Rộn tiếng cồng chiêng trên rẻo cao Vĩnh Thịnh
Ngày nay, phần nhiều đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Vĩnh Thạnh đón chung 1 cái tết đó là tết Nguyên đán. Vẫn có bánh chưng, bánh tét hay kẹo mứt, nhưng tết cổ truyền ở vùng đồng bào có nét rất riêng, với âm thanh của tiếng cồng chiêng vang vọng khắp núi rừng, những bộ áo quần thổ cẩm truyền thống màu sắc tươi đẹp cùng với đó là những điệu múa xoang bung, xòe. Hơn hết, tết ở làng đồng bào còn là tình đoàn kết của cộng đồng khi cả làng sum họp, đón tết vui xuân ngay nhà rông, biểu tượng văn hóa của người Banar Kriêm Vĩnh Thạnh. Giáp Tết, đến làng M3, xã Vĩnh Thịnh tiếng cồng, tiếng chiêng như càng thúc giục.
Trong những ngôi nhà rông ở làng M3, những món ăn của đồng bào dân tộc được bày biện khắp nhà rông làng. Cá nướng, thịt rừng, thịt gà bánh nếp xôi được bày ra. Một hàng dọc với những ché rượu cùng với cần cong vút cũng không thể thiếu trong những ngày đầu xuân mới. Đàn ông, đàn bà, thanh niên, thanh nữ, sau lễ cúng Giàng, thần linh, tổ tiên, cúng thần nước đã cùng nhau cạn chén. Rồi sau đó đàn ông trai tráng tấu cồng chiêng, phụ nữ, con gái trong trang phục thổ cẩm nhún nhảy với điệu múa xoang truyền thống.
Đội diễn tấu cồng chiêng làng M3, xã Vĩnh Thịnh
Nghệ nhân Đinh Y Băng, ở làng M3 chia sẻ, mấy năm gần đây, làng tổ chức và duy trì được đội diễn tấu cồng chiêng với hơn 30 thành viên để phục vụ các ngày lễ, tết hay các hội thi văn hóa. Tết Đinh Dậu 2017, đội đã tập luyện được vài ngày để vui tết cùng dân làng. Những bài diễn tấu, các điệu dân ca dân vũ mới cũng được tập luyện để phục vụ bà con vui xuân. Theo phong tục nơi đây, dịp tết, mỗi nhà mang tới nhà rông làng 1 ché rượu cần, 1 ít vật phẩm của gia đình để cùng kính báo với thần linh, tổ tiên về những việc đã làm được trong 1 năm và những điều ước của năm mới. Sau phần lễ nghi là phần hội. Lúc này, nhạc cồng chiêng trầm hùng vang lên rộn rã, nhưng đưa con người hòa mình với đất trời.
Sau nghi lễ rước cồng chiêng, rót rượu cần tại nhà rông làng trong ngày 30, 3 ngày tết, đội cồng chiêng đi đến từng nhà chúc mừng năm mới. Chủ nhà tiếp đón, mời thưởng thức những vật phẩm đã chuẩn bị để đón tết. Do đã có giao ước trước, nên các thành viên đội cồng chiêng chỉ nhấm chút rượu làm phép để còn tiếp tục đến gia đình khác. Cứ như vậy, đội cồng chiêng phải ghé từng nhà trong làng để chúc mừng. Do số lượng gia đình tới hơn 60 hộ nên đoàn cồng chiêng cũng chuẩn bị hơn 10 bài diễn tấu khác nhau để không khí tết thêm tươi vui, rộn ràng. Đến ngày mồng 3 tết, bà con trong làng lại tập trung về lại nhà rông vui tết đoàn kết. Lúc này, những điệu dân ca, dân vũ truyền thống thỏa sức ngân vang qua những giọng hát, điệu múa của nam thanh nữ tú. Những giai điệu ngập tràn tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu đôi lứa thêm nồng nàn quanh đống lửa hồng cùng hơi men chếnh choáng của ghè rượu cần truyền thống.
Anh Đinh Văn Thấp, thành viên đội cồng chiêng làng M3 cho biết, tết này, ngoài chuyện sắm sửa con con cái, mua ít đồ dùng thì gia đình anh chuẩn bị 5 ché rượu cần đón tết. 1 ché thì mang tới nhà rông cùng chung với với bà con, còn lại thì để tại nhà mời khách khi có người tới thăm xuân. Nhưng, với anh, tết vui nhất là cùng đoàn cồng chiêng đi đến từng nhà diễn tấu để cùng đón mừng năm mới.
Mấy năm nay, đời sống của đồng bào Banar ở làng M3 khá no ấm, ngoài làm lúa bà con còn phát triển chăn nuôi gia súc, trồng keo nguyên liệu giấy, trồng điều. Trẻ em thì tung tăng đến trường, đến lớp. Dù vẫn còn khó khăn nhưng cuộc sống đã tươi, vui rất nhiều. Cuộc sống đi lên, bà con có ý thức hơn trong việc giữ gìn truyền thống văn hóa của dân tộc.
Ông Đinh Y Băng cho hay: trong làng hiện còn 1 vài bộ cồng chiêng, trong đó có 1 bộ của tập thể. Phụ nữ thì vẫn dệt thổ cẩm làm áo quần cho cả gia đình trong những ngày lễ hội của làng, ngày tết của dân tộc. Trong nhịp sống hiện đại, người trẻ trong làng được tiếp cận nhiều giá trị âm nhạc, văn hóa khác nhau. Nhưng giá trị văn hóa truyền thống, tiếng cồng chiêng như mạch nước ngầm chảy xuyên suốt trong đời sống mỗi con người nơi đây. Và bản thân ông cùng đội cồng chiêng tiếp tục hoạt động để chuyển tải, lưu giữ giá trị truyền thống của cha ông chảy mãi.
Tết đến, về với bản làng miền núi, được nghe tiếng cồng chiêng, điệu múa hòa nhịp, được ngắm nhìn những khuôn mặt tươi vui, rạng rỡ, những mệt nhọc, trăn trở của năm cũ sẽ trôi qua. Tiếng cồng chiêng như báo hiệu, như thúc giục gọi mời người làng cùng nhau chung vui sau một năm làm ăn cực nhọc trên rẫy, báo hiệu mùa xuân đã về trên các thôn làng và cả lời cầu mong cho một năm mới làm ăn khấm khá.
THANH MINH