Giết mổ gia cầm sống tại chợ:
Tiềm ẩn nỗi lo mất vệ sinh, an toàn thực phẩm và lây nhiễm dịch bệnh
Hiện nay, tại một số chợ trên địa bàn tỉnh, song song với việc kinh doanh gia cầm sống, một số hộ còn giết mổ gia cầm ngay tại chỗ. Hoạt động này tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh, an toàn thực phẩm (VSATTP) và làm tăng khả năng bùng phát, lây nhiễm dịch bệnh.
Một điểm giết mổ gia cầm tự phát trên đường Hoàng Hoa Thám, gần chợ Đầm (phường Thị Nại, TP Quy Nhơn).
Nhiều nguy cơ mất an toàn
Tại khu vực chợ Đầm (phường Thị Nại, TP Quy Nhơn), có khoảng 15 hộ hành nghề giết mổ gia cầm sống, tập trung chủ yếu ở đường Hoàng Hoa Thám. Hầu hết các điểm này có diện tích nhỏ hẹp, ẩm thấp; người trực tiếp giết mổ hầu như không sử dụng găng tay, khẩu trang, ngoại trừ lúc nhúng gà, vịt vào thau nước sôi. Chất thải trong quá trình làm gà, vịt cũng được gom ngay tại chỗ; còn nước thải thì đổ ngay ra đường, chảy lênh láng. Những nồi nước nhúng gia cầm sống được các chủ hàng tận dụng nhúng đi nhúng lại gia cầm nhiều lần. Gà, vịt vừa giết mổ xong được gom lại, cho vào bao ni lông và giao cho khách.
Nhiều người vì không muốn mua gia cầm đã được sơ chế sẵn, sợ mua phải hàng không tươi sống nên trực tiếp đi mua gà, vịt sống rồi mang đến các điểm giết mổ này thuê làm. Vì vậy, dẫu biết mất vệ sinh, họ vẫn chấp nhận với suy nghĩ về nhà làm sạch lại một chút là xong. “Chính tâm lý này đã tiếp tay cho hoạt động giết mổ gia cầm tự phát”- ông Nguyễn Văn Ánh, Trưởng Trạm Thú y TP Quy Nhơn, nhận định.
Tại chợ Bình Định (phường Bình Định, TX An Nhơn) hay chợ cầu Gành (xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước) việc vừa bán vừa giết mổ gia cầm sống cũng diễn ra khá phổ biến. Máu, phân, lông của gia cầm sau khi giết mổ thường vương vãi, khiến môi trường xung quanh bị ảnh hưởng. Những điểm giết mổ tại chỗ kiểu này đều không bảo đảm điều kiện để được cấp phép hoạt động; do đó không có sự kiểm soát về VSATTP của cơ quan chức năng. Ban quản lý một số chợ cho biết, dù biết hoạt động vừa buôn bán vừa giết mổ gia cầm tại chỗ không bảo đảm VSATTP và không được phép của cơ quan chức năng, song vì nhiều lý do, họ chỉ nhắc nhở và yêu cầu các cơ sở bảo đảm vệ sinh chung trong khu vực chợ.
Cần siết chặt quản lý, kiểm tra
Ông Nguyễn Văn Ánh, Trưởng Trạm Thú y TP Quy Nhơn, thừa nhận vẫn còn tình trạng hộ kinh doanh đưa gia cầm sống vào chợ giết mổ. Hiện quanh khu vực chợ Đầm hay chợ Khu Sáu, có khoảng 30 hộ làm nghề giết mổ gia cầm không đảm bảo các điều kiện VSATTP. Việc quản lý còn khó khăn do cán bộ chuyên trách lĩnh vực này không đủ thẩm quyền để lập biên bản; việc xử lý không dễ vì đa số các hộ làm nhỏ lẻ, lại nằm sâu trong khu vực chợ, khu dân cư.
Ông Lê Ngọc Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT), cho rằng: “Công tác quản lý giết mổ gia súc gia cầm lâu nay vẫn là vấn đề nan giải, bởi cho đến nay, trên địa bàn tỉnh, các lò giết mổ tập trung chưa nhiều. Để góp phần đảm bảo nguồn thịt gia cầm sạch, từ nay đến Tết Nguyên đán Đinh Dậu- 2017, Chi cục tiếp tục phối hợp cùng lực lượng chức năng liên quan tăng cường kiểm soát, quản lý chặt chẽ hoạt động buôn bán, giết mổ tại các cơ sở giết mổ tạm thời, nhất là ở các chợ có kinh doanh sản phẩm gia cầm không bảo đảm VSATTP, vệ sinh môi trường; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực thú y, nhất là với hành vi buôn bán, giết mổ gia cầm sống không rõ nguồn gốc, xuất xứ”.
Ông Pháp cũng khuyến cáo, để đảm bảo VSATTP, người tiêu dùng nên sử dụng các sản phẩm gia cầm ở các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại đã qua kiểm soát của lực lượng thú y, có dấu kiểm dịch rõ ràng. Khi phát hiện sản phẩm động vật bày bán không vệ sinh hoặc nghi ngờ không an toàn, chưa qua kiểm dịch thú y, cần báo cho ngành chức năng để có biện pháp xử lý.
NHƠN HỘI