Nâng cao chất lượng xét xử các loại án
Thời gian qua, TAND 2 cấp trong tỉnh không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động; hiệu lực, hiệu quả công tác xét xử; góp phần tích cực đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ vững an ninh chính trị.
Phối hợp tốt, xét xử đúng người, đúng tội
Một trong những kết quả nổi bật trong hoạt động xét xử của ngành Tòa án năm 2016 là chất lượng giải quyết, xét xử các loại án ngày càng được nâng cao. Trong năm, toàn ngành đã giải quyết, xét xử trên 5.690 vụ án các loại, đạt 97%; so với cùng kỳ đã giải quyết tăng 177 vụ án, thụ lý tăng trên 300 vụ. Điều đáng ghi nhận là số bản án, quyết định bị hủy do lỗi chủ quan chỉ chiếm 0,5%.
Xác định việc nâng cao chất lượng xét xử là nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện lộ trình cải cách tư pháp, thời gian qua, TAND 2 cấp trong tỉnh đã tập trung thực hiện hiệu quả các giải pháp mang tính đột phá của ngành.
Trong quá trình giải quyết án, ngành chủ động phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng, đặc biệt là với các vụ án lớn, trọng điểm được dư luận xã hội quan tâm. Qua những buổi làm việc này, các bên đã trao đổi, thảo luận, nhằm bảo đảm giải quyết tốt vụ án, tránh tình trạng trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung nhiều lần giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, dẫn đến kéo dài thời gian giải quyết vụ án. Do vậy, hình phạt mà TAND 2 cấp tuyên đối với các bị cáo về cơ bản bảo đảm nghiêm minh, đúng quy định; tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo; đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình hiện nay.
Điển hình như vụ án Tạ Công Chí cùng 17 bị cáo khác phạm tội “giết người” và “gây rối trật tự công cộng”, làm 1 người tử vong, TAND tỉnh đã xét xử lưu động vụ án này tại huyện Hoài Ân và xử phạt Tạ Công Chí tù chung thân, 7 bị cáo khác có mức án từ 7 - 18 năm tù, 8 bị cáo khác bị xử phạt từ 12 - 15 tháng tù, buộc 8 bị cáo phải bồi thường cho người bị hại. TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã xét xử phúc thẩm vụ án trên và giữ nguyên mức hình phạt đối với bị cáo Tạ Công Chí.
Đối với việc giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự, hôn nhân - gia đình, kinh doanh - thương mại, lao động, về cơ bản, TAND 2 cấp đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật tố tụng. Trong năm, tòa đã hòa giải 2.177 vụ án dân sự, tăng 7,3% so với năm 2015; qua đó góp phần nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại án trên địa bàn tỉnh. Ông Đặng Công Lý, Chánh án TAND tỉnh, cho biết: “Để có được kết quả như trên là nhờ TAND 2 cấp đã chú trọng nâng cao chất lượng tranh tụng tại tòa. Đây là tiền đề và cũng là giải pháp mang tính đột phá nhằm nâng cao chất lượng bản án; đồng thời đảm bảo tính công khai, minh bạch, dân chủ trong hoạt động xét xử”.
Tránh oan sai, bỏ lọt tội phạm
Để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm ở từng địa bàn, từng thời điểm, TAND 2 cấp trong tỉnh đã tăng cường đưa các vụ án ra xét xử lưu động tại các địa phương, nơi xảy ra vụ án hoặc các địa bàn trọng điểm. Trong năm, TAND 2 cấp đã tổ chức 95 phiên tòa xét xử lưu động.
Theo ông Đặng Công Lý, để nâng cao chất lượng giải quyết các loại vụ án, ngành sẽ quan tâm làm tốt hơn nữa công tác bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, để nâng cao trình độ cho cán bộ, công chức trong ngành; chú trọng tổng kết thực tiễn và rút kinh nghiệm công tác xét xử, nhằm phát hiện sai sót để khắc phục kịp thời. Bên cạnh đó, ngành tiếp tục đổi mới thủ tục tranh tụng tại phiên tòa theo hướng thực chất, bảo đảm dân chủ, công khai, đúng quy định của pháp luật, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung không đúng quy định của pháp luật và khắc phục triệt để tình trạng xét xử oan, sai, bỏ lọt tội phạm.
“Để khắc phục những bản án bị hủy, sửa, chúng tôi sẽ nghiêm khắc xác định rõ trách nhiệm của cá nhân thẩm phán và hội đồng xét xử. Những thẩm phán có bản án, quyết định bị hủy hoặc sửa do lỗi chủ quan, cho bị cáo hưởng án treo không đúng quy định của pháp luật, án tuyên không rõ ràng, gây khó khăn cho công tác thi hành án dân sự… thì phải bị kiểm điểm, gắn với đánh giá, phân loại cán bộ, công chức hàng năm về năng lực, trình độ và tinh thần trách nhiệm” - ông Lý nhấn mạnh.
K.ANH