Các bệnh viện tất bật với Tết
Tết Nguyên đán là đợt cao điểm phục vụ của các cơ sở điều trị. Năm nay, các bệnh viện đều “ná thở” với lượng lớn bệnh nhân nhập viện, rất nhiều trong số đó có liên quan đến rượu bia.
BVĐK khu vực Bồng Sơn đã “gồng” quá công suất với lượng bệnh nhân đông đảo trong dịp Tết.
Theo số liệu cập nhật của Sở Y tế, kể từ đầu dịp nghỉ Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 đến sáng ngày 1.2 (mùng 5 Tết), các cơ sở điều trị toàn tỉnh đã tiếp nhận 3.003 bệnh nhân, 2.368 người phải nhập viện điều trị; có 10 ca tử vong (gồm cả tử vong trước khi vào viện). Đáng chú ý, trong số bệnh nhân tiếp nhận có đến 782 nạn nhân tai nạn giao thông, 134 người bị tai nạn do đánh nhau.
Mất Tết vì rượu bia
20 giờ ngày 30 tháng Chạp, ông T.C.T (55 tuổi, ở thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn) lảo đảo rồi ngã đùng giữa nhà. Ông được đưa vào BVĐK khu vực Phú Phong, rồi cấp tập chuyển xuống BVĐK tỉnh. Khám ban đầu, làm thủ tục nhập viện vào khoa Nội Tiêu hóa xong thì cũng đã 2 giờ sáng của năm mới.
Bà L.T.C, vợ ông T., ngậm ngùi nói: “Ổng bị xơ gan, 3 năm nay trở nặng, hay bị đau bụng, nôn ói. Vậy mà thường ngày cũng không bỏ được rượu, đến gần Tết thì uống nhiều hơn. Tội mấy đứa nhỏ, đang háo hức chuẩn bị đón giao thừa, giờ thì coi như cả nhà mất Tết!”.
Đến sáng mùng 5 Tết, khoa Nội Tiêu hóa còn 37 bệnh nhân điều trị, gần gấp đôi năm ngoái. 14 ca trong số này ít nhiều có “dính dáng” đến rượu bia. Theo Trưởng khoa Võ Thành Nam Bình, phần lớn bệnh nhân nôn ra thức ăn lẫn dịch dạ dày và máu (từ điểm tiếp nối thực quản và dạ dày), xuất viện sau khoảng 12 tiếng điều trị. Các trường hợp xuất huyết dạ dày, nôn ra máu nhiều do ổ loét dạ dày lớn thì phải nằm viện lâu để truyền máu, truyền dịch.
“Dùng rượu bia không khoa học, không kiểm soát đã không còn là hiện tượng cá biệt, mà đã phổ biến trong dịp Tết. Thực trạng này càng nguy hiểm khi rượu giả, nồng độ cồn cao… ngày càng nhiều” - Bác sĩ VÕ THÀNH NAM BÌNH, Trưởng khoa Nội Tiêu hóa, BVĐK tỉnh
“Điểm đáng chú ý năm nay là gia tăng tình trạng lạm dụng rượu bia ở giới công chức, viên chức trong những đợt tất niên, tân niên dồn dập, dễ dẫn đến xuất huyết dạ dày ồ ạt, rất nguy hiểm nếu không được can thiệp kịp thời”, bác sĩ Bình cho hay.
Điển hình là trường hợp của anh N.V.H (35 tuổi, ở phường Ngô Mây, TP Quy Nhơn), có tiền sử viêm dạ dày. Mùng 3 Tết, anh đã lai rai, đến tối đi họp lớp đầu năm thì uống nhiều rượu bia. Khi đang cuộc vui, anh nôn mửa dữ dội, mất rất nhiều máu, được bạn bè đưa ngay vào BVĐK tỉnh. Các bác sĩ xác định ngay là anh H. bị xuất huyết tiêu hóa do viêm loét dạ dày, rượu bia “quá tải”.
Không chỉ các bệnh đường tiêu hóa, rượu bia cũng là nguyên nhân chính dẫn đến gia tăng bệnh nhân tai nạn giao thông. Đặc biệt, rượu bia quá mức cũng khiến nhiều người mất kiểm soát hành vi, dễ gây ra ẩu đả, làm bùng phát lượng nạn nhân đánh nhau phải nhập viện.
Bệnh viện hoạt động hết công suất
Chiều 30 tháng Chạp, bệnh nhân do TNGT dồn dập đưa về khoa Ngoại Chấn thương - Thần kinh (BVĐK khu vực Bồng Sơn) - đầu mối tiếp nhận ở phía Bắc tỉnh. Anh Võ Thanh Long (40 tuổi, ở xã Ân Hảo Đông, huyện Hoài Ân) đi bộ trước ngõ cũng bị xe máy tông gãy 1/3 cẳng chân trái. Anh được chuyển ngay vào đây, cố định chân bị gãy, chuẩn bị phẫu thuật. Chỉ 3 ngày gần đây, BVĐK khu vực Bồng Sơn đã có 424 bệnh nhân nhập viện, thực hiện đến 74 ca phẫu thuật.
“Có ngày gần 80 ca phải chụp chiếu. Đặc thù ngày Tết cũng vất vả hơn, 1 người bệnh có cả chục người nhà đi theo, ai cũng muốn người thân của mình được ưu tiên. Đó là chưa kể hơi men ngày Tết khiến nhiều người kích động, dễ nổi nóng, dễ to tiếng. Bệnh nhân thì đông, nhân lực lại mỏng, chúng tôi động viên anh em phải cố hết sức trong từng ca trực, từng vị trí” - Phó Giám đốc BVĐK khu vực Bồng Sơn Trần Quốc Việt chia sẻ.
Trong khi đó, tại BVĐK tỉnh, số bệnh nhân nhập viện điều trị trong 6 ngày đầu đợt nghỉ lễ cũng đạt kỷ lục với 1.081 ca; đến sáng 1.2 toàn viện còn 873 bệnh nhân nội trú. Trong số 201 ca phẫu thuật đã thực hiện, có đến 10 ca chấn thương sọ não. Bệnh viện còn thực hiện đến 109 ca đẻ (tính cả mổ đẻ). Áp lực cho hệ thống điều trị là rất lớn.
Trước thềm Tết Nguyên đán, các đoàn viên của Đoàn BVĐK tỉnh đã tham gia hiến 73 đơn vị máu để bổ sung kịp thời cho nguồn máu dự trữ. Tuy nhiên, với một lượng lớn bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa nặng và chấn thương sọ não cần truyền máu, lượng máu dự trữ còn lại của tất cả các cơ sở điều trị chưa đầy 45 lít.
NGUYỄN VĂN TRANG