Năm Dậu cà kê chuyện… gà
Theo quan niệm của phương Đông, gà được xếp vào hàng thứ 10 trong số 12 con vật tượng trưng cho 12 tháng của năm (còn gọi là Thập-Nhị-Chi) và cũng là 1 trong 6 con thuộc “Lục súc”.
Gà có tên khoa học là Gallus Domesticus, thuộc họ Phasianidae, xuất hiện trên trái đất cách đây hàng chục ngàn năm. Theo các nhà khảo cổ, gà được con người thuần hóa vào khoảng 3.000 năm trước Công nguyên. Từ xa xưa, hình ảnh con gà từng xuất hiện trong nhiều nền văn hóa của cả phương Đông và phương Tây.
Biểu tượng năm Dậu- 2017
Đối với Việt Nam, hình ảnh của gà cũng xuất hiện từ khá sớm và gắn liền với lịch sử của dân tộc. Ngay từ thời vua Hùng, hình ảnh “gà chín cựa” đã xuất hiện trong truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh. Đồng thời, những dấu ấn của lịch sử đất nước cũng gắn liền với những năm Dậu. Năm Đinh Dậu (157), Chu Đạt lãnh đạo nhân dân vùng Cửu Chân và Nhật Nam nổi dậy đánh chiếm các quận huyện từ tay của nhà Đông Hán. Năm Tân Dậu (541), Lý Bí đã khởi binh đánh Tiêu Tư là Thứ Sử của nhà Lương và lập ra nhà Tiền Lý… Đến năm Ất Dậu (1945), tại quảng trường Ba Đình, Hồ Chủ tịch đã đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa…
Riêng đối với Bình Định, hình ảnh của gà và những năm Dậu cũng có khá nhiều “dấu ấn”. Vua Quang Trung sinh năm Quý Dậu (1753). Mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789), quân Tây Sơn do Quang Trung chỉ huy đã tiến ra Thăng Long, đập tan 29 vạn quân Mãn Thanh. Còn Nguyễn Lữ thì được coi là “cha đẻ” của bài Hùng kê quyền - bài võ được Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam chọn là 1 trong 10 bài võ tiêu biểu trong hệ thống thi đấu võ cổ truyền.
Tranh “Gà đại cát nghinh xuân”
Đáng lưu ý, nếu gà mái tượng trưng cho người phụ nữ dịu dàng, nhân hậu, đảm đang, chịu thương chịu khó, thì gà trống lại tượng trưng cho người đàn ông có đủ 5 đức tính của người quân tử: văn - võ - dũng - nhân - tín. Chính vì vậy, từ xa xưa hình ảnh của gà đã in đậm trong văn học - nghệ thuật và trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao, câu đố…
Theo đó, ca dao xưa từng có câu: Cho hay tiên lại kiếm tiên/Phượng-Hoàng chẳng chịu đứng chen đàn gà. Nhưng cũng có câu: Phượng hoàng đậu nhánh cheo leo/Sa cơ thất thế phải theo đàn gà/Bao giờ mưa thuận gió hòa/Thay lông đổi cánh lại ra Phượng hoàng…
Nhà thơ Nguyễn Bính có câu: Tiếng gà nghe vọng đêm thâu/Giật mình ngỡ tiếng còi tàu năm xưa”. Và còn rất nhiều câu như: Em về thưa mẹ cùng cha/Bắt lợn đi cưới bắt gà đi cheo; Có duyên lấy được chồng già/ Ăn xôi bỏ cháy, ăn gà bỏ xương; Chó liền da, gà liền xương; Chó giữ nhà, gà gáy sáng; Chơi chó, chó liếm mặt/ Chơi gà, gà mổ mắt; Chớp đông nhay nháy,/ Gà gáy thì mưa; Ráng mỡ gà, ai có nhà phải chống…
Đồng thời, hình ảnh gà cũng in đậm trong điêu khắc và tranh dân gian Việt Nam. Tiêu biểu như tranh “Gà đại cát nghinh xuân” của dòng tranh Đông Hồ. Do trong tiếng Hán, từ Đại kê (gà trống) có gần âm với từ “đại cát” nên tranh này được coi như lời lành nhân dịp ngày xuân. Bên cạnh đó, dòng tranh Đông Hồ còn có một số tranh gà độc đáo khác, như: Tranh “Gà thư hùng”, vẽ đôi gà trống - mái và đàn con, với ý nghĩa chúc gia đình hạnh phúc, vợ chồng con cái sum vầy, ấm no, hòa thuận… Hay như tranh “Phú quý - Vinh hoa”, vẽ một em bé ôm gà, với ý nghĩa chúc gia chủ giàu sang, phú quý, con cháu đề huề, có đủ cả trai lẫn gái…
Tranh “Gà thư hùng”.
Ngoài ra, hình ảnh, điệu bộ, diện mạo của gà cũng được dùng để so sánh, ví von. Chẳng hạn, người hay đãng trí, nhầm lẫn được ví như trông gà hóa quốc; người có tật ngồi lâu, nói dai, nói dài bị coi là cà kê dê ngỗng; người không có chí hướng gọi là gà què ăn quẩn cối xay; anh em, bạn hữu nói xấu nhau bị ví như gà nhà bôi mặt đá nhau; kẻ nhát gan bị ví như gà phải cáo; anh em ruột thịt mâu thuẫn, mất đoàn kết sẽ nhận được lời khuyên Khôn ngoan đối đáp người ngoài/Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau…
Tết về nhớ bánh chưng xanh
Nhớ tràng pháo chuột, nhớ tranh lợn, gà…
Đó là nỗi nhớ quê dịp Tết đến, xuân về của thi sĩ Bàng Bá Lân năm xưa. Người viết bài này cũng có nhiều “nỗi nhớ” xung quanh những câu chuyện về gà. Còn nhiều, nhiều chuyện có thể cà kê … về gà. Tuy nhiên, năm hết, Tết đến, viết nữa sợ nẫu rủa là “cà kê dê ngỗng”.
Viết Hiền