Rộn ràng Dạ hội giao thừa
20 giờ 30 tối nay (30 tháng chạp năm Bính Thân), Dạ hội mừng Đảng mừng Xuân Đinh Dậu 2017 đón giao thừa đã diễn ra tại Quảng trường Trung tâm tỉnh. Đến dự Dạ hội có các đồng chí: Nguyễn Thanh Tùng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ươmg Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Kim Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Hồ Quốc Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh; các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương trong tỉnh…
Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng đánh trống khai hội. Ảnh Văn Lưu
1.
Năm nay, gần sát khu vực sân khấu tổ chức Dạ hội giao thừa là không gian trưng bày biểu tượng linh vật năm Đinh Dậu và trang trí hoa xuân, trưng bày ảnh nghệ thuật trong Lễ hội Du lịch Xuân Đinh Dậu - 2017, thu hút đông đảo người dân và du khách đến thưởng lãm, chụp ảnh lưu niệm và sau đó, thưởng thức chương trình nghệ thuật. Vì vậy, lượng khán giả xem Dạ hội đông hơn mọi năm.
Tiết mục mở màn “Trống hội mừng Xuân” gây ấn tượng khi biểu diễn trống hội kết hợp với múa, sử dụng dàn trống dân tộc nhưng đánh biểu diễn theo tiết tấu đương đại, kết hợp chung với ca khúc về mùa xuân… Trong âm hưởng vang vọng mạnh mẽ của dàn trống đại, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng đã đánh trống khai hội, mở đầu chương trình nghệ thuật đặc sắc tiễn đưa năm cũ, chào đón năm mới Đinh Dậu 2017.
Trong không khí mừng Đảng mừng Xuân, liên khúc hát múa mở đầu “Tuổi xuân dâng Đảng”, “Ngôi sao niềm tin - Ngôi sao Hồ Chí Minh” thể hiện lòng biết ơn sâu sắc, tưởng nhớ đến Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại: “Đâu chẳng vang lời Bác thiết tha. Đời vui tiếng Bác ấm muôn nhà. Bác đi… Đâu cũng nghe chân bước. Như gió xuân về, đất nở hoa…”.
2.
Những tháng cuối năm 2016, Bình Định đã hứng chịu những thiệt hại vô cùng to lớn về người và của do mưa lũ gây ra. Khán giả xem chương trình Dạ hội đã có nhiều cảm xúc khi xem tổ khúc dân ca bài chòi do các nghệ sĩ Đoàn Ca kịch Bài chòi biểu diễn. Ở phần đầu tiết mục, lời dẫn truyền cảm của NSND Hoài Huệ và màn hình led đã điểm lại những hình ảnh trong bão lũ cùng sự quan tâm thăm hỏi, động viên, chỉ đạo hỗ trợ, khắc phục thiệt hại của lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và địa phương; các cấp, ngành, lực lượng vũ trang, các nhà hảo tâm, đã kịp thời chia sẻ, động viên bà con vùng bị thiệt hại, giúp người dân khôi phục sản xuất, dần ổn định cuộc sống. Phần sau của tiết mục là những bài hát dân ca bài chòi rộn ràng không khí lao động của người dân sau lũ, với tinh thần lạc quan hướng về một mùa xuân mới với những điều tốt đẹp hơn…
Các loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc của quê hương Bình Định là di sản cấp quốc gia, được giới thiệu ấn tượng trong Dạ hội giao thừa. Các VĐV, võ sinh Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định đã biểu diễn bài “Hùng Kê quyền”, một trong những tinh hoa của võ cổ truyền Bình Định. Theo quan niệm dân gian, gà mang đủ năm đức tính tốt của người quân tử, đó là: Văn - Võ - Dũng - Nhân - Tín. Tương truyền vào thời Tây Sơn, khi xem hai con gà đá nhau, Đông Định Vương Nguyễn Lữ đã phát hiện ra những thế võ rất lợi hại khi chúng giao chiến. Ông đã nghiền ngẫm, nghiên cứu các thế đá tấn công ào ạt, dũng mãnh của con gà lớn, các thế lặn hụp, né tránh khéo léo của con gà nhỏ, rồi tạo nên những thế phản công hiệu quả, con gà nhỏ có thể đá bại con gà lớn. Từ đó, ông sáng tạo nên bài “Hùng Kê quyền” với bộ pháp hết sức linh hoạt, thần tốc, biến ảo có thể vận dụng phù hợp với tầm vóc và lối đánh của người Việt Nam.
Tiết mục “Vũ khúc hoa xuân” do các nghệ sĩ Nhà hát tuồng Đào Tấn biểu diễn, giới thiệu nét đặc sắc của một di sản văn hóa phi vật thể quốc gia khác của Bình Định. Tiết mục đã khai thác hình tượng những người phụ nữ cao quý trong trang sử vàng của dân tộc ta như Huyền Trân công chúa, Ngọc Hân công chúa, nữ tướng Bùi Thị Xuân… như những đóa hóa đẹp góp phần làm nên những mùa xuân rực rỡ trong lịch sử dân tộc. Tiết mục được thể hiện kết hợp hài hòa các yếu tố đặc trưng của nghệ thuật tuồng như âm nhạc, vũ đạo và diễn xướng… tái hiện một cách sinh động hình ảnh của những vĩ nhân xưa. Mỗi nhân vật xuất hiện với một vẻ đẹp riêng mang tính đặc trưng. Nếu như Huyền Trân công chúa dịu dàng với đường nét múa Chăm thì Bùi Thị Xuân mạnh mẽ với đôi song kiếm và đội kỵ binh; còn Ngọc Hân công chúa sắc sảo, mặn mà, đằm thắm bên những cánh hoa đào gợi nhớ đến đại thắng mùa Xuân năm Kỷ Dậu 1789…
3.
Trong không khí sum vầy, rộn ràng Tết đến Xuân về, chương trình giao thừa thêm ý nghĩa khi tiết mục tốp ca nam “Khát vọng biển” hướng về biển, đảo Tổ quốc, với hình ảnh những ngư dân hăng say lao động, quyết tâm vươn khơi, bám biển và được sự ủng hộ, sát cánh của những người lính nơi đảo xa, sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo quê hương : “Sóng dâng cao bão tố ngoài biển đông. Dẫu phong ba bão táp ngoài biển khơi. Có chúng tôi kiên cường giữ biển trời. Hoàng Sa, Trường Sa khúc ca nghìn đời…”.
Một sáng tác mới của nhạc sĩ Đào Minh Tâm là ca khúc “Tết quê” đã chinh phục khán giả xem chương trình. Ca khúc kết hợp nhiều chất liệu âm nhạc dân ca, bài chòi, tuồng, ca trù qua sự thể hiện thành công của ca sĩ Bạch Lan, đã giúp khán giả hoài niệm về những nét đẹp văn hóa truyền thống ngày Tết…
Phần cuối của của chương trình có chủ đề “Chào Xuân mới” có nhiều tiết mục hát múa, sôi động, như: “Bé mở hội mừng Xuân”, “Tết đến, Tết ơi Tết”, “Tết quê”, “Vây quanh mùa xuân”, “Những ngày xuân rực rỡ”, “Chúc Xuân tài lộc”… tạo không khí rộn ràng trong những giờ phút cuối cùng của đêm cuối năm. Vạn vật đang chuyển mình chào đón những luồng gió xuân tươi mới, mát lành.
Chị Nguyễn Văn An, nhà ở phường Nguyễn Văn Cừ, TP Quy Nhơn, chia sẻ: “Gia đình tôi tối nay dạo chơi ở Quảng trường Trung tâm tỉnh, thấy chương trình Dạ hội giao thừa rộn ràng nên đến xem. Chương trình có nhiều tiết mục sinh động, tạo được không khí phấn khởi, náo nức chào đón năm mới”.
Ngay sau chương trình Dạ hội kết thúc vào lúc 22 giờ, đông đảo khán giả, nhất là các bạn trẻ đã nán lại xem tiếp chương trình hoạt náo chào đón giao thừa (từ 22 giờ đến 23 giờ, cũng tại khu vực Quảng trường Trung tâm tỉnh), gồm các tiết mục ca múa, võ thuật, múa lân sư rồng, hòa tấu nhạc cụ, ảo thuật... do Trung tâm VH-TT-TT TP Quy Nhơn phối hợp với các đơn vị tổ chức.
Mùa xuân Đinh Dậu 2017 đã về qua những lời ca, điệu múa rộn ràng! Chúng ta cùng hy vọng một năm mới với nhiều điều tốt đẹp sẽ đến với tất cả mọi người. Từ những nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, quê hương Bình Định sẽ vững bước vượt qua khó khăn và phát triển ngày càng giàu đẹp…
Một số hình ảnh Dạ hội đón giao thừa diễn ra tại Quảng trường Trung tâm tỉnh:
Liên khúc hát múa mở đầu “Tuổi xuân dâng Đảng”, “Ngôi sao niềm tin – Ngôi sao Hồ Chí Minh. Ảnh Hoài Thu
Ảnh Văn Lưu
Đồng diễn Hùng Kê quyền. Ảnh Hoài Thu
“Vũ khúc hoa xuân” của Nhà hát tuồng Đào Tấn. Ảnh Hoài Thu
HOÀI THU