Nhìn lại Cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học cấp tỉnh:
Vận dụng tốt kiến thức vào thực tiễn
Số lượng sản phẩm đạt giải cao nhất, chất lượng cuộc thi tốt nhất, trong đó, một số sản phẩm đột phá vào những lĩnh vực hoàn toàn mới, cho thấy học sinh đã biết cách vận dụng tốt kiến thức để giải quyết những vấn đề trong cuộc sống. Tất cả những điều này đã tạo nên thành công của Cuộc thi Khoa học kỹ thuật (KHKT) dành cho học sinh trung học cấp tỉnh lần thứ 4.
1.
Giám đốc Sở GD&ĐT Đào Đức Tuấn, Trưởng Ban Tổ chức, Trưởng Ban Giám khảo, nhận định, chất lượng chung rất đáng mừng. Nhiều sản phẩm đột phá vào lĩnh vực mà các cuộc thi trước chưa có, như lĩnh vực sức khỏe cộng đồng. Ví dụ như đề tài “Xác định cấu trúc di truyền nhóm máu hệ ABO trong cộng đồng dân cư tại TP Quy Nhơn nhằm phục vụ công tác truyền máu”, của hai nữ sinh lớp chuyên Sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn Nguyễn Phạm Anh Thư và Nguyễn Mỹ Duyên.
Tác giả Nguyễn Phạm Anh Thư bộc bạch: “Ấn tượng đọng lại từ cảnh một diễn viên trong phim chết trên bàn mổ vì thiếu máu, chúng em quan tâm tìm hiểu và biết, theo thống kê của Bộ Y tế và trung tâm huyết học, lượng máu dùng để cấp cứu người hiện đang thiếu 25% so với nhu cầu. Thế nên, chúng em thực hiện đề tài này với mong muốn nâng cao hơn nữa khả năng thành công của công việc truyền máu”.
Học sinh Nguyễn Phạm Anh Thư (đeo kính) và Nguyễn Mỹ Duyên đang xử lý số liệu người hiến máu tại BVĐK tỉnh.
Ở nhiều lĩnh vực, Ban Giám khảo đánh giá cao tính mới, tính cấp thiết của một số đề tài. Mừng là có cái mới trong những đề tài cũ nhờ cách đề xuất giải pháp xử lý, cải tiến, như các đề tài “Bảo tồn và phát huy Lễ hội cầu ngư - Một di sản văn hóa đặc sắc ở Bình Định” của học sinh Trường THPT Tam Quan, “Lò đốt rác trong trường học” của học sinh Trường THCS Tăng Bạt Hổ, “Nghề dệt thổ cẩm truyền thống với học sinh Trường PTDTNT Vĩnh Thạnh” của học sinh Trường PTDTNT Vĩnh Thạnh… Bên cạnh đó, còn có đề tài mang tính thời sự, nhân văn cao như “Thiết bị cảnh báo giảm nhẹ thiệt hại trong mùa mưa lũ cho vùng hạ lưu sông Kôn & sông Hà Thanh ở tỉnh Bình Định” của học sinh Trường THCS Phước Thuận, “Phương pháp tự xoa dịu nội tâm nhằm giảm nguy cơ trầm cảm ở học sinh THPT” của học sinh Trường THPT Hùng Vương, “Bàn tay giả dành cho người nghèo khuyết tật” của học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ.
Cũng như các cuộc thi trước, năm nay, chiếm số lượng áp đảo vẫn là lĩnh vực cơ khí với 34 sản phẩm. Lĩnh vực khoa học và hành vi đạt “kỷ lục” với 26 sản phẩm. Những sản phẩm đạt giải đều gần với thực tiễn địa phương, có tính mới và khả năng ứng dụng cao trong thực tiễn.
2.
Sau 4 năm phát động, số lượng và chất lượng các sản phẩm tham dự cuộc thi không ngừng được nâng cao. Năm nay tất cả sản phẩm dự thi đều được đầu tư khá công phu. Nhiều sản phẩm xác định mục tiêu nghiên cứu rõ ràng, gần với thực tiễn địa phương; có phương pháp thu thập dữ liệu tốt, việc phân tích và giải thích dữ liệu khoa học, có hệ thống; có tính mới, không trùng với giải pháp đã công bố; sử dụng vật liệu có sẵn trong tự nhiên; có khả năng ứng dụng cao trong thực tiễn; thí sinh dự thi trả lời rõ ràng, tường minh. Những nhóm đề tài có chất lượng cao là: Kỹ thuật cơ khí, Kỹ thuật môi trường, Năng lượng vật lý, Y sinh và khoa học sức khỏe, Kỹ thuật môi trường… Đặc biệt, khoảng cách chênh lệch về chất lượng giữa các dự án không quá xa như các năm học trước.
Hoàng Phạm (Thực hiện)
Ông Đào Đức Tuấn cho biết: Cuộc thi cho thấy sự nghiêm túc của các tác giả dự thi. Các sản phẩm thể hiện sự tìm tòi, khám phá cuộc sống xung quanh. Điều đáng hoan nghênh là các giám khảo đều có nhận định chung, các em đã biết cách vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết vấn đề trong thực tiễn cuộc sống, chẳng hạn như sản phẩm “Duy trì độ ẩm bằng hệ thống bơm nước tự động, ứng dụng trong việc trồng mai ở làng mai Nhơn An, TX An Nhơn” của em Hà Trọng Thư Trường THPT số 2 An Nhơn hay “Xây dựng mô hình băng xanh trồng chuối phòng chống cháy rừng” của các em học sinh Trường THPT Vân Canh.
Dù vậy, đi sâu vào sân chơi này, chúng tôi thấy rõ sự lúng túng ở một số đơn vị, đặc biệt ở lĩnh vực khoa học và hành vi. Giám khảo Nguyễn Thanh Bằng nhận xét: “Các sản phẩm về lễ hội dân gian, làng nghề truyền thống, danh lam thắng cảnh thì các em chủ yếu sưu tầm, biên tập lại. Còn những vấn đề tiêu cực trong nhà trường như ma túy, đánh nhau, thói hư tật xấu… các em thiên về mô tả, sau đó đưa ra giải pháp chung chung. Điều chúng tôi quan tâm nhất là các em phải miêu tả được thực trạng tại trường của mình, lý giải nguyên nhân, và trong giải pháp phải nêu bật trách nhiệm gắn với bản thân của các em, chứ không “đổ thừa” cho xã hội, mong các cấp trên quan tâm giải quyết”.
Cuộc thi KHKT cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm học 2016-2017 do Sở GD&ÐT tổ chức, được phát động từ ngày 25.4 đến 29.12.2016. Ban tổ chức đã nhận được 125 sản phẩm đăng ký dự thi từ các trường THCS, THPT. Sau vòng thẩm định hồ sơ, 125 sản phẩm thuộc 15 lĩnh vực đã được xét dự thi. Kết quả, đã có 78 trong tổng số 125 sản phẩm tham gia tại cuộc thi này đạt giải, gồm 6 giải Nhất, 4 giải Nhì, 17 giải Ba và 51 giải Khuyến khích.
NGỌC TÚ