Vốn đầu tư tối thiểu 1.000 tỷ mới được mở đại học nước ngoài ở Việt Nam
Điều kiện để các dự án mở trường đại học (ĐH) có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam là vốn đầu tư phải đạt mức tối thiểu 1.000 tỷ đồng, không bao gồm giá trị đất xây dựng trường.
Vốn đầu tư được xác định bằng tiền mặt và tài sản đã chuẩn bị để đầu tư và được cơ quan có thẩm quyền xác nhận bằng văn bản.
Đây là một trong những quy định mới được đưa ra trong dự thảo Nghị định Quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) công bố.
Theo quy định cũ, các dự án mở trường ĐH có vốn đầu tư nước ngoài phải có suất đầu tư ít nhất là 150 triệu đồng/sinh viên (không bao gồm các chi phí sử dụng đất).
Tổng số vốn đầu tư ít nhất được tính toán căn cứ thời điểm có dự kiến quy mô đào tạo cao nhất, nhưng không thấp hơn 300 tỷ đồng.
Như vậy, theo dự thảo thì quy định về điều kiện vốn đầu tư mở các trường đại học có vốn đầu tư nước ngoài có yêu cầu cao hơn.
Điều kiện về giảng viên cũng được đặt ra cao hơn. Theo đó, giảng viên ít nhất phải có trình độ thạc sĩ trở lên. Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ không ít hơn 50% tổng số giảng viên cơ sở. Theo quy định trước đó, tỷ lệ tiến sĩ yêu cầu là không ít hơn 35%.
Bên cạnh đó, dự thảo mới cũng quy định cho phép nhà đầu tư nước ngoài được phép góp vốn, mua cổ phần, nhận chuyển nhượng quyền đầu tư của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài hoặc vốn đầu tư trong nước đã được thành lập ở Việt Nam.
Quy định trước đó không có quy định về việc các nhà đầu tư nước ngoài được phép góp vốn, mua cổ phần, nhận chuyển nhượng quyền đầu tư của các cơ sở giáo dục.
Một điểm mới trong dự thảo là thẩm quyền cấp phép cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo đó, quy định mới không giao quyền cấp phép thành lập các cơ sở giáo dục mầm non, trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường phổ thông có nhiều cấp học (trong đó không có cấp học trung học phổ thông) cho các huyện như trước đây.
Dự thảo mới cũng quy định về hợp tác liên kết đào tạo, mở phân hiệu và đăng ký hoạt động giáo dục, trong đó có nhiều điểm mới.
Chẳng hạn, đối với các chương trình liên kết, yêu cầu về giảng viên người nước ngoài và giảng viên nước ngoài dạy ngoại ngữ được quy định chi tiết.
Trình độ ngoại ngữ cũng sẽ do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chứ không yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ chuẩn châu Âu như trước đây.
Theo Vietnamnet