Chuyển đổi trường mầm non sang loại hình công lập tự chủ hoàn toàn về tài chính:
Giãn lộ trình
Chiều 24.7, ngày thảo luận tổ thứ 2 tại Kỳ họp thứ 6 HÐND tỉnh (khóa XI), các đại biểu (ÐB) đã tập trung thảo luận, góp ý sôi nổi đối với Ðề án chuyển đổi trường mầm non (MN) bán công, dân lập sang loại hình trường MN công lập và công lập hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính. Báo Bình Ðịnh xin lược ghi những ý kiến của các ÐB xung quanh vấn đề này.
ĐB Trương Thiên Thành đề nghị các cơ quan chức năng cần có giải pháp quyết liệt để ngăn chặn tội phạm, nhất là tội phạm trong giới trẻ. Ảnh: VĂN LƯU
Theo Nghị quyết 27/2011/NQ-HĐND ngày 18.8.2011 của HĐND tỉnh (gọi tắt là NQ 27), tỉnh ta thực hiện đề án chuyển đổi 122/189 trường MN bán công, dân lập sang loại hình trường MN công lập và công lập hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính (trong đó: 84 trường chuyển sang công lập; 25 trường chuyển sang công lập tự chủ một phần về tài chính; 13 trường chuyển sang công lập tự chủ hoàn toàn về tài chính).
Qua thực tế triển khai, việc chuyển đổi 13 trường MN sang loại hình trường công lập tự chủ hoàn toàn về tài chính gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Đến nay, mới chỉ có 3/13 trường (ở Phù Mỹ, Tây Sơn, Phù Cát) được UBND huyện ban hành quyết định phê duyệt đề án chuyển đổi, dù NQ 27 quy định 13 trường phải hoàn thành việc chuyển đổi trong năm 2012.
Trước tình hình trên, để tiếp tục thực hiện Đề án ban hành kèm theo NQ 27 của HĐND tỉnh, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét điều chỉnh một số nội dung của Đề án. Theo tờ trình này, thời gian thực hiện chuyển đổi sẽ được kéo giãn ra: Từ năm 2013 đến hết năm 2018, 13 trường nêu trên sẽ hoạt động theo cơ chế tự chủ một phần về tài chính (nhà nước sẽ hỗ trợ kinh phí cho các trường trong thời gian này), và từ năm 2019 trở đi sẽ hoạt động theo cơ chế tự chủ hoàn toàn về tài chính.
ĐB Phạm Hồng Sơn nêu ý kiến công tác công chứng còn nhiều bất cập, sai sót. Ảnh: VĂN LƯU
Về học phí, để giảm dần tỉ lệ ngân sách nhà nước hỗ trợ, từ năm 2013 đến 2018, các trường sẽ tăng dần mức thu học phí mỗi tháng, dự kiến lộ trình như sau (tính bình quân cho 13 trường): 191 ngàn đồng (2013), 306 ngàn đồng (2014), 460 ngàn đồng (2015), 693 ngàn đồng (2016), 970 ngàn đồng (2017) và 1,263 triệu đồng (2018).
* ĐB Nguyễn Minh Phụng (Phù Cát):
NQ 27 quyết định chuyển các trường MN sang trường MN công lập tự chủ hoàn toàn về tài chính, giờ UBND tỉnh đề nghị chuyển lại thành tự chủ một phần về tài chính cho đến năm 2018. Trong khi 3 huyện Phù Mỹ, Phù Cát và Tây Sơn đã chuyển đổi, nếu giữ thì trái với nghị quyết, mà chuyển trở lại thì dân phản ứng, rối cho công tác tài chính. Tôi đề xuất không thông qua nghị quyết HĐND tỉnh kỳ này về việc điều chỉnh NQ 27, mà để các huyện tùy theo tình hình cụ thể sẽ chuyển các trường sang tự chủ về tài chính, lộ trình chuyển kéo dài đến năm 2018.
ĐB Cao Văn Bình: “Nơi nào vướng thì đến năm 2018 phải xong”. Ảnh: N. SƯƠNG
* ĐB Cao Văn Bình (An Nhơn):
Theo NQ 27 thì năm 2012 phải chuyển hết 13/122 trường sang tự chủ hoàn toàn về tài chính, nhưng hết năm 2012 chưa trường nào chuyển được. UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành liên quan thành lập đoàn khảo sát, qua đó thấy việc thực hiện NQ 27 vướng vì nhiều lý do, mà cái chính là học phí của các trường thực hiện chuyển đổi quá cao so với các trường không chuyển đổi loại hình trên cùng địa bàn. Điều này khiến các huyện bức xúc, nên phải điều chỉnh nghị quyết. Sở GD&ĐT đề nghị và tỉnh chỉ đạo không thay đổi mà là giãn thời gian, tăng thu học phí dần cho đến năm 2018 thì tất cả các trường tự chủ hoàn toàn về tài chính, và chúng tôi thấy hướng đó có thể thực hiện được. Phù Cát đã thực hiện sớm thì càng tốt. Nơi nào vướng thì đến năm 2018 phải xong.
* ĐB Võ Vinh Quang (An Nhơn):
Chúng ta cần hiểu rõ, quy định trường MN công lập tự chủ hoàn toàn về tài chính theo NQ 27 là chỉ tự chủ phần chi thường xuyên thôi, nhưng NQ 27 lại không nói cụ thể nên các trường hiểu nhầm, tính tất cả các khoản chi khác vào nội dung “tự chủ”, dẫn đến mức học phí tăng lên quá cao.
Vì vậy, khi điều chỉnh NQ 27, quy định từ không hỗ trợ sang hỗ trợ kinh phí cho các trường chuyển, cần xác định phạm vi điều chỉnh là 13 trường và kinh phí đảm bảo là kinh phí chi thường xuyên cho bộ máy nhà trường hoạt động. Còn về nâng cao chất lượng, trường nào có điều kiện nâng cao thì tự thỏa thuận với phụ huynh và tự các trường thực hiện. Đáng lý ra Sở GD & ĐT kiểm tra và thấy vướng trong vấn đề này thì đề xuất từ năm 2012 nhưng đến nay mới thấy nói.
Nên ủy quyền cho UBND tỉnh có thể điều chỉnh tăng mức hỗ trợ HLV, VĐV
Đối với Tờ trình về Quy định dinh dưỡng đặc thù đối với huấn luyện viên (HLV), vận động viên (VĐV) thể thao thành tích cao trong thời gian tập trung tập luyện, thi đấu và chế độ tiền thưởng đối với HLV, VĐV thể thao của tỉnh, các ĐB đều nhất trí và đánh giá điều này thể hiện sự cố gắng và quan tâm của tỉnh đối với lĩnh vực thể thao. Tuy nhiên, một số ĐB cũng băn khoăn, khi các chế độ được quy định bằng mức tiền cụ thể thì sau này sẽ phải mất công điều chỉnh cho phù hợp với thời giá. ĐB Võ Vinh Quang (An Nhơn) đề xuất: “Chúng ta cần vận dụng để vừa đảm bảo thực hiện đúng theo quy định của trung ương (về khung mức tiền cụ thể) và vẫn đảm bảo theo thực tế. Tôi thống nhất như tờ trình và đề nghị nên có quy định ủy quyền cho UBND tỉnh có thể điều chỉnh tăng mức hỗ trợ, chế độ, tối đa không quá 20%”.
Một số ĐB ý kiến khi tăng chế độ thì thành tích thể thao cũng phải tăng theo, đồng thời đề nghị tỉnh cần quan tâm, có quy định chế độ cho HLV, VĐV thể thao thành tích cao của huyện.
Tôi đề nghị vẫn ban hành nghị quyết về việc điều chỉnh NQ 27, trong đó giãn lộ trình chuyển đổi các trường MN sang tự chủ hoàn toàn về tài chính đến năm 2018. Về học phí thì do địa phương quy định cho phù hợp nhằm đủ chi thường xuyên.
* ĐB Phạm Thị Thanh Hương (Tuy Phước):
Nguyên nhân chính là chúng ta chuyển đổi quá nhanh, cơ sở hạ tầng chưa thay đổi nhiều so với trước khi chuyển đổi trong khi mức học phí tăng quá cao khiến người dân không đồng tình. Xã hội hóa giáo dục sẽ được người dân ủng hộ nếu chúng ta vừa nâng học phí vừa đáp ứng được chất lượng giáo dục tốt. Hiện tại một số trường MN tư thục ở TP Quy Nhơn có mức đóng học phí 2,5 triệu đồng/tháng nhưng vẫn thu hút đông phụ huynh gởi con, kể cả công chức nhà nước sẵn sàng tiết kiệm chi phí đưa con đến những trường này học. Khi môi trường giáo dục tốt hơn thì việc tăng học phí và tự chủ kinh phí hoàn toàn của các trường công lập dễ dàng hơn rất nhiều.
* ĐB Lê Hữu Lộc (Quy Nhơn):
Khi triển khai NQ 27, Sở GD&ĐT có đề xuất không chuyển đổi các trường sang công lập tự chủ hoàn toàn về tài chính mà chỉ tự chủ một phần. Song, UBND tỉnh không chấp nhận vì phải thực hiện nghị quyết mà HĐND tỉnh đã thông qua. Để thực hiện nghị quyết này, trong thời gian tới, theo tôi cần giãn thời gian thực hiện nâng mức học phí. Đến năm 2018, các trường MN công lập phải có mức học phí ngang hoặc thấp hơn một ít với trường tư bên ngoài chứ không để quá chênh lệch.
NHÓM PV XÂY DỰNG ĐẢNG - NỘI CHÍNH
Xử lý nghiêm những vi phạm về trật tự an toàn xã hội
Nhận diện những vấn đề bức xúc trên lĩnh vực ANTT, tại các tổ thảo luận, nhiều ĐB HĐND tỉnh đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm và đề xuất các giải pháp nhằm giải quyết vấn đề.
Về công tác giải quyết tố cáo trong 6 tháng đầu năm 2013, dẫn chứng kết quả giải quyết cho thấy có đến 72,1% số vụ tố cáo sai, 19,1% số vụ tố cáo có đúng, có sai, ĐB Trương Thiên Thành (Tây Sơn) cho rằng có tình trạng trên là do nhận thức của người dân chưa đến nơi đến chốn, gây nhiều khó khăn cho các cơ quan chức năng.
Về trật tự an toàn xã hội, ĐB Đặng Thành Thái (Hoài Ân) nhận định tình trạng nợ xấu của các doanh nghiệp góp phần làm phức tạp tình hình xã hội. ĐB Thái thông tin, do kinh doanh thua lỗ, hiện nay các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nợ các ngân hàng 420 tỉ đồng nhưng không thi hành án được, do tài sản thế chấp của doanh nghiệp khi vay vốn không đảm bảo. ĐB Phạm Hồng Sơn (Quy Nhơn) thì băn khoăn về việc có sự quản lý không chặt chẽ, chồng chéo giữa các cơ quan ngành tư pháp, khiến công tác thi hành án bế tắc bởi các bị cáo đã tẩu tán tài sản trước khi ra tòa xét xử.
Các ĐB đề nghị các cơ quan chức năng tham mưu cho UBND tỉnh đề ra các giải pháp để khắc phục, đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm đối với những người tố cáo sai sự thật; quản lý các ngân hàng chặt chẽ hơn trong việc cho vay vốn; chỉ đạo Sở Tư pháp chủ động phối hợp cung cấp thông tin cho các phòng công chứng, cơ quan thi hành án để hạn chế tình trạng tẩu tán tài sản trước khi ra tòa xét xử; ngăn chặn và đấu tranh quyết liệt với tội phạm, nhất là tội phạm trẻ; công tác xét xử án cần nghiêm minh; giám sát thi hành án chặt chẽ...