Chuyện về những “cầu nối” khoa học
Ngày 12.8.2013, Trung tâm quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) chính thức được khánh thành bên bờ biển Quy Hòa (phường Ghềnh Ráng - TP Quy Nhơn). Ra đời chưa đầy 3 năm, nhưng nơi này đã diễn ra rất nhiều hội nghị mang tính học thuật cao, quy tụ sự tham gia của cả ngàn nhà khoa học quốc tế. Ðể có được thành công đó, đã có rất nhiều cầu nối được bắt nhịp trong suốt mấy chục năm qua.
Sự giao thoa, hội tụ của những nhà khoa học danh tiếng tại các chương trình “Gặp gỡ Việt Nam”. Ảnh: HỨA THIỆN
NƠI HỘI TỤ TINH HOA TRÍ TUỆ
Giáo sư (GS) Trần Thanh Vân - Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam, “cha đẻ” của ICISE - nhận định rằng, Trung tâm đang chuyển động rất tốt. Chỉ riêng năm 2016, đã có 12 hội nghị khoa học (HNKH) quốc tế và 3 lớp học chuyên đề được tổ chức. Từ khi thành lập đến nay, rất nhiều nhà khoa học trên thế giới đã đến nơi đây và không ít lần trở lại. Chỉ riêng năm 2016, con số này đã là 1.200 nhà khoa học. “Năm nay, chúng ta có một HNKH và xã hội với 4 GS đoạt giải Nobel, cùng nhiều nhà khoa học danh tiếng trên thế giới. Ðể tổ chức được những hội nghị này rất kỳ công, nhọc công gấp 10 HNKH bình thường. Không đơn thuần chỉ là khoa học, mà đấy còn là cơ hội đầu tư” - GS Trần Thanh Vân chia sẻ.
GS Trần Thanh Vân cho rằng, đây là khởi điểm quan trọng nhất khi ông và các cộng sự đã bắt đầu thu hút nhiều nhà khoa học trẻ của Việt Nam trên khắp thế giới trở về quê hương, mà nhóm nghiên cứu Vật lý lý thuyết chính là sự khởi đầu cần thiết. “Chúng tôi đang làm việc với nhiều anh em để bắt đầu một nhóm nghiên cứu về thí nghiệm trên năng lượng cao vào năm tới. Những đề tài khoa học này rất hiện đại. Ðây là những khởi đầu của những nhóm nghiên cứu “tại chỗ”, để các nhà khoa học đến đây và “mọc rễ” ngay tại Quy Nhơn, chứ không phải chỉ đến hội nghị rồi đi. Và cần nhất là những người trẻ, có đam mê, có khả năng. Ðầu tư cho khoa học là đầu tư cho tương lai, chứ không phải hôm nay” - GS Vân khẳng định.
Ðiều tâm đắc và đọng lại sau những HNKH của vị GS đã bước qua tuổi tám mươi là sự hiện diện của các nhà khoa học đoạt giải Nobel khích lệ các bạn trẻ dấn thân. Những nhà khoa học lớn “cập bến” ICISE là dịp để các nhà khoa học trẻ tiếp cận với họ, nhận diện những nền khoa học tiên tiến, những khám phá vĩ đại trong khoa học. Và khi cơ hội đã được trao thì chính những người trẻ cũng phải có trách nhiệm với đất nước. Ðó cũng là lý do mà song song với những HNKH, những buổi giao lưu cùng các nhà khoa học đoạt giải Nobel với các bạn trẻ cũng diễn ra gần gụi và thân thiện ngay tại TP Quy Nhơn.
Nhiều “cầu nối” các nhà khoa học Việt Nam với khoa học thế giới đã được nhiều người bền bỉ đắp xây suốt những năm qua.
- Trong ảnh: Từ phải sang - GS Jerome Friedman - đoạt giải Nobel Vật lý năm 1990, GS Kurt Wüthrich - giải Nobel Hóa học năm 2002 và tiến sĩ Trần Thanh Sơn - giảng viên Trường ĐH Quy Nhơn.
BỀN BỈ NHỮNG NHỊP CẦU
Không có gì là dễ dàng, cũng chẳng thể là ngẫu nhiên khi Trung tâm ICISE trở thành tiêu điểm “một thấu kính” hội tụ được những tên tuổi xuất sắc của nền khoa học toàn cầu. Nói như GS Trần Thanh Vân, cái gì cũng có lý do và cũng đều bắt đầu từ những yếu tố lâu dài. Ðể có được thành công hôm nay, ông và các cộng sự đã xây nền, đắp móng bền bỉ suốt 50 năm qua. Câu chuyện của GS Takaaki Kajita (Nhật Bản), chủ nhân của giải Nobel Vật lý 2015 là điển hình.
Tháng 7.2016, lần đầu tiên GS Takaaki Kajita đặt chân đến Bình Ðịnh sau khi trở thành chủ nhân của giải Nobel Vật lý danh giá. Ông cho biết, năm 28 tuổi, lần đầu tiên ông được dự Hội nghị “Gặp gỡ Moriond” do GS Trần Thanh Vân tổ chức tại Pháp. “Tôi từng nghĩ rằng, rất khó để tiếp tục tổ chức một “Gặp gỡ Moriond” như GS Vân đã từng làm tại Pháp và tạo điều kiện cho những người trẻ như tôi lúc ấy được tiếp cận với khoa học tiến bộ thế giới, được trao đổi với các nhà khoa học danh tiếng, có cơ hội học hỏi và trình bày những nghiên cứu cũng như ý tưởng của mình với cộng đồng khoa học thế giới. Vì vậy, “Gặp gỡ Việt Nam” được tổ chức ngay tại đất nước các bạn, quy tụ nhiều nhà khoa học nổi tiếng, thật sự là một cơ hội hiếm có mà không phải đất nước nào cũng làm được” - GS Kajita trải lòng.
Còn GS Trần Thanh Vân càng không thể quên rằng, nhà khoa học người Nhật được ông mời trình bày kết quả nghiên cứu tại hội nghị 30 năm trước giờ đã là chủ nhân của giải Nobel Vật lý năm 2015. “Tình bạn khoa học” bắt đầu từ đó và duy trì đến giờ. “Khi đó, ông ấy bảo rất vinh dự được dự hội nghị của chúng tôi. Và, 30 năm sau, những nhà khoa học trẻ lại rất vinh dự được đón tiếp ông” - GS Vân vui vẻ nói.
Bên cạnh những mối thâm tình kéo dài đằng đẵng, cũng có những “sợi dây” tuy tượng hình chưa lâu nhưng vẫn không kém phần bền chặt. Như việc tiến sĩ Lê Ðức Ninh và Ðào Thị Nhung bỏ việc ở Ðức về Quy Nhơn làm nghiên cứu. Vợ chồng nhà khoa học trẻ này cũng từng dự các HNKH “Gặp gỡ Moriond” ở Pháp do GS Trần Thanh Vân tổ chức. “Nhận lời mời của GS Trần Thanh Vân về Trung tâm ICISE để thành lập nhóm nghiên cứu Vật lý lý thuyết chỉ với 2 người, chúng tôi xác định sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn. Nhưng chúng tôi tin tưởng sẽ thu hút thêm các nhà khoa học trẻ và các bạn sinh viên có cùng niềm đam mê. Trước mắt, chúng tôi sẽ liên kết với Trường ÐH Quy Nhơn và Trường ÐH Khoa học tự nhiên TP Hồ Chí Minh, đồng thời có kế hoạch hợp tác quốc tế với các nhà khoa học trẻ trên thế giới để phát triển hoạt động của nhóm” - tiến sĩ Ninh thổ lộ.
Nói về những “hiệu ứng” của các công trình khoa học, các chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” đã và đang diễn ra tại Bình Ðịnh, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng lấy nhiều ví dụ minh họa cho những cầu nối thiết thực của khoa học với những “cơ hội” phát triển của tỉnh. Ðó là hiệu ứng về phát triển du lịch, với loại hình du lịch khoa học. Hay những dự án đầu tư đang được xúc tiến. Và, những kế hoạch phát triển cho khu đô thị khoa học và giáo dục Quy Hòa dần tượng hình. “Chúng tôi xác định đầu tư cho khoa học là đầu tư có lợi, nhưng cái lợi ấy là cho tri thức, cho giới trẻ, cho tương lai” - ông Dũng khẳng định.
THU HIỀN