Thể thao Bình Ðịnh: Ðể phát triển cần vượt nhiều “rào cản”
Trong những năm qua, thể thao Bình Ðịnh đã giành được những thành tích đáng ghi nhận. Tuy nhiên, phần lớn trong số đó đều không duy trì được sự ổn định, nguyên nhân chính là chúng ta vẫn còn thiếu nhiều điều kiện để hình thành và thực hiện những mục tiêu mang tầm chiến lược.
Cũng vì không giải quyết được vấn đề “đầu tiên” mà đội bóng Bình Định (áo đỏ) trong vài năm qua chỉ hiện diện ở Giải bóng đá hạng Nhì quốc gia.
Khó từ chuyện “đầu tiên”
Nguồn kinh phí eo hẹp có lẽ là “chuyện dài nhiều tập” của thể thao Bình Định. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính kìm hãm sự phát triển của ngành thể thao. Cũng vì ngân sách hàng năm không đủ đáp ứng, nên việc đầu tư trang thiết bị, sân bãi cho các đội tuyển tập luyện còn thiếu hụt khá nhiều so với nhu cầu. Lực lượng VĐV của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh, Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định và Trường Năng khiếu thể thao tỉnh với hàng trăm người, ở hàng chục bộ môn khác nhau chủ yếu tập luyện tại những hạng mục đã cũ kỹ, xuống cấp như: SVĐ Quy Nhơn, Nhà thi đấu, hồ bơi cùng một số phòng tập được trưng dụng, sửa chữa tạm dưới gầm khán đài SVĐ.
“Mức dinh dưỡng dành cho VÐV Bình Ðịnh cũng thuộc hàng thấp nhất so với các địa phương khác trên cả nước”
Bên cạnh đó, mức dinh dưỡng dành cho VĐV Bình Định cũng thuộc hàng thấp nhất so với các địa phương khác trên cả nước. Điều này ảnh hưởng lớn đến kế hoạch tập luyện của các HLV, bởi khối lượng vận động có quan hệ mật thiết với lượng dinh dưỡng mà VĐV dung nạp hàng ngày, nếu không tính toán sẽ ảnh hưởng sự phát triển về thể trạng và thành tích tập luyện, thi đấu của VĐV.
Để nhân rộng phong trào, giảm tải sự đầu tư từ ngân sách, trong nhiều năm qua, ngành thể thao đã tích cực đẩy mạnh xã hội hóa với nhiều hình thức khác nhau. Công tác xã hội hóa đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng chủ yếu ở mảng phong trào, với nhiều sân bãi, phòng tập được xây dựng để phục vụ nhu cầu tập luyện của người dân. Nhiều giải thể thao phong trào do tư nhân tổ chức hoặc nhận được sự tài trợ của các đơn vị, doanh nghiệp cũng làm sinh động thêm cho bức tranh thể thao tỉnh nhà. Một vài đội tuyển cũng bước đầu thực hiện tốt công tác xã hội hóa trong tập luyện và thi đấu, nhưng đáng tiếc vẫn chưa nhận được sự động viên, hỗ trợ đúng mức từ các đơn vị liên quan.
Còn nhiều bất cập về “cơ chế”!
Ông Nguyễn Thành Sơn, Hiệu trưởng Trường Năng khiếu thể thao tỉnh, cho biết: “Chiếu theo các quy định, Trường Năng khiếu thể thao tỉnh là trường chuyên biệt. Nhưng đến nay dù đã nhiều lần trình cho các ngành, các cấp nhưng chúng tôi vẫn chưa được công nhận loại hình này. Điều đó ảnh hưởng lớn đến công tác đào tạo của trường, trong đó có quyền lợi của giáo viên, HLV. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của Trường Năng khiếu thể thao tỉnh cũng rất thiếu thốn, nơi ở cho VĐV đã quá tải; Trường không sở hữu bất kỳ công trình nào phục vụ cho công tác huấn luyện, nên phụ thuộc rất nhiều vào đơn vị khác, ảnh hưởng đến kế hoạch của nhiều bộ môn”.
Trong khi đó, việc quy định cứng nhắc về số lượng VĐV ở từng bộ môn cũng gây khó khăn cho công tác tuyển chọn, huấn luyện của các đội tuyển. Sự thiếu đồng bộ giữa khâu đào tạo tại Trường Năng khiếu thể thao tỉnh với Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh tạo nên sự khập khiễng nhất định, với tình trạng có bộ môn có đội tuyển nhưng lại không có tuyến năng khiếu kế thừa hoặc ngược lại. Ở một vài bộ môn, HLV của hai đơn vị có sự trao đổi, thống nhất về phương pháp huấn luyện, tạo thành quá trình xuyên suốt. Tuy vậy, cũng có bộ môn gồm nhiều đội tuyển nhưng phát triển theo nhiều hướng khác nhau. Hệ quả là VĐV có thể được đánh giá cao dưới thời HLV này nhưng vẫn có thể bị trả về, nếu chuyển qua cho HLV khác đào tạo. Điều đó không chỉ gây khó khăn cho công tác tuyển chọn, đào tạo mà ảnh hưởng lớn đến tâm lý và việc học văn hóa của VĐV.
Một điều bất hợp lý tồn tại trong nhiều năm qua là VĐV có thành tích vẫn hưởng chế độ ngang bằng với VĐV bình thường khác. Điều này không khuyến khích được sự phấn đấu, nỗ lực của VĐV. Ông Nguyễn Văn Long, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh, cho biết: “Chúng tôi đã trình các đơn vị liên quan về việc cho các VĐV từng giành thành tích cao hoặc có khả năng giành huy chương tại Đại hội TDTT toàn quốc năm 2018 được hưởng chế độ đặc thù, nhằm tập trung vào một số hạt nhân chủ chốt, nhưng đến nay đề xuất này vẫn chưa được phê duyệt”.
Có thể khẳng định rằng thể thao Bình Định sở hữu nhiều HLV có năng lực và tâm huyết. Nhờ đó, dù trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn về nhiều mặt, các đội tuyển vẫn giành được nhiều thành tích khả quan. Nhưng về lâu dài, khi thể thao thành tích cao dần theo hướng chuyên nghiệp, tài năng của các HLV cũng rất khó để vực dậy thành tích cho VĐV, nếu vẫn tồn tại những bất cập như đã nêu ở trên.
LÊ CƯỜNG