Tết này, dưới những “mái nhà chung”
Các cơ sở bảo trợ xã hội - “mái nhà chung” của rất nhiều những số phận kém may mắn - Tết Ðinh Dậu này ấm áp tình người, tình thân và nhiều màu sắc tươi vui.
Mẹ Hương và các con tại nhà Hoa Sen (Làng trẻ em SOS Quy Nhơn) vui vầy bên chảo mứt dừa do chính tay mẹ và các con cùng làm.
Tết sẻ chia, Xuân đoàn tụ
Tết này là tròn 32 năm vợ chồng ông A Liếu (75 tuổi) và bà Nguyễn Thị Hạnh (67 tuổi) đón Tết ở Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội (CTXH&BTXH) tỉnh. Ông quê ở Kon Tum, bà quê ở Quảng Ngãi. Hai con người khiếm khuyết, lang thang, cơ nhỡ, gặp gỡ lần đầu tại Trại Xã hội Phù Mỹ năm 1984. Đồng cảm, thương mến nhau, họ xin phép được về chung một phòng và gọi nhau là vợ là chồng. Năm 1994, họ được chuyển về Trung tâm CTXH&BTXH tỉnh và trở thành một trong số những thành viên lâu năm nhất ở đây.
Tết của vợ chồng ông A Liếu bắt đầu từ những chuyến thăm, tặng quà của các đơn vị, nhà hảo tâm. Ôm quà về nhà, soạn quà cùng nhau, ông A Liếu cười thật thà tâm sự: “Nơi nào là nhà, nơi đó có niềm vui. Tết này, vợ chồng tôi vẫn vui cùng các anh chị em cùng cảnh ở Trung tâm”.
Trở về thăm mái nhà chung một thời cùng con gái vào 26 tháng Chạp, chị Ra Lan Ngọt (37 tuổi, ở xã Canh Thuận, huyện Vân Canh) đột ngột bị cao huyết áp, choáng váng đầu óc. Chưa kịp hỏi han được mọi người bao nhiêu, chị đã được nhân viên y tế và các cô, các dì tại Trung tâm chăm sóc. Nằm nghỉ trên chiếc giường, chị Ngọt xúc động: “Mình trưởng thành và rời Trung tâm gần 20 năm. Dù diện mạo Trung tâm đã thay đổi nhiều, mỗi lần trở về, mình vẫn thấy quen thuộc, gần gũi. Cái cảm giác khi mình trở về, cúi chào và được mọi người gọi tên trong ngỡ ngàng, thấy ấm áp lắm!”.
Được biết, những ngày Tết, nhất là mùng 5 Tết, Trung tâm CTXH&BTXH tỉnh đón nhiều chuyến trở về của những người con đã trưởng thành. Với họ, về Trung tâm vào ngày Tết cần thiết như về với gia đình vậy.
Hương gia đình ở làng SOS
Xong bữa cơm chiều 26 tháng Chạp, 9 đứa trẻ ở nhà Hoa Sen Làng trẻ em SOS Quy Nhơn quây quần bên chảo mứt dừa của mẹ Phạm Thị Hương (47 tuổi). Mùi thơm béo ngậy của dừa làm mấy đứa nhỏ không cưỡng nổi. Những em nhỏ tuổi nhất nhà thẽ thọt, nũng nịu với mẹ: “Mẹ cho con thử một miếng với!”. Được mẹ gật đầu đồng ý, mỗi đứa liền nhón tay lấy một miếng mứt dừa, đưa ngay vào miệng, xuýt xoa khen ngon, làm mẹ Hương cười tươi hết cỡ.
Đó là hình ảnh thân thương của một trong những buổi chiều cuối năm, khi những đứa trẻ đi học về và quây quần quanh mẹ để xem, phụ mẹ nấu món này, làm món kia hoặc xúng xính thử đồ Tết. Mẹ Hương cho biết: “Tôi muốn làm nhiều món ngon, đặc trưng hương vị ngày Tết để các con biết, học hỏi và thưởng thức. Đêm giao thừa, tôi sẽ cùng với một nhà khác trong làng gói bánh tét, bánh chưng”.
Nhờ sự đảm đang, khéo léo của các mẹ ở Làng trẻ em SOS, những đứa trẻ từng sống trong cảnh thiếu thốn, khó khăn đã được nếm vị tết, hương tết. Như Đoàn Công Duy (11 tuổi, quê ở huyện Vân Canh) năm nào cũng háo hức chờ đến đêm 30 Tết để được cùng anh chị em xoay tròn quanh bếp lửa bập bùng, canh nồi bánh tét. Duy bảo: “Trước đó, con chưa biết nấu bánh tét, cũng chưa bao giờ biết cái bánh tét ra sao. Vào làng, con được mẹ dạy cách canh lửa, cách chêm nước cho nồi bánh tét. Con thích không khí ấm áp, đông vui bên nồi bánh”.
Để bù đắp tình thương cho những đứa trẻ đã khuyết gia đình trong thời khắc đoàn viên, các bà mẹ ở Làng trẻ em SOS Quy Nhơn tất bật vun vén tết từ những ngày đầu tháng Chạp. Mẹ Hương tự hào: “Nhà mình đông con nên phải lo từ sớm. Mỗi ngày đi chợ đều tranh thủ tạt qua hàng quần áo, giày dép, xem có thứ nào hợp với đứa lớn, vừa với đứa nhỏ để mang về. Bận bịu nhưng vui và hạnh phúc!”.
Càng gần đến cuối năm, cái bận bịu và hạnh phúc ấy nhân lên gấp bội. Cứ thế, không khí của tết gia đình đang lan tràn khắp các nhà Hoa Sen, Hoa Giấy, Hoa Đồng Tiền... trong Làng trẻ SOS Quy Nhơn.
Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn: Sửa soạn cho Tết
Tết với những người bệnh tâm thần ở Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn có lẽ sẽ bắt đầu bằng một mái tóc gọn gàng và mới mẻ. Những ngày giáp Tết, hoạt động cắt tóc tập trung cho hơn 500 bệnh nhân đang diễn ra trong không khí vui vẻ, phấn khởi.
Niềm vui thích nổi bật nhất trên gương mặt của những người được tín nhiệm giao nhiệm vụ cắt tóc - các bệnh nhân tâm thần dạng nhẹ, còn tỉnh táo. Tay cầm lược, tay cầm tông-đơ, điệu bộ cẩn thận từng chút một, anh Nguyễn Văn Cường (35 tuổi) kể: “Mình mới học cắt tóc trong những ngày ở Trung tâm. Mấy hôm nay, được thay phiên cắt tóc cho anh em, mình thích lắm!”.
Theo ông Đoàn Thế Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng tâm thần Hoài Nhơn, bên cạnh việc cho anh em cắt tóc gọn gàng đón Tết, Trung tâm còn tổ chức gội đầu cho chị em, giao việc chỉnh sửa quần áo, chăn màn cho một số bệnh nhân nữ còn tỉnh táo về nhận thức để tạo cảm giác sửa soạn vui xuân, đón Tết.
NGUYỄN MUỘI