Ðể ngăn ngừa, hạn chế tình trạng tàu cá xâm phạm lãnh hải nước ngoài:
Tăng cường tuyên truyền, vận động ngư dân chấp hành pháp luật
Như Báo Bình Ðịnh đã thông tin, năm 2016, số lượng ngư dân đưa tàu cá vào lãnh hải các nước láng giềng để khai thác thủy hải sản bị các nước này bắt giữ tăng hơn năm 2015. P.V Báo Bình Ðịnh đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (thuộc Sở NN&PTNT) về tình hình và các giải pháp để hạn chế tình trạng này.
* Thời gian qua, tỉnh ta đã triển khai nhiều biện pháp để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng tàu cá của ngư dân trong tỉnh xâm phạm lãnh hải nước ngoài để khai thác thủy hải sản, song tình trạng này vẫn xảy ra. Xin ông cho biết ý kiến về vấn đề này ra sao?
- Để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng tàu cá của ngư dân xâm phạm lãnh hải nước ngoài, thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT, Chi cục Thủy sản tăng cường tuyên truyền, phổ biến cho ngư dân về chủ quyền quốc gia trên biển, hiểu rõ ranh giới các vùng biển; tiếp tục triển khai các cơ chế, chính sách hiện hành để hỗ trợ, khuyến khích ngư dân an tâm bám biển, duy trì sản xuất; trong đó có hỗ trợ ngư dân máy thông tin liên lạc sóng HF tầm xa, có tích hợp thiết bị định vị vệ tinh (GPS), giúp ngư dân xác định chính xác vị trí khai thác.
Ngoài ra, thông qua các lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng hoặc lồng ghép trong các chương trình tập huấn, chúng tôi còn tuyên truyền, giáo dục cho bà con ngư dân, nhất là các thuyền trưởng, chủ tàu về chủ quyền quốc gia trên biển, ý thức tôn trọng Luật Biển quốc tế, hiểu rõ về ranh giới các vùng biển, về tọa độ các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam để ngư dân biết, thực hiện.
Mặt khác, tỉnh cũng yêu cầu Công an tỉnh phối hợp với Bộ đội Biên phòng, các cơ quan chức năng, UBND các xã, phường ven biển, các đồn Biên phòng và các hội đoàn thể tăng cường tuyên truyền, vận động ngư dân không vi phạm vùng biển các nước; gắn trách nhiệm của Đảng ủy các xã ven biển với việc tàu cá và ngư dân vi phạm, đưa vào tiêu chí xét thi đua ở địa phương.
Tuy nhiên, trong năm 2016, tỉnh ta vẫn có 32 tàu với 259 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, tăng 60 ngư dân so với năm 2015. Hầu hết, tàu cá của ngư dân tỉnh ta bị lực lượng chức năng của nước ngoài bắt giữ, một phần do ngư dân khai thác ở các vùng biển chồng lấn, vùng đang có tranh chấp, bị lực lượng tuần tra nước ngoài bắt giữ trái phép, tập trung tại các vùng biển giáp ranh với các nước như Malaysia, Indonesia, Trung Quốc. Một số trường hợp khác bị bắt do tàu gặp bão, áp thấp nhiệt đới hoặc tránh bão, tàu bị hỏng máy trôi tự do trên biển dạt vào các vùng biển nước ngoài nhưng không biết các biện pháp xin hỗ trợ khẩn cấp và đã bị bắt giữ.
Để ngăn ngừa tàu cá xâm phạm lãnh hải nước ngoài, các đơn vị có liên quan cần tăng cường tuyên truyền, vận động ngư dân tuân thủ, chấp hành các quy định về đánh bắt, khai thác trên các vùng biển.
* Với chức năng của mình, Chi cục sẽ có những hoạt động cụ thể nào để ngăn ngừa, hạn chế hiệu quả hơn tình trạng trên tiếp tục xảy ra trong thời gian tới?
- Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở NN&PTNT, thời gian tới, Chi cục sẽ tiếp tục tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến từng thôn, xã và từng hộ gia đình ngư dân; tiến hành cấp phát 4.000 sơ đồ ranh giới biển Việt Nam cho ngư dân; đảm bảo 100% tàu cá tỉnh ta khai thác vùng biển xa đều có đầy đủ thông tin về vùng đánh bắt thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT tăng cường đàm phán hợp tác khai thác hải sản với các nước trong khu vực, để tạo điều kiện mở rộng ngư trường đánh bắt hải sản cho ngư dân khai thác hợp pháp, tiến đến hội nhập quốc tế trong lĩnh vực khai thác hải sản; thiết lập đường dây nóng để xử lý các vụ việc tàu cá bị bắt giữ giữa các nước trong khu vực, không để các đối tượng môi giới lợi dụng. Ngoài ra, kiến nghị Nhà nước tăng cường lực lượng Kiểm ngư, kết hợp với Cảnh sát biển, Hải quân tuần tra, kiểm soát, giữ gìn vùng biển Việt Nam để kịp thời ngăn ngừa tàu cá Việt Nam có ý định xâm phạm lãnh hải nước ngoài, cũng như ngăn chặn tàu nước ngoài xâm phạm trái phép vùng biển Việt Nam; có phương án hỗ trợ và bảo vệ ngư dân bị hải tặc tấn công, bắt giữ, đòi tiền chuộc.
* Cảm ơn ông!
TRỌNG LỢI (Thực hiện)