Dự án cải thiện tình trạng dinh dưỡng ở trẻ em:
Nhiều chuyển biến tích cực
Chính thức triển khai tại Bình Ðịnh từ năm 1998, đến nay, Dự án cải thiện tình trạng dinh dưỡng ở trẻ em đã mang lại hiệu ứng tích cực. Tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng (SDD) giảm mạnh, phần nào phản ánh chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe thể chất của trẻ đã tốt hơn nhiều.
Điểm tích cực lớn nhất là tỉ lệ trẻ SDD ở thể nặng cũng giảm mạnh. Năm 2014, tỉ lệ trẻ SDD thể nặng là 0,83%, thấp còi nặng là 1,51%; đến năm 2016 lần lượt chỉ còn 0,5% và 0,8%. Đó là những kết quả rất đáng ghi nhận.
Dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng tỉ lệ trẻ SDD ở 3 huyện miền núi còn cao so với mặt bằng chung.
- Trong ảnh: Nhân viên TTYT huyện Vân Canh hướng dẫn sản phụ cho con bú đúng cách, góp phần giảm nguy cơ SDD.
Để đạt được những thành quả đó, Dự án đã triển khai rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Ngoài lực lượng cán bộ chuyên trách ở tuyến tỉnh, huyện, xã, còn có 1.619 cộng tác viên là nhân viên y tế thôn bản. “Mạng lưới này là lực lượng nòng cốt triển khai thường xuyên các hoạt động của Dự án, giúp gắn kết các hoạt động phòng chống SDD trẻ em với các hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu khác tại cộng đồng” - bác sĩ Nguyễn Thị Bích, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, nhận định.
Nhờ hoạt động hiệu quả của mạng lưới y tế cơ sở, công tác quản lý thai nghén được đặc biệt chú trọng, triển khai đồng bộ ở tất cả các địa phương trong tỉnh. Nhờ vậy, 99,99% phụ nữ đẻ được quản lý thai, 99,9% phụ nữ đẻ được khám thai trên 3 lần trong 3 kỳ. Tỉ lệ bà mẹ đẻ được tiêm phòng uốn ván đủ liều và uống viên sắt/viên đa vi chất đạt 99,93%; tỉ lệ bà mẹ đẻ do cán bộ y tế đỡ đạt 99,96%; tỉ lệ bà mẹ đẻ tại cơ sở y tế đạt 99,49%; tỉ lệ bà mẹ, trẻ sơ sinh được chăm sóc sau sinh đạt 100%.
Tuy tỉ lệ SDD ở trẻ em trong toàn tỉnh đã giảm nhiều trong các năm qua, nhưng ở các huyện miền núi, vùng khó khăn, tỉ lệ này vẫn còn cao
Hoạt động truyền thông cũng được thực hiện có hiệu quả. Đáng chú ý là truyền thông trực tiếp, trong năm 2016 nhân viên y tế đã đi thăm, tư vấn tại 34.520 lượt hộ gia đình có trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng và trẻ bị ốm; hướng dẫn tổ chức bữa ăn hợp lý tại gia đình cho 1.207 người.
Tuy tỉ lệ SDD ở trẻ em trong toàn tỉnh đã giảm nhiều trong các năm qua, nhưng ở các huyện miền núi, vùng khó khăn, tỉ lệ này vẫn còn cao. Tỉ lệ SDD cân nặng theo tuổi trung bình của 3 huyện miền núi An Lão, Vân Canh, Vĩnh Thạnh là 16,7%; tỉ lệ SDD chiều cao theo tuổi trung bình là 23%. Cụ thể, tỉ lệ SDD cân nặng và SDD chiều cao ở 3 địa phương trên lần lượt là 17,09%, 24,81%; 17,17%, 21,68%; 15,91%, 22,68%.
Bên cạnh đó, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em, phụ nữ mang thai và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ vẫn còn là vấn đề có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng, đặc biệt ở các địa phương có tỉ lệ SDD thấp còi cao và vùng khó khăn. “Hiện nay, chưa có chương trình bổ sung vi chất dinh dưỡng cho đối tượng tiền hôn nhân và chăm sóc sức khỏe bà mẹ trước khi mang thai nên ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của chương trình” - Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Trung cho hay.
Ông Trung còn cho biết thêm, năm 2016, nguồn kinh phí từ chương trình mục tiêu quốc gia chưa được phân bổ nên nhiều hoạt động chưa được triển khai, cũng không có các nguồn lực để hỗ trợ và cải thiện giảm SDD thể thấp còi.
Theo kết quả điều tra vào tháng 9.1999, tỉ lệ SDD cân nặng trẻ em dưới 5 tuổi ở Bình Định lên đến 39,9%; năm 2011 giảm còn 17,27%. Sau đó, tỉ lệ này dần được cải thiện, đến năm 2014 tỉ lệ SDD cân nặng còn 13,03%, tỉ lệ trẻ thấp còi (SDD chiều cao) còn 20,39%.
Đến năm 2016, thực hiện Dự án cải thiện tình trạng dinh dưỡng ở trẻ em, toàn tỉnh đã có 108.713/109.350 trẻ dưới 5 tuổi được cân, đo; đạt tỉ lệ 99,42%. Kết quả, có 12.093 trẻ SDD cân nặng, chiếm tỉ lệ 11,1%, giảm 1,2% so với năm 2015. Trong khi đó, toàn tỉnh có 18.657 trẻ thấp còi; chiếm tỉ lệ 17,1%, giảm 2,1% so với năm 2015.
NGUYỄN VĂN TRANG