Đi hội Chợ Gò đầu năm mới
Sáng mùng Một Tết Đinh Dậu, những tia nắng xuân ấm áp tràn về sau những ngày mưa lạnh, khiến dòng người đổ về vui hội Chợ Gò (thôn Phong Thạnh, thị trấn Tuy Phước) ngày càng đông. Chợ Gò năm nay vẫn phong phú những sản vật, thể hiện tinh thần lạc quan, vượt lên khó khăn tích cực lao động sản xuất của người dân Tuy Phước.
Nhiều người bán trầu cau tại Lễ hội Chợ Gò. Ảnh Hoài Thu
Là nét đẹp văn hóa truyền thống duy trì từ thời Tây Sơn đến nay, Chợ Gò được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xếp vào “100 phiên chợ độc đáo nhất Việt Nam”, bởi mỗi năm chỉ nhóm họp vào mùng 1 và mùng 2 Tết Âm lịch. “Đầu xuân hái lộc cầu duyên. Trầu cau em gánh đi phiên Chợ Gò” là câu ca dao thân thuộc, thể hiện một trong những sản phẩm đặc trưng mang “yếu tố tinh thần” được bày bán ở chợ Gò là trầu cau, khách nào đi chợ cũng mua về để “lấy lộc” đầu năm mới.
Tôm, cua, cá tươi sống cũng được bày bán trong phiên chợ Gò đầu năm mới. Ảnh Hoài Thu
Người bán trầu cau thuộc nhiều lứa tuổi ngồi xếp thành hàng dài phục vụ khách. Mua trầu cau, một số khách thường chọn người bán hàng cao tuổi, với mong muốn “hưởng lộc” từ sự sống thọ và cái nết chịu thương chịu khó của các cụ. “Chợ Gò đã có từ thời ông bà tôi, nên tôi bán trầu cau ở đây còn để góp phần gìn giữ truyền thống. Năm nay, tôi đi Chợ Gò từ tờ mờ sáng, được nhiều khách ghé đến mua trầu cau, nên phấn khởi vì có thêm ít đồng đầu năm mới chăm lo sức khỏe tuổi già”, cụ Nguyễn Thị Nhung (89 tuổi), nhà ở thôn Công Chánh, xã Phước Nghĩa, bộc bạch.
Đến với Chợ Gò, người mua kẻ bán đều vui vẻ vì không phải trả giá. Người đi chợ có thể mua trầu cau, các loại cây trái “lấy lộc” ở vườn nhà, hoặc mua đủ thứ đồ ăn tươi, từ các loại rau xanh mơn mởn đến những mớ tôm còn nhảy tanh tách, cá biển, cá đồng quẫy đuôi trong chậu…
Đông đảo du khách tham dự khai mạc lễ hội Chợ Gò. Ảnh Văn Lưu
Ngồi bên lề đường bày bán hàng trăm bó rau muống hạt, anh Phan Văn Công (38 tuổi), nhà ở thôn Phổ Trạch, xã Phước Thuận, tâm sự: “Tôi luôn đem những rau trái ngon nhất ở vườn nhà đến bán ở Chợ Gò đầu năm. Rau muống năm nay do ba tôi chăm bón, không sử dụng thuốc trừ sâu, hóa chất ảnh hưởng đến sức khỏe người ăn. Rau muống còn non nên những ai ăn chay ngày mùng 1 có thể mua về luộc sơ chấm xì dầu, ăn dân dã mà ngon”.
Trong chương trình khai mạc Lễ hội Chợ Gò do Trung tâm VH-TT-TT huyện Tuy Phước tổ chức, các tiết mục hát, múa, dân ca, bài chòi, trống hội, biểu diễn võ cổ truyền, múa lân…đã thu hút nhiều người dân và du khách đến xem. Võ sư Kim Huệ cho biết: “Tôi dẫn một số học trò tiêu biểu ở xã Phước Thuận đến biểu diễn trong chương trình khai mạc, để các em ý thức về sự tiếp nối bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống vào dịp đầu năm”.
Một tiết mục võ thuật biểu diễn tại lễ hội Chợ Gò Trường Úc. Ảnh Văn Lưu
Nắng bắt đầu lên cao, cũng là lúc Hội đánh bài chòi cổ dân gian rộn ràng khai mạc. Nhiều người dân đã chờ sẵn trước đó để “xí chòi” giành quyền chơi trước, để được nở nụ cười sảng khoái khi nghe những điệu hô, hát bài chòi dí dỏm và sâu sắc… do các hiệu là nghệ nhân, cán bộ Trung tâm VH-TT-TT huyện Tuy Phước phục vụ. Người chơi và xem hội đánh bài chòi cổ dân gian càng lúc càng đông, tạo nên không khí náo nức. “Bài chòi mở hội đầu xuân. Hội vui đón Tết, hội mừng non sông. Vui chơi cho phỉ tấm lòng. Mười hai tháng nữa mới mong tựu tề. Đi xa hãy nhớ mà về. Chợ Gò-Trường Úc bộn bề đón xuân”.
HOÀI THU