Nền tảng ổn định, tương lai phát triển
Năm 2017 là năm thứ 2 thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XII, Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Nhân dịp năm mới, PV Báo Bình Ðịnh đã gặp gỡ, ghi nhận ý kiến của một số sở, ngành, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Xuất khẩu hàng hóa qua Cảng Quy Nhơn. Ảnh: VĂN LƯU
ÔNG NGUYỄN THÚC ÐĨNH, GIÁM ÐỐC SỞ KH-ÐT:
Nhiều triển vọng trong thu hút đầu tư
Bình Ðịnh đã và đang là “điểm đến” hấp dẫn không chỉ với du khách mà còn với các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước. Những nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông qua nhiều giải pháp đã giúp tỉnh thu hút được nhiều dự án có quy mô lớn từ các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước như: SunGroup, FLC, Hưng Thịnh Corp, Hoa Sen, Hùng Vương, Việt Úc, CP, Becamex...
Ðiểm nổi bật là Bình Ðịnh đã chú trọng đến chất lượng dòng vốn đầu tư thay vì tập trung vào số lượng các dự án. Tôi dẫn chứng, năm 2015 số dự án đầu tư là 37 nhưng vốn đăng ký chỉ có 3.613 tỉ đồng, thì đến năm 2016 chỉ với 32 dự án đầu tư, dòng vốn đầu tư lên đến 8.511 tỉ đồng (tăng 57,5%). Ðiều này chứng tỏ hướng đi đúng đắn của tỉnh trong quá trình thu hút đầu tư, chú trọng vào những nhà đầu tư có tên tuổi, nguồn vốn ổn định, đảm bảo chính sách bảo vệ môi trường bền vững. Ðây chính là “đòn bẩy” hứa hẹn thu hút đầu tư mạnh mẽ vào tỉnh những năm tới.
Trước mắt là năm 2017 Bình Ðịnh tiếp tục tập trung mời gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước có tiềm lực, thương hiệu mạnh để đầu tư các dự án then chốt vào các lĩnh vực mũi nhọn như: du lịch- dịch vụ, hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp hạ nguồn và dịch vụ kèm theo, công nghiệp chế biến, cảng biển. Ưu tiên thu hút các dự án có công nghệ hiện đại, hàm lượng trí thức cao, thân thiện môi trường, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh.
Ðặc biệt, chú trọng nhóm các nhà đầu tư vừa và nhỏ, nhưng có công nghệ sạch và cao của Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, các quốc gia Tây Âu và các nước phát triển để vừa đẩy nhanh tiến độ lấp đầy Khu kinh tế Nhơn Hội và các khu công nghiệp, vừa đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp hạ nguồn và các dịch vụ kèm theo, tạo sức hấp dẫn thu hút các “ông lớn” trong tương lai.
ÔNG MAN NGỌC LÝ, GIÁM ÐỐC SỞ CÔNG THƯƠNG:
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp phát triển bền vững
Năm 2017, ngành Công Thương phấn đấu đạt kết quả cao hơn năm 2016, với các chỉ tiêu cụ thể: chỉ số sản xuất công nghiệp (SXCN) tăng 8%, giá trị SXCN tăng 9,4%; giá trị kim ngạch xuất khẩu (KNXK) 800 triệu USD, tăng 9,5%; tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ xã hội đạt 57.468 tỉ đồng (tăng 11%)…
Ðể đạt được mục tiêu này, ngành Công Thương sẽ tiếp tục hoàn thiện công tác xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển công nghiệp - thương mại (CN-TM), như: “Kế hoạch thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ XIX về phát triển CN-TM giai đoạn 2016-2020”; “Chương trình hành động về phát triển CN - TTCN và làng nghề trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020”; “Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020”; “Chính sách Xúc tiến thương mại”; “Ðề án phát triển hàng XK đến năm 2020”; “Kế hoạch triển khai công tác hội nhập kinh tế quốc tế tỉnh Bình Ðịnh giai đoạn 2016-2020”; “Kế hoạch triển khai thực hiện các chương trình thuộc Ðề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020”… Ðồng thời, tăng cường công tác quản lý thị trường, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại để đảm bảo thị trường hàng hóa phát triển một cách lành mạnh.
ÔNG PHAN TRỌNG HỔ - GIÁM ÐỐC SỞ NN&PTNT:
Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Năm 2016, mặc dù tỉnh ta chịu tác động xấu của thiên tai, song nhìn tổng thể thì sản xuất nông nghiệp đã có chuyển biến tích cực. Ðiều mà tôi tâm đắc và cũng là vấn đề nổi bật trong năm 2016 là tỉnh ta bước đầu triển khai có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong đó đáng chú ý là đã xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm có sự tham gia tích cực của doanh nghiệp, các HTX, nhà khoa học và nông dân; xây dựng các khu, vùng sản xuất, chăn nuôi chế biến sản phẩm nông nghiệp áp dụng công nghệ cao tại Nhơn Tân (thị xã An Nhơn) và xã Mỹ Thành (Phù Mỹ); ứng dụng công nghệ mới trong khai thác thủy sản…
Ngành nông nghiệp cũng đã thực hiện có hiệu quả công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trọng tâm là chuyển đổi những diện tích lúa kém hiệu quả sang sản xuất cây trồng cạn đã hạn chế được ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, giảm chi phí đầu tư, giảm áp lực nước tưới, tăng hiệu quả sản xuất. Bên cạnh đó, triển khai được nhiều mô hình trang trại chăn nuôi áp dụng công nghệ cao và chương trình bò thịt chất lượng cao; vận hành, điều tiết hợp lý nguồn nước từ các công trình thủy lợi; triển khai bước đầu có hiệu quả công tác vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm nông nghiệp và thực hiện tốt Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Năm 2017, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tập trung xây dựng các chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, nhân rộng các mô hình nông nghiệp áp dụng công nghệ cao; tăng cường các biện pháp nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó chú trọng hỗ trợ sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân và cải thiện môi trường nông thôn...
ÔNG NGUYỄN VĂN DŨNG - GIÁM ĐỐC SỞ DU LỊCH :
Nỗ lực phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh
Năm 2016, với sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo tỉnh, cùng sự nỗ lực của toàn ngành, du lịch (DL) Bình Ðịnh đã đạt kết quả khả quan. Sự kiện thành lập Sở DL vào cuối năm cũng là một dấu ấn đáng nhớ của ngành DL tỉnh nhà.
Năm 2017, phát huy thành tích đạt được, ngành DL Bình Ðịnh nỗ lực thực hiện Chương trình hành động số 06-CTr/TU ngày 20.10.2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển DL trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, với mục tiêu đưa DL trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Tập trung khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế về tài nguyên DL của tỉnh nhà, trong đó lấy DL biển làm mũi nhọn; DL văn hóa, lịch sử, cách mạng và kháng chiến… làm nền tảng. Thu hút đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng DL. Không ngừng nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các sản phẩm DL, nhất là những sản phẩm mang tính đặc thù của địa phương, có tính hấp dẫn cao để thu hút khách DL.
Trong năm 2017, ngành DL Bình Ðịnh phấn đấu đón 3,5 triệu lượt khách, trong đó khách DL quốc tế ước đạt 400 ngàn lượt, tăng 50%; khách nội địa 3,1 triệu lượt, tăng 11% so với năm 2016; doanh thu DL 1.620 tỉ đồng, tăng 80% so với năm 2016.
Ðể đạt được những mục tiêu đã đề ra, ngành DL Bình Ðịnh tập trung nâng cao nhận thức của xã hội về phát triển DL. Tăng cường quy hoạch, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật DL. Phát triển sản phẩm DL. Ðẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá DL. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh DL trên địa bàn tỉnh nhằm bảo vệ, giữ vững thương hiệu DL Bình Ðịnh.
ÔNG ĐỖ XUÂN LẬP, CHỦ TỊCH HIỆP HỘI GỖ VÀ LÂM SẢN (FPA) BÌNH ĐỊNH:
Ngành gỗ Bình Ðịnh hướng đến mục tiêu 380 triệu USD
Năm 2016, giá trị kim ngạch xuất khẩu (KNXK) của ngành gỗ Bình Ðịnh đạt khoảng 361,2 triệu USD, chiếm 49,5% tổng giá trị KNXK toàn tỉnh; song chỉ đạt khoảng 98% so với kế hoạch. Ðây là nỗ lực rất lớn trong bối cảnh nhiều khó khăn của các doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ và lâm sản (CBG-LS) trên địa bàn tỉnh. Ðể có kết quả này, FPA Bình Ðịnh đã tham mưu, đề xuất với các cơ quan trung ương và địa phương giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các DN hội viên, trong đó có các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách thuế, dịch vụ hậu cần, hạ tầng giao thông; đồng thời, đề xuất chính sách phát triển ngành CBG-LS; tăng cường chuyển đổi sang sản xuất đồ gỗ nội thất...
Trong năm 2017, FPA Bình Ðịnh sẽ nỗ lực nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của ngành gỗ Bình Ðịnh; phấn đấu đạt giá trị KNXK 380 triệu USD, tăng 5% so với năm 2016. FPA Bình Ðịnh cũng đề xuất một số giải pháp chủ yếu, như: Bảo đảm nguồn cung cấp gỗ nguyên liệu từ rừng trồng trong nước cho ngành CBG; kiến nghị Chính phủ áp dụng biện pháp cấm xuất khẩu gỗ tròn, tăng thuế suất thuế xuất khẩu gỗ xẻ và kiểm soát chặt chẽ các hoạt động thu gom, thao túng lũng đoạn thị trường của thương nhân nước ngoài; tăng cường chuyển đổi sản xuất đồ gỗ nội thất và sản phẩm được làm từ vật liệu mới, thiết kế mới; đầu tư mới thiết bị tự động hóa...
ÔNG LÊ VỸ - CHỦ TỊCH HĐQT, TỔNG GIÁM ĐỐC CÔNG TY CỔ PHẦN PHÚ TÀI:
Nỗ lực giữ vững danh hiệu “Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam”
Năm 2016 doanh thu của Công ty Phú Tài ước đạt 3.531 tỉ đồng, bằng 117% so với cùng kỳ năm 2015; đạt 100% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế 310 tỉ đồng, đạt 142% so với cùng kỳ năm 2015 và đạt 127% so với kế hoạch năm; nộp ngân sách nhà nước 153 tỉ đồng, tăng 10% so với năm trước… Ðặc biệt, năm 2016, Công ty Phú Tài đã được bình chọn danh hiệu “Top 500 DN lớn nhất Việt Nam”; “Top 1.000 DN nộp thuế thu nhập DN lớn nhất Việt Nam”; “DN xuất khẩu uy tín”…
Về kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2017, Ban lãnh đạo Công ty CP Phú Tài xác định nỗ lực giữ vững danh hiệu “Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam”; phấn đấu đạt doanh thu 3.852 tỉ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2016; lợi nhuận trước thuế đạt 350 tỉ đồng, tăng 13%; nộp ngân sách nhà nước 165 tỉ đồng, tăng 8%...
Nhằm thực hiện có hiệu quả kế hoạch mục tiêu trên, Ban lãnh đạo Công ty Phú Tài đã đề ra một số giải pháp chủ yếu, như: Nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp trong công tác thị trường; chủ động linh hoạt trong việc tìm kiếm khách hàng mới; đầu tư đúng mức cho công tác thiết kế phát triển sản phẩm, mẫu mã mới; tham gia các hội chợ triển lãm quốc tế để quảng bá sản phẩm trên thị trường thế giới… Công ty sẽ cải tiến công tác quản lý sản xuất kinh doanh, nâng cao công tác quản trị điều hành, tích cực thực hiện các giải pháp về quản lý tổ chức sản xuất; nâng cao năng lực cạnh tranh; chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ phù hợp cho sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
ÔNG PHẠM VĂN NAM, TỔNG GIÁM ĐỐC CÔNG TY CỔ PHẦN LƯƠNG THỰC BÌNH ĐỊNH (BIDIFOOD):
Chú trọng nâng cao chuỗi giá trị và chất lượng gạo xuất khẩu
Năm 2016 là một năm đầy khó khăn, thử thách đối với các doanh nghiệp (DN) ngành lương thực, sản lượng gạo xuất khẩu (XK) của Việt Nam giảm 25%, giá trị giảm khoảng 20% so với năm 2015.
Trong bối cảnh như vậy, BIDIFOOD đã chủ động nắm bắt tình hình, nỗ lực giữ vững thị trường truyền thống và khai thác thị trường mới, chú trọng XK trực tiếp... nên đã đạt kết quả khả quan: Giá trị kim ngạch XK đạt 25 triệu USD; doanh thu trên 600 tỉ đồng. BIDIFOOD đạt danh hiệu DN XK uy tín năm 2016; được bình chọn DN dẫn đầu khối thi đua số 1 (thuộc Tổng công ty Lương thực miền Nam), được đề nghị Bộ NN&PTNT tặng Cờ Thi đua xuất sắc; được đề nghị Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng I.
Theo dự báo, năm 2017, tình hình hoạt động XK gạo của các DN trong nước tiếp tục khó khăn, các thị trường lớn sẽ giảm hạn ngạch hoặc áp dụng nhiều rào cản kỹ thuật chặt chẽ hơn, cùng với sự cạnh tranh gay gắt của các nước XK gạo khác, như Thái Lan, Campuchia… Trên cơ sở đó, Ban lãnh đạo BIDIFOOD đề ra kế hoạch chú trọng nâng cao chuỗi giá trị và chất lượng gạo, sắn lát; phấn đấu thực hiện các chỉ tiêu không thấp hơn năm 2016.
NHÓM PV PHÒNG KINH TẾ (Thực hiện)