Tết của người H’re An Lão
An Lão hiện có 3 dân tộc anh em cùng sinh sống là: Người Kinh, Barnar và H’re. Trước đây người H’re không ăn tết cùng ngày với người Kinh và cũng không ăn cùng ngày với nhau trong cộng đồng dân tộc mình. Mỗi làng ăn tết một thời gian khác nhau, vì theo họ ăn tết như vậy mới có điều kiện, thời gian đi thăm viếng sau một năm làm lụng vất vả. Từ sau những năm đổi mới, người H’re đã thay đổi tập tục, vui xuân, đón tết cùng thời điểm với tết cổ truyền của người Kinh. Song họ vẫn gìn giữ và lưu truyền những phong tục ngày tết mang đậm nét văn hóa của dân tộc mình.
Tục viếng mộ ngày tết của người H’re
Ai cũng biết, tết là thời điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới, là thời khắc thiêng liêng của mỗi dân tộc. Tết đã trở thành nét đẹp văn hóa ăn sâu vào tâm thức của người Việt Nam từ xưa đến nay. Tết không chỉ là dịp đón chào mùa xuân mới, mà còn là dịp sum họp cùng gia đình, dòng tộc, xóm làng. Con cháu đi học hành, làm ăn xa quay về mái ấm. Mọi người cùng cầu chúc cho nhau một năm mới sung túc, an khang, thịnh vượng, hạnh phúc hơn năm cũ. Vì vậy mà ai cũng náo nức, phấn khởi chuẩn bị cho một cái tết thật chu đáo, đủ đầy. Trong số các dân tộc ít người cùng sinh sống trên địa bàn tỉnh Bình Định, người H’re An Lão là tộc người có những nét riêng biệt về đón Tết truyền thống của mình.
Những năm trước đây, tết của người H’re thường bắt đầu từ trước hoặc sau tết Nguyên đán của người Kinh, khi tiết trời miền núi đã trở nên ấm áp. Tết riêng của đồng bào H’re thường không diễn ra cùng một thời gian định sẵn, mỗi làng định ra ngày ăn Tết khác nhau, vì theo họ ăn tết như vậy mới có điều kiện, thời gian thăm viếng nhau... Trong ngày tết của người H’re, không thể thiếu thức uống là rượu cần. Để chóe rượu thơm ngon, ngoài nguyên liệu là sắn, nếp, ngô ra thì người chế biến phải có bàn tay khéo léo, biết cách ủ men… Ngoài rượu cần, tết người H’re không thể thiếu thịt heo và bánh lá dong; mỗi gia đình tùy theo mức độ giàu nghèo mà thịt từ một đến hai con heo; bánh được gói bên ngoài là lá dong, bên trong là gạo nếp. Tục “vô lá” vẫn còn lưu giữ đến ngày hôm nay. Trước đêm “Giao thừa” người H’re rộn ràng chuẩn bị gạo nếp và các vật liệu cần thiết để gói bánh. Bánh gói xong người ta nấu qua đêm cho đến sáng ngày mồng một. Ngoài lễ cúng “Vô lá”, lễ cúng đầu năm tại một cây nêu nhỏ trong sân vườn đặt gần nhà bếp là không thể thiếu, theo người H’re đây là lúc con cháu (người sống) mời Tổ tiên ông bà (người đã khuất) về cùng ăn tết và chứng dám cho những cầu mong một năm mới tốt lành. Lễ cúng diễn ra từ nửa đêm hay tờ mờ sáng; lễ vật gồm con gà, chóe rượu, thịt heo và bánh lá dong. Người H’re không kiêng kị tuổi tác của người đến xông nhà, ai đến trước cũng được. Khách đến khi lễ cúng vừa xong là cùng quây quần ăn cơm, uống rượu và “Chúc mừng năm mới”. Song song với công việc gói bánh lá dong của phụ nữ thì đàn ông hăng say dọn dẹp nhà cửa, tu sửa và trang trí bên trong căn nhà lẫn bên ngoài sân vườn, chuồng trâu. Những ngày trước đó họ còn tranh thủ ra suối bắt thêm cá niêng, lên rừng bẫy thêm gà rừng, chim, sóc, chuột núi… để bữa tiệc năm mới được đầy đủ hơn. Đặc biệt, ngày tết của người H’re còn có tục “Tết trâu”, cúng tại chuồng trâu vào sáng mồng 3 hoặc mồng 5, mồng 7 của tết (cúng ngày lẻ). Bởi “con trâu là đầu cơ nghiệp”, là tài sản không chỉ thể hiện sự giàu có, gắn bó với con người mà nó còn cho con người sức kéo. Người H’re rất coi trọng tục Tết trâu, họ cầu mong con trâu nhà mình luôn to, khỏe; trâu cái thì đẻ nhiều con... Khi cúng trâu xong, chủ nhà bày biện tất cả các món ăn ngon cùng chóe rượu cần và những vật phẩm quý để đãi cho thầy Bà dâu (thầy cúng) và dâng mời khách.
Bài cúng của người H’re rất đa dạng và phong phú. Song, chung qui vẫn là những lời cầu khấn đến “Thần linh”, làm cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, lúa bắp đầy kho…; cầu khấn tổ tiên phù hộ con cháu có nhiều sức khỏe, học hành giỏi giang… Người H’re xưa ít khi tự cúng, mà phải mời thầy Bà dâu, đến cúng cho gia đình mình. Theo họ như vậy mới thật sự hiển linh, vì thầy Bà dâu là người trung gian chuyển những “thông điệp” của gia chủ đến với thần linh, ông bà và nhận sự ban tặng của thần linh, ông bà về cho gia đình, việc mà không phải ai cũng làm được.
Mồng năm tết là một ngày linh thiêng và trọng đại nhất của cả dân làng. Mọi người tập trung tại một nơi qui định và theo sự chỉ huy của Già làng, tất cả cùng lên rừng lấy củi đầu năm. Khi củi được đem về nhà và cho vào bếp, đó là lúc mỗi người chính thức được nhận thêm một tuổi mới. Bấy giờ, mọi người thỏa sức cùng nhau ăn uống, chúc mừng; đánh Cồng chiêng, đàn Vin vút, Ca lêu, Ca choi rộn rã… (Người già H’re xưa không biết mình bao nhiêu tuổi mà chỉ biết mình được bao nhiêu “gốc rẫy”, mỗi một lần đi lấy củi đầu năm là họ tăng thêm một “gốc rẫy” - một tuổi).
Theo dòng chảy của thời gian, cuộc sống ngày càng hiện đại và trước sự du nhập của các loại hình văn hóa khác, văn hóa của người H’re ngày càng bị xâm lấn. Mỗi độ tết đến, xuân về, ta thấy thưa dần cảnh các xóm làng nhộn nhịp cùng nhau ủ những chóe rượu cần thơm nồng. Trong ngày tết hay dịp lễ hội, thanh niên H’re không biết đánh chiêng, không biết chơi các nhạc cụ dân tộc. Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhiều gia đình vẫn còn gìn giữ những phong tục riêng của ngày tết mang đậm nét văn hóa của dân tộc. Ngày tết, nhà nhà vẫn còn truyền thống Vô lá, gói bánh lá dong để cúng ông bà; tục “Tết trâu” và những lễ cúng đầu năm vẫn được gìn giữ đến ngày hôm nay.
Hòa cùng nhịp sống hối hả của cuộc sống hiện đại, đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc H’re cũng ngày một thay đổi. Những nét văn hóa đặc trưng mang đậm bản sắc dân tộc mình như mái nhà sàn, chóe rượu cần, những bộ đồ dệt bằng thổ cẩm, những điệu múa, những bài dân ca của người H’re đã bị mai một. Thế hệ trẻ hiện nay, đã không còn biết đến không khí rộn ràng của những ngày cả làng cùng nhau ủ rượu cần, vô lá bánh chuẩn bị cho ngày tết. Song, điều đáng quý là chúng ta vẫn bắt gặp trong cộng đồng người H’re nhiều phong tục mang những nét riêng của dân tộc mình, mà đồng bào nơi đây đã lưu truyền từ đời này sang đời khác. Dù cuộc sống có đổi thay như thế nào thì Tết vẫn luôn là dịp để mọi người thể hiện lòng thành kính, tri ân và nhớ về tổ tiên, ông bà. Vì thế, vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, gia đình người H’re nào cũng đều cố gắng sắm sửa mâm cỗ thịnh soạn, dâng lên tổ tiên, ông bà, mong phù hộ cho một năm mới tốt lành, bình an và thành đạt.
Đức Phú