Tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số cấp tiểu học:
Cần quan tâm, tạo điều kiện nhiều hơn
Những năm qua, nỗ lực tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số của ngành GD&ÐT đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Dù vậy, để giúp nhóm đối tượng học sinh này có kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt đủ để hoàn thành chương trình giáo dục của cấp học, các địa phương cần quan tâm tạo thêm điều kiện để các trường làm tốt hơn việc này.
Ngày 13.1, Sở GD&ĐT đã tổ chức Hội thảo dạy học tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số cấp tiểu học năm học 2016 - 2017 tại Trường Tiểu học Canh Hòa (huyện Vân Canh), với sự tham gia của 50 người gồm lãnh đạo, chuyên viên tiểu học phòng GD&ĐT, hiệu trưởng và giáo viên dạy lớp 1 và lớp 2 các trường tiểu học có học sinh dân tộc thiểu số đến từ các huyện Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão, Hoài Ân, Tây Sơn và Phù Cát.
Hiệu quả với VNEN
Tiết học môn Tiếng Việt bài Chuyện bốn mùa tại lớp 2A Trường Tiểu học Canh Hòa (huyện Vân Canh) được cô giáo Đào Thị Đệ thực hiện bằng phương pháp dạy học theo mô hình VNEN (cách dạy hướng tới việc học tập chủ động) thật sôi nổi.
Cô Đệ đã “khởi động” cả lớp bằng trò chơi: Nói chuyền miệng về các mùa. Chủ tịch tự quản lớp Đoàn Thị Thảo Nguyên nhanh nhảu nói to “Mùa hè có hoa phượng nở”, bạn ngồi bên cạnh hòa theo “Mùa đông em mặc áo len”, bạn tiếp theo “Mùa xuân em đi chúc Tết”... Cũng có một vài học sinh nói chưa đúng như: mùa Thu lạnh, mùa Đông nóng, nhưng cô Đệ chỉ mỉm cười.
Hết một lượt, cô bảo: “Để biết các em đã nói đúng hay sai, chúng ta hãy học bài Chuyện bốn mùa nhé”. Chỉ vào những bức tranh các mùa gắn trên bảng, cô Đệ đề nghị cả lớp cùng tìm kiếm chi tiết và thảo luận theo nhóm xem bức tranh nào ứng với mùa nào, sau đó cô thống nhất hết các ý, rồi cho cả lớp vào bài đọc.
Với thâm niên 20 năm dạy học sinh dân tộc thiểu số, cô Đệ khẳng định, phương pháp dạy học VNEN được nhà trường áp dụng trong 4 năm qua, so với cách dạy truyền thống, đạt hiệu quả cao hơn. Cô phân tích: “Điều quan trọng là các em nói được tròn câu, nói ra được điều mình nghĩ. Trong lớp học theo phương pháp VNEN, học sinh chủ động tổ chức sinh hoạt lớp, tìm kiếm kiến thức, giáo viên chỉ là người hướng dẫn. Nhờ vậy, các em phải nói liên tục, hoạt động nhiều, vốn tiếng Việt của các em theo đó phong phú dần, cách phát âm cũng chuẩn xác hơn”.
Trong suốt tiết học, cô Đệ nhiều lần yêu cầu một số học sinh phát âm còn hơi “cứng” tiếng Việt đọc lại vài lần một số từ. Cũng có một số học sinh không nói được trọn câu, cô Đệ chủ động tiếp cận, hướng dẫn các em cách phát âm.
Cần được nhân rộng
Tại Hội thảo kể trên, các đại biểu được dự giờ hai tiết dạy (1 tiết Học vần lớp 1 và 1 tiết Tập đọc lớp 2), sau đó cùng nhau trao đổi, chia sẻ về nội dung, phương pháp dạy học, để có thể liên hệ, linh hoạt áp dụng tại đơn vị, địa phương mình. Và quả thật, các tiết học sôi nổi thu hút sự chú ý của nhiều đại biểu, nhiều vị ghi chép liên tục.
Bà Nguyễn Thị Bích Lộc, Phó Trưởng Phòng GD&ĐT huyện An Lão, cho biết: “An Lão đã điều chỉnh kế hoạch dạy học lên thành 501 tiết và chỉ đạo các trường tiểu học toàn huyện triển khai thực hiện. Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, hiệu quả việc dạy tăng cường tiếng Việt trên địa bàn chưa được như Vân Canh, một phần vì cơ sở vật chất chưa đảm bảo, phần nữa do chúng tôi chưa triển khai dạy theo phương pháp VNEN. Có lẽ, sau Tết Nguyên đán, Phòng sẽ tổ chức tập huấn giáo viên về phương pháp này”.
Theo ông Đặng Văn Phụng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, Vân Canh hiện là địa phương thực hiện tốt nhất tỉnh trong việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số cấp tiểu học, khi điều chỉnh kế hoạch dạy học môn tiếng Việt từ 350 tiết lên 501 tiết (từ năm học 2008 - 2009), và áp dụng VNEN từ năm học 2013 - 2014. Ngoài Vân Canh, các địa phương còn lại chưa “mặn mà” với việc dạy tăng cường tiếng Việt. Có khá nhiều lý do nhưng phần nhiều là các trường thiếu cơ sở vật chất để tổ chức dạy 2 buổi/ngày; thiếu giáo viên và thiếu kinh phí để tăng thêm 151 tiết học nên...
“Chúng tôi quan tâm đến việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh lớp 1 và lớp 2 nhiều hơn, vì đây là những lớp đầu cấp. Ngoài nỗ lực của các trường, mong chính quyền các địa phương quan tâm, tạo những điều kiện cần thiết, giúp các trường tháo gỡ khó khăn, thuận lợi triển khai việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số diễn ra thuận lợi”, ông Đặng Văn Phụng tha thiết.
“Dạy học theo VNEN chỉ áp dụng cho học sinh lớp 2 trở lên, nhưng từ học kỳ II của lớp 1, tôi đã hướng dẫn các em làm quen dần với 10 bước lên lớp theo phương pháp này. Sang lớp 2, từ đầu năm, tôi dành gần 3 tuần theo thật sát từng học sinh, hướng dẫn tỉ mỉ từng chút một và dạy khắc sâu với tất cả môn học. Có thuận lợi là trường dạy hai buổi ngày nên sáng học, chiều ôn và rèn thêm. Các em đã tiến bộ rất nhanh. Hiện giờ, lớp đã có nề nếp, các em giao tiếp bằng tiếng Việt rất thoải mái. Nhiều em đọc nhanh, hiểu nhanh, viết tốt. Với những từ khó, tôi dành thời gian giải nghĩa từ thật kỹ, và thường là các em hiểu được ngay”. Cô ÐÀO THỊ ÐỆ, giáo viên lớp 2A Trường Tiểu học Canh Hòa, huyện Vân Canh
NGỌC TÚ