Khai thác thủy sản kiểu tận diệt: Còn loay hoay xử lý
Dù ngành chức năng, chính quyền các địa phương đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn tình trạng người dân khai thác thủy sản theo kiểu tận diệt tại các đầm, phá ven biển, nhưng kết quả xử lý chưa cao.
Xử lý xung điện xiếc máy: “Bắt cóc bỏ dĩa”
Năm 2016, lực lượng Thanh tra Chi cục Thủy sản phối hợp với Đội Phòng chống xung điện xiếc máy (XĐXM) huyện Tuy Phước, Cảnh sát giao thông đường thủy, chính quyền các địa phương tổ chức 84 chuyến tuần tra, kiểm soát trên đầm, biển; qua đó, xử phạt vi phạm hành chính 55 triệu đồng với 55 trường hợp vi phạm các quy định về hoạt động khai thác thủy sản. Trong số này, có 5 trường hợp XĐXM bị phạt 16,3 triệu đồng, tịch thu 3 cặp gọng gỗ của xiếc máy, 2 cần điện, 2 tấm lưới, 1 bộ xiếc tay. Tuy nhiên, con số này xem ra vẫn còn quá ít so với thực tế. Một cán bộ Phòng Thanh tra - Pháp chế, Chi cục Thủy sản, nhìn nhận: “Các đối tượng hoạt động ngày càng tinh vi, phức tạp; có những đối tượng vi phạm manh động, chống đối lực lượng tuần tra, kiểm soát”.
Sử dụng lưới lồng để khai thác thủy sản khiến nguồn lợi thủy sản trong đầm Thị Nại ngày càng cạn kiệt.
- Trong ảnh: Ngư dân xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước) sử dụng lưới lồng trên đầm Thị Nại.
Ông Trần Kim Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, nhận xét: “Phòng, chống XĐXM ở các địa phương ven đầm, biển còn gặp nhiều khó khăn. Một số nơi, chính quyền địa phương chưa tích cực phối hợp với cơ quan chức năng để tổ chức tuần tra, ngăn chặn, nên hiệu quả hoạt động chưa cao. Trong khi đó, lực lượng thanh tra chuyên ngành lại mỏng nên chưa đáp ứng được yêu cầu triển khai tuần tra, truy quét trên phạm vi toàn tỉnh”.
Đáng lo hơn, nạn XĐXM ở đầm Thị Nại, đầm Đạm Thủy đang có chiều hướng gia tăng. Tại các thôn Đức Phổ 1, Đức Phổ 2, xã Cát Minh và thôn Ngãi An, xã Cát Khánh (huyện Phù Cát) còn 41 phương tiện trang bị gọng xiếc chuyên hành nghề trên đầm Đạm Thủy. Tại xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước) còn trên 30 phương tiện hành nghề trên đầm Thị Nại.
Ông Đinh Thành Tiến, Chủ tịch UBND xã Cát Khánh, cho biết: Chính quyền xã đã tổ chức nhiều đợt ra quân truy quét các đối tượng XĐXM, nhưng do mặt đầm khá rộng, trải dài qua nhiều xã, nên việc truy quét gặp khó khăn. Hơn nữa, giá mỗi bộ XĐXM 5 - 7 triệu đồng, trong khi chỉ một đêm hoạt động các đối tượng kiếm 300 -500 ngàn đồng; nếu “trúng đậm”, chỉ sau 2 đêm là thu hồi vốn. Do vậy, dẫu biết đây là hành vi bị cấm nhưng nhiều người vẫn làm. Còn ông Lê Duy Trinh, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thuận, nói: “Địa phương từng tiến hành tháo dỡ gọng ngay tại bến, nhưng việc xử lý chỉ như muối bỏ bể. Cái khó là, thiết bị gọng gắn trên tàu cá không nằm trong danh mục dụng cụ cấm và một khi phương tiện chưa hoạt động nghĩa là chưa vi phạm, nên không thể xử lý”.
Lưới lồng: Cần xử lý cương quyết
Quyết định số 13/2014/QĐ-UBND ngày 13.6.2014 của UBND tỉnh bổ sung quy chế quản lý hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi trên địa bàn tỉnh, quy định: cấm khai thác thủy sản bằng lưới lồng tại các vùng nước trong đầm, ven biển của tỉnh; người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính từ 2-4 triệu đồng (nếu khai thác tại các vùng nước nội đồng), 6-8 triệu đồng (nếu khai thác trên biển).
Nạn xung điện xiếc máy đang lộng hành trên đầm Đạm Thủy (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát).
Tuy vậy, chính quyền các địa phương và cơ quan liên quan của tỉnh vẫn loay hoay cách giải quyết vấn nạn này. Theo ông Trần Kim Dương, số lượng người dân sử dụng lưới lồng quá lớn. Để giải quyết tình trạng này cần có thời gian, đòi hỏi các ngành hữu quan và chính quyền địa phương phải phối hợp một cách đồng bộ. Toàn tỉnh hiện có trên 1.000 hộ gia đình ngư dân đang sử dụng khoảng 80.000 chiếc lưới lồng để khai thác thủy sản, tập trung ở các xã khu Đông của 2 huyện Tuy Phước, Phù Mỹ và TP Quy Nhơn.
Theo Phòng Thanh tra – Pháp chế, Chi cục Thủy sản, để giải quyết tình trạng trên, trong năm 2017 Chi cục sẽ phối hợp với ngành chức năng và chính quyền các địa phương của huyện Tuy Phước ra quân thu gom, xử lý lưới lồng trên đầm Thị Nại; sau đó, sẽ triển khai ở các địa phương khác. Đồng thời, Chi cục sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị, các nhóm hạt nhân mô hình đồng quản lý nguồn lợi thủy sản tập huấn, tuyên truyền giúp người dân hiểu rõ những tác hại, ảnh hưởng to lớn đến nguồn lợi thủy sản và môi trường sinh thái tại các vùng nước ven bờ nếu dùng lưới lồng khai thác.
Còn với nạn XĐXM, Chi cục sẽ tiếp tục phối hợp, hỗ trợ cho lực lượng địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát đột xuất trên các đầm Đạm Thủy, Thị Nại và vùng biển ven bờ huyện Phù Cát nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng XĐXM; đẩy mạnh phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản, thành lập các mô hình đồng quản lý nguồn lợi thủy sản tại các địa phương ven biển.
TRỌNG LỢI