong lực lượng TNV này là đội TNV với lực lượng nòng cốt là sinh viên khoa Ngoại ngữ Trường Ðại học Quy Nhơn và học sinh các trường tại TP Quy Nhơn. Ðây cũng chính là lực lượng dễ nhận ra nhất tại các HNKH không chỉ bởi sự trẻ trung, mà còn ở nụ cười thân thiện thường trực.
Ðến nay, Hồ Thị Thảo Ly (sinh viên năm 4 khoa Ngoại ngữ, Trường Ðại học Quy Nhơn) đã có thâm niên 3 mùa làm TNV và hiện là nhóm trưởng nhóm TNV tại các HNKHQT. “Áp lực lớn lắm, ngoài những công việc như: đưa - đón các nhà khoa học, trực ở phòng thư ký để hỗ trợ Ban Thư ký hội nghị, hướng dẫn tour du lịch cho các nhà khoa học, TNV còn có vô vàn những việc không tên như dẫn nhà khoa học đi cắt tóc, mua kem đánh răng, mua đồ, ăn hàng, dạo phố, mua thuốc... Một ngày của TNV bắt đầu từ sáng sớm cho đến tối mịt. Cực nhưng mà vui, bởi những lần được gặp gỡ, được giao lưu với các nhà khoa học là động lực rất lớn cho công việc và học tập” - Thảo Ly bộc bạch.
HƠN CẢ NHỮNG NIỀM VUI
4 lần đến Việt Nam, hết 2 lần về Bình Ðịnh dự “Gặp gỡ Việt Nam”, GS Jerome Friedman, người Mỹ, chủ nhân của giải Nobel Vật lý năm 1990 cho hay: “Thật tuyệt vời khi tôi được cảm nhận những thanh âm trong trẻo của trẻ em; cảm nhận không khí trong lành, tiếng sóng biển; cảm nhận những món ăn ngon tuyệt. Các HNKH rất tuyệt, nhưng quan trọng nhất chính là con người Việt Nam - thân thiện và gần gũi. Không có gì tuyệt vời hơn những điều đó nữa!”.
Còn với những người đứng sau sự thành công của các HNKHQT này, điều để họ đóng góp hết sức mình ấy là để đưa đến một hình ảnh đẹp về đất nước, con người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Ðến giờ, Thảo Ly bảo, có rất nhiều kỷ niệm đẹp đọng lại sau mỗi kỳ hội nghị. Ðó là câu chuyện của các nhà khoa học dự HNKH đầu tiên của năm 2016 âm thầm hỏi những người xung quanh xem các bạn trẻ Việt Nam thích gì, hoặc họ bí mật tổ chức một bữa tiệc nho nhỏ tại phòng hát karaoke để cảm ơn; hay lặn xuống biển bắt san hô để tặng TNV. Ðó còn là những tình bạn giữa nhà khoa học với TNV…
Còn với người viết bài này, ấn tượng đọng lại lớn nhất là những tràng pháo tay giòn giã không ngớt của cả hội trường các nhà khoa học danh tiếng thế giới dành cho các bạn trẻ, các TNV trong mỗi buổi tổng kết một HNKH tại ICISE.
MAI HOÀNG