HỎI - ÐÁP VỀ BHXH, BHYT
Hỏi: Vợ tôi đi làm và đóng BHXH được 3 năm. Năm 2016 có mang song thai nhưng đến tuần 36 bác sĩ phát hiện có 1 thai chết lưu nên vợ tôi được đưa vào sinh sớm với phương pháp sinh là mổ lấy thai. Khi vợ tôi ra viện, bệnh viện đưa tôi giấy ra viện ghi rõ “song thai” và phương pháp điều trị là “mổ lấy thai”. Trên giấy chứng sinh cũng ghi rõ “số con trong lần sinh này là 2”, nhưng do chỉ có 1 con còn sống nên chỉ có 1 giấy chứng sinh. Tôi xin hỏi trong trường hợp này, vợ tôi được nghỉ mấy tháng hưởng chế độ thai sản? Chế độ thai sản của vợ tôi tính như thế nào? Trợ cấp 1 lần khi sinh con là bao nhiêu? Khi đi làm lại, vợ tôi sẽ hưởng chế độ nghỉ dưỡng sau sinh như thế nào?
Trả lời: Khoản 3, điều 10 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định: “Trường hợp lao động nữ mang thai đôi trở lên mà khi sinh nếu có thai bị chết hoặc chết lưu thì chế độ thai sản được giải quyết đối với con còn sống. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con của lao động nữ tính theo số con được sinh ra, bao gồm cả con bị chết hoặc chết lưu”.
Công văn 3432/LĐTBXH-BHXH ngày 8.9.2016 hướng dẫn: “Lao động nữ mang thai đôi trở lên mà khi sinh nếu có con bị chết hoặc chết lưu hoặc tất cả các con đều bị chết thì trợ cấp một lần khi sinh con theo quy định tại Điều 38 của Luật BHXH năm 2014 được tính theo số con được sinh ra, bao gồm cả con bị chết hoặc chết lưu”.
Trường hợp vợ bạn trợ cấp thai sản bao gồm: 7 tháng lương đóng BHXH + trợ cấp 1 lần 4 tháng lương cơ sở.
Sau khi đi làm lại, trong khoảng thời gian 30 ngày mà nếu sức khỏe vợ bạn còn yếu, thì có thể xin nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khỏe tối đa không quá 10 ngày đối với chế độ sinh đôi.
BHXH TỈNH