Quan niệm về giáo dục của Lê Đại Cang
Lê Ðại Cang (1771 - 1847) là danh nhân lịch sử người Bình Ðịnh. Cùng với công lao to lớn với đất nước khi làm quan dưới triều Nguyễn, quan niệm về giáo dục của ông vẫn còn nguyên giá trị cho đến hôm nay.
Năm 1741, khi về hưu, Lê Đại Cang chủ trì xây dựng Văn chỉ Tuy Phước (đã được xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh).
- Trong ảnh: Sinh viên người Tuy Phước dâng hương tại Văn chỉ Tuy Phước vào mùng 6 Tết Nguyên đán năm Bính Thân.
Quê Lê Đại Cang ở thôn Luật Chánh, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước. Sinh thời, chính Lê Đại Cang chấp bút “Lê thị gia phả” (Gia phả dòng họ Lê) và đây trở thành nguồn tài liệu quan trọng để tìm hiểu tư tưởng, sự nghiệp của ông, trong đó có quan niệm của ông về học hành, giáo dục.
1.
Là một nhà nho xuất xứ có nhiều công tích, có những đóng góp được sử sách ghi nhận ở các lĩnh vực chính trị, kinh tế, ngoại giao, văn hóa; trở thành đại thần triều Nguyễn (cao nhất là Binh bộ Thượng thư) nhưng Lê Đại Cang xác định việc làm gia phả “không phải ở chỗ liệt kê họ tên, ghi chép các đời, mà ở đó còn có ý dạy bảo khuyên răn”. Từ chỗ viết ra, đánh giá “điều đáng chuộng, đáng khoe, đáng ghét, đáng khen, đáng trách” trong gia phả, ông hướng đến mục đích giáo dục của việc làm gia phả là “khiến người giàu giúp người nghèo, người sang giúp người hèn, người hiền cảm hóa người xấu. Cho nên, tộc có phả như nước có sử. Không có sử thì giềng mối ngày càng rối loạn, văn hiến bị bỏ sót”.
Với tinh thần trọng học và đề cao ý nghĩa của giáo dục với con người, trong Gia phả, ông tự hào về những tiền nhân của dòng họ chú trọng đến việc học, tuy với từng người, tùy năng lực, điều kiện khác nhau, có thành tựu khác nhau. Có người học thành tài như Lê Công Miễn - là người có thiên tư, chăm học và học giỏi, uyên bác, nổi tiếng về kinh điển Nho giáo, ra làm quan đến chức Thượng thư Bộ hình triều Cảnh Thịnh, nhà Tây Sơn; là người đã soạn ra bộ Hình luật cho nhà Tây Sơn và trở thành niềm tự hào của dòng họ.
2.
Trong Gia phả khi viết: “Ông tổ đời thứ hai húy là Ái, tự Bệ phủ, tục gọi là ông Bệ. Từ nhỏ đã có chí hướng và tiết tháo, kế thừa sự nghiệp của cha ông, sáng cày tối đọc sách, đánh cá, đốn củi, thức khuya dậy sớm để mưu sinh. Tu thân giữ lễ, những lúc rảnh rỗi thì ca hát làm vui, thản nhiên không chút oán giận”; hay “Đời thứ 3 chi Trọng, húy Nghĩa, tự Trọng Nghĩa… tức ông tổ thứ 3 dòng họ tôi. Bản tính hiếu thuận siêng năng, lúc nhỏ thờ cha mẹ rất được vui lòng. Nhà vốn theo nghề nông, vừa cày cấy vừa học tập, sớm chiều chăm chỉ chịu khó, cung phụng cha mẹ không thiếu sót”, chứng tỏ ông dành sự trân trọng rất cao với tấm gương của những bậc tiền nhân của dòng họ, tuy không đỗ đạt cao và ra làm quan này quan nọ, nhưng chăm chỉ học hành để hiểu nghĩa lý, biết ứng xử phải đạo để tu thân, tích đức cho con cháu đời sau.
Học trước hết là để làm người, muốn có kiến thức giúp đời, thực hiện chí làm trai phải thực học và tự học, đó là di sản văn hóa quý báu mà bậc danh nhân Lê Ðại Cang để lại cho hậu thế bằng chính cuộc đời và sự trải nghiệm của mình.
Cùng với khen ngợi, Lê Đại Cang không ngần ngại phê phán, cho dù người đó là bậc tiền nhân của dòng họ mình. Ông viết: “Chi Mạnh, húy là An, tự Mạnh Đức, tục gọi ông Đức, tính tình chất phác, không thích học”. Sau đó ông phê luôn: “Con người nhờ đó mà thành nhân. Đó là học hành để biết được lý lẽ. Tiếc thay cho Mạnh Đức. Nhiều đời không chịu học. Đến đời Bá Trang, giàu có nhưng keo kiệt đần độn”.
Ông đã lấy một trường hợp “đáng ghét, đáng trách” của dòng họ mình làm bài học răn đe hậu duệ với mong muốn làm cho dòng họ mình tốt đẹp hơn. Quan điểm giáo dục của ông thật trung thực, rạch ròi và khách quan, không ngần ngại “để lộ cái xấu” của dòng họ.
3.
Coi trọng việc học là quan niệm rất đáng quý được ông thể hiện rất rõ trong “Lê thị gia phả”. Ông viết: “Người xưa lên 8 tuổi vào tiểu học, dạy cho biết yêu cha mẹ, kính trọng người lớn. Lên 10 tuổi vào đại học, tập cho quen đạo tề gia trị quốc. Muốn học nhiều phải tuần tự, để kịp thời thi thố”.
Từ quan niệm như vậy, ông tự bạch rất trung thực về cái học thiếu thốn, chưa đến đầu đến đũa của mình: “Hơn 10 năm ở nơi lánh địa, tôi bên trong tuy học được thi lễ từ cha, nhưng bên ngoài... còn thiếu thầy dạy bảo. Đến lúc thiếu niên chỉ biết học mà thôi, gọi là tuần tự mà học thì không kịp vậy”. Chính vì vậy, lúc 16 tuổi, khi được học với thầy giỏi, ông “trong 5, 6 năm, lúc ngủ lúc ăn đều ra sức luyện rèn. Phàm gặp được bạn đồng văn liền tới cầu học hỏi, chẳng ngại cười chê là lỗ mãng”.
Việc học thực và sau đó là tự học của chính ông đã góp phần giải thích câu hỏi tại sao ông nổi tiếng và được tiến cử làm tri huyện vào năm 31 tuổi và có đủ bản lĩnh, nhân cách và học thức đảm đương nhiều trọng trách lớn và quan trọng đến vậy trong cuộc đời làm quan kéo dài 41 năm của mình. Quan niệm về thực học của ông vẫn còn giá trị cho đến hôm nay.
NGÔ HỒNG SƠN