Thấu thị của thời đại về chiến tranh
Trong chùm phim tài liệu Việt Nam về đề tài Thương binh- liệt sỹ, như Dấu ấn thế kỷ, Chiếc xe lăn, Những ngày vượt qua chính mình, Đất tổ quê cha, Bàn thờ của mẹ, Những linh hồn phiêu bạt …được Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Bình Định tổ chức phục vụ Đợt phim kỷ niệm 66 năm ngày Thương binh- liệt sỹ (27.7.1947 – 27.7.2013) trên địa bàn trong tỉnh.
Trong đó, ấn tượng nhất là hai bộ phim Những ngày vượt qua chính mình và Những linh hồn phiêu bạt . Hai bộ phim này gần gũi với thời đại hiện nay vừa thể hiện được cái nhìn khách quan về những vấn đề nhạy cảm mà đau đáu của những người đã trực tiếp hay gián tiếp trải qua các cuộc chiến tranh tại Việt Nam.
Những ngày vượt qua chính mình là bộ phim nói về người phụ nữ một mình một xe đạp với cuộc hành trình xuyên Việt, từ thành phố Hồ Chí Minh để ra viếng lăng Bác ở thủ đô Hà Nội, rồi lại quay trở vào cũng trên chiếc xe đạp ấy. Bởi lẽ, điều đáng quan tâm ở đây vì người phụ nữ ấy là một thương binh đã luống tuổi, với tay trái liệt hoàn toàn. Người thương binh ấy chính là nữ biệt động Sài Gòn Huỳnh Thị Kiều Thu, sinh ngày 23 tháng 12 năm 1951 tại Đức Phổ, Quảng Ngãi. Trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam bà đã nhiều lần bị bắt giam và đày ra tận Côn Đảo vì đã đặt chất nổ phá tan Ty Thông tin Gia Định và giết hại một số quan chức Mỹ, ngụy năm 1969. Ra tù ở tuổi 23 nhưng bà đã bị tàn phế do bị tra tấn dã man trong các nhà tù. Đất nước hòa bình, Huỳnh Thị Kiều Thu phải chống chọi với nhiều căn bệnh bởi chiến tranh.
Bộ phim đã thu hút người xem với nhiều đối tượng khán giả, nhất là những ai đã từng trải qua các cuộc chiến tranh. Khán giả đã ngưỡng mộ người nữ thương binh hơn 40 năm tuổi Đảng với tính cách can đảm, kiên trì nhẫn nại vì lý tưởng cách mạng và xúc động thật sự về những hình ảnh chân thật và đẹp như một áng thơ qua cuộc hành trình xuyên Việt của bà Huỳnh Thị Kiều Thu.
Nếu bộ phim Những ngày vượt qua chính mình là một bản hùng ca về tinh thần quả cảm của người phụ nữ thương binh – bất chấp những khó khăn và nỗi đau thể xác – một xe đạp đi xuyên đường Hồ Chí Minh để từ thành phố Hồ Chí Minh ra viếng lăng Bác ở thủ đô Hà Nội, rồi lại quay trở vào cũng trên chiếc xe đạp thì Những linh hồn phiêu bạt là bộ phim đề cập đến cuộc sống những con người Việt Nam thời hậu chiến. Họ là những người mẹ, người vợ điển hình của những anh hùng liệt sỹ đã mất hút trong chiến tranh không để lại dấu vết nhưng vẫn luôn ôm ấp niềm hy vọng ngày được tái ngộ trong đớn đau và mòn mỏi.
Cuộc chiến tranh Việt Nam đã đã kết thúc, nhưng linh hồn của quá khứ vẫn luôn ám ảnh những người còn sống. Hiện thân ấy có thể là những hành vi chém giết khốc liệt, những trận tra tấn dã man để lại di chứng tâm lý và thể lý, những xóm làng tan hoang, những mối quan hệ giữa con người bị đổ vỡ và nhất là những linh hồn của những người đã khuất đã khiến người còn lại (những người vợ, người mẹ, người con, người thân, đồng chí, đồng đội…) day dứt mãi một đời - bởi lẽ, người còn sống đã không chạm được nấm mồ, thậm chí không biết được hài cốt của những người đã khuất định vị nơi nào trên mảnh đất của quê hương xứ sở Việt Nam.
Có thể nói, tấn bi kịch đi tìm hài cốt các liệt sĩ sẽ cứ âm ỉ mãi nếu không có sự xuất hiện của góa phụ Trần Thị Tiếp – nhân vật chính trong phim Những linh hồn phiêu bạt đã khiến cho nhiều người phải nhìn nhận lại vấn đề từ chiến tranh Việt Nam. Bà Trần Thị Tiếp đã 60 tuổi với dáng điệu khô gầy, héo hắt vì suốt 40 năm cô đơn mòn mỏi trông đợi ngày về của chồng. Bà đã lặn lội từ Bắc Ninh vào nghĩa trang liệt sỹ Quảng Trị tìm mộ chồng – liệt sỹ Tống Ngọc Lưu. Cái kết phim là những lời than khóc của người phụ nữ khi xin xăm để xác định mộ chồng: "Ới anh ơi! Cả cuộc đời tuổi xanh của em chờ đợi anh… anh ở đâu về với em… sao tìm nhau khó thế này anh ơi!...".
Hai cuộc hành trình của hai người phụ nữ với hoàn cảnh khác nhau đều để lại dư âm khiến người xem xúc động tột cùng và ngưỡng mộ bởi sự kiên định mạnh mẽ vượt qua sự đau đớn của thể xác (nữ thương binh) và tổn thương về tinh thần sau chiến tranh (vợ liệt sỹ). Cả hai nhân vật góp phần tạo nên tinh thần của hai bộ phim tài liệu Những ngày vượt qua chính mình và Những linh hồn phiêu bạt – chứng nhân của thời đại – với cảm quan bao quát và sâu lắng về những khía cạnh liên quan đến chiến tranh.
Cái phóng khoáng của bộ phim Những ngày vượt qua chính mình có được nhờ vào lợi thế của núi rừng, cảnh quan hai bên đường Hồ Chí Minh cùng với những cú lia máy vừa bám theo nhân vật nhưng cũng tung tẩy với đàn chim bay, ánh trăng xế ráng chiều tà hay bình minh ló dạng được dàn dựng khá trôi chảy và đẹp như một áng thơ trữ tình tạo nên cái chân chất tự nhiên lột tả được tinh thần lạc quan của người phụ nữ thương binh đã chiến thắng bản thân chính mình. Bên cạnh đó, bộ phim Những linh hồn phiêu bạt không có lời bình, lời dẫn, không có âm nhạc, không phỏng vấn, tất cả đều là âm thanh tự nhiên của lời thoại nhân vật, tiếng xe cộ, lời khấn và tiếng khóc… lại là một dạng thức khác của phim tài liệu – Cinéma direct – nhưng các tình tiết cứ xâu chuỗi và trôi chảy một cách tự nhiên như chính tâm trạng, câu chuyện cuộc đời của nhân vật trong sự khắc khoải đợi chờ được tái ngộ cùng chồng dù chỉ là một... nấm mộ.
Suy cho cùng, cuộc chiến tranh nào dù có nhân danh điều chính nghĩa thì bản chất của nó vẫn là cuộc chiến. Tệ hại hơn là chiến tranh do con người tạo nên dẫu cho chiến thắng hay chiến bại thì chính những con người trong thời đại đó đều bị tổn thương, mất mát. Do vậy, cái nhìn sâu thẳm nhất về chiến tranh qua hai bộ phim Những ngày vượt qua chính mình và Những linh hồn phiêu bạt là sự chân thật và đau đớn nhất xuyên thời đại để nói lên khát vọng được tự do, khát vọng được sẻ chia để lưu truyền mãi tinh thần bất diệt khát vọng được sống, khát vọng được yêu và được yêu mãi mãi. Chính vì thế, hai bộ phim sống được với thời gian, có sức lay động tâm hồn của người xem là bởi cấu tứ ý tưởng của nhà làm phim đã thể hiện cái thấu thị từ một góc nhìn của thời đại để nói lên tiếng nói chung của nhân loại, đó là sự khát khao một cuộc sống hòa bình để không ai bị tổn thương và mất mát bởi cuộc chiến tranh nào nữa.
Võ Văn Tiễn