Quản lý, bảo vệ rừng: Vi phạm nhiều, xử lý hình sự còn khó
Vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh ta thời gian qua diễn ra phức tạp. Dư luận quan tâm việc vì sao số vụ vi phạm bị xử lý hành chính nhiều nhưng xử lý hình sự lại ít. Ông Nguyễn Thế Dũng, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm (thuộc Sở NN&PTNT), đã trao đổi với P.V Báo Bình Định về vấn đề này.
* Ông có thể cho biết cụ thể tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng trong năm 2016, và sự phối hợp của Chi cục Kiểm lâm với các cơ quan chức năng liên quan?
- Trong năm qua, toàn tỉnh xảy ra 223 vụ phá rừng với tổng diện tích gần 277 ha, tăng 88,5 ha so với năm 2015. Chi cục Kiểm lâm xử lý hành chính 32 vụ, phạt tiền 152 triệu đồng; đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng khởi tố, điều tra 14 vụ liên quan đến các tội: Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng (theo Điều 175 ), Hủy hoại rừng (Điều 189 ) và Vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy (Điều 240) trong Bộ luật Hình sự.
Lực lượng Kiểm lâm điều tra hiện trường nơi xảy ra vụ việc chặt hạ trái phép 13 cây gỗ dổi ở tiểu khu 183, xã Vĩnh Hảo, huyện Vĩnh Thạnh, diễn ra vào tháng 10.2016. Hiện nay các cơ quan chức năng đang củng cố hồ sơ, xử lý các đối tượng vi phạm trong vụ án này.
Lực lượng Kiểm lâm và Công an cũng thường xuyên trao đổi thông tin, nắm bắt tình hình tội phạm vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng bằng nhiều hình thức. Các hạt kiểm lâm kết nối, trao đổi thông tin với công an huyện; đội kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng thông tin với phòng nghiệp vụ thuộc Công an tỉnh. Từ đó, hai bên xây dựng kế hoạch tổ chức kiểm tra, phát hiện và trấn áp tội phạm. Chúng tôi cũng phối hợp chặt chẽ và đồng bộ với công an, viện KSND cùng cấp trong điều tra, thu thập chứng cứ; phối hợp với các cơ quan chức năng khám nghiệm hiện trường.
* Tuy nhiên, số vụ phá rừng trái pháp luật được đưa ra khởi tố hình sự vẫn còn ít, khiến dư luận cho rằng, công tác xử lý các hành vi vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng chưa thật sự quyết liệt. Ông lý giải như thế nào về vấn đề này?
- Quả thật, tuy các vụ việc vi phạm bị lập biên bản xử lý hành chính nhiều nhưng để đưa ra xử lý hình sự lại không dễ vì đối tượng vi phạm thường là đồng bào dân tộc thiểu số, xử lý không khéo sẽ ảnh hưởng đến tình hình trị an ở địa phương. 14 vụ việc vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng được ngành chức năng khởi tố điều tra trong năm 2016 tập trung ở các địa phương: Vĩnh Thạnh (5 vụ, 13 bị can), huyện Phù Mỹ (1 vụ, 1 bị can), Hoài Nhơn (4 vụ, 4 bị can), Hoài Ân (2 vụ, 2 bị can) và An Lão (2 vụ, 3 bị can). So với năm 2015, số vụ khởi tố, điều tra hình sự tăng 6 vụ. Một số vụ có tính chất nghiêm trọng đã được các cơ quan chức năng xử lý nghiêm.
Nhưng nhìn chung, vẫn còn một số địa phương, ngành có liên quan vào cuộc chưa quyết liệt, thiếu đồng bộ, thiếu kiểm tra, đôn đốc; việc xử lý các vụ vi phạm chưa kiên quyết. Hơn nữa, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ điều tra hình sự, lực lượng Kiểm lâm còn gặp nhiều lúng túng. Tuy được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, có quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can, nhưng cơ quan Kiểm lâm không phải là cơ quan tiến hành tố tụng; vì vậy còn một số bất cập trong quá trình triển khai. Thủ trưởng hoặc cấp phó của cơ quan Kiểm lâm được trao quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can, trực tiếp tổ chức và chỉ đạo các hoạt động điều tra nhưng không phải là “điều tra viên” để thực hiện nhiệm vụ điều tra theo đúng văn bản pháp luật quy định. Việc này đã hạn chế hoạt động điều tra hình sự của cơ quan Kiểm lâm.
* Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trên, với vai trò là người đứng đầu Chi cục Kiểm lâm tỉnh, ông có kiến nghị gì?
- Theo tôi, việc thực hiện Điều 111 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (về bắt người phạm tội quả tang) và Điều 21 Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự năm 2004 (quy định quyền hạn điều tra của Kiểm lâm) chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, vì cơ quan kiểm lâm chỉ tham gia thực hiện trình tự, thủ tục ban đầu. Do vậy, cần xem xét theo hướng cơ quan Kiểm lâm được tham gia trong quá trình tố tụng; tránh tình trạng nửa vời, bị hạn chế một số quyền trong quá trình điều tra hoặc chỉ dừng ở mức độ khi phát hiện tội phạm thì chuyển hồ sơ cho Cơ quan Cảnh sát điều tra thực hiện theo trình tự, thủ tục của Bộ luật Tố tụng hình sự. Bên cạnh đó, cần tăng cường bồi dưỡng thêm về nghiệp vụ điều tra cho lực lượng Kiểm lâm phụ trách công tác khởi tố, điều tra.
* Cảm ơn ông!
* Năm 2017, dự báo tình hình chặt phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp tiếp tục diễn biến phức tạp. Vậy Chi cục Kiểm lâm tỉnh sẽ triển khai những biện pháp gì?
- Chúng tôi xác định, công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng là ưu tiên hàng đầu. Thời gian tới, lực lượng Kiểm lâm tiếp tục phối hợp với chính quyền các địa phương, các hội đoàn thể vận động các hộ gia đình sống ven rừng ký cam kết bảo vệ rừng; xây dựng và thực hiện các quy ước bảo vệ và phát triển rừng ở từng cộng đồng dân cư.
Ngoài ra, lực lượng Kiểm lâm sẽ phối hợp với các ban, ngành liên quan và chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra tình hình quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn; triển khai các biện pháp ngăn chặn tình trạng người dân vào rừng khai thác gỗ trái phép, kịp thời phát hiện những vi phạm. Một khi đã phát hiện vi phạm, sẽ kịp thời xác lập hồ sơ xử lý, hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
TRỌNG LỢI (thực hiện)