Nỗ lực kiểm soát ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung (CTC) là bệnh phổ biến, đứng thứ 4 trong các bệnh ung thư ở nữ giới. Ðáng chú ý, đa số bệnh nhân được phát hiện ở giai đoạn muộn, khó khăn cho điều trị. Kiểm soát ung thư CTC là việc cần kíp.
Tại Việt Nam, mỗi ngày cứ 100 ngàn phụ nữ thì có 9 người chết vì ung thư CTC và 22 người mắc bệnh.
Phát hiện muộn, điều trị khó khăn
Có 5 loại ung thư phụ khoa chính, gồm: CTC, buồng trứng, tử cung, âm đạo và âm hộ. Trong đó, ung thư CTC là bệnh dễ ngăn ngừa nhất qua xét nghiệm sàng lọc thường xuyên và theo dõi. Phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư CTC ở độ tuổi 35 - 55. Vi-rút HPV là nguyên nhân gây ra 99% các ca ung thư CTC. Ngoài HPV, tình trạng hút thuốc, độ tuổi có thai lần đầu, tiền sử gia đình, chế độ ăn uống và thuốc tránh thai là yếu tố nguy cơ có thể mắc ung thư CTC.
Ung thư CTC là loại ung thư chữa được khi phát hiện và điều trị sớm. Tuy nhiên, đa số bệnh nhân được phát hiện khi bệnh đã vào giai đoạn muộn. Theo bác sĩ điều trị của khoa Ung bướu (BVÐK tỉnh) Trần Hiệp, bệnh nhân chỉ biết bệnh khi các triệu chứng điển hình đã xuất hiện nhiều, chứ không phải từ khám chủ động.
“ Ung thư CTC là bệnh nguy hiểm, là gánh nặng rất lớn cho gia đình và xã hội. Tuy nhiên, có thể làm giảm tỉ lệ mắc bệnh bằng cách tiêm vắc-xin phòng bệnh ”
Cuối năm 2015, bà Ðỗ Thị Kim H. (57 tuổi, ở xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước) bắt đầu đau bụng nhiều, đi khám nhiều lần nhưng chẳng phát hiện ra gì. Ðến khi vào BVÐK tỉnh mới được chẩn đoán ung thư CTC, chuyển vào Bệnh viện Từ Dũ, sau đó là Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh, lúc này bệnh đã vào giai đoạn 2B, không thể phẫu thuật. Sau khi xạ trị và hóa trị đợt đầu ở TP Hồ Chí Minh, bà về BVÐK tỉnh tiếp tục 5 đợt hóa trị. Thời điểm này, bà đã bị di căn hạch cạnh bó mạch chậu trái, chèn ép niệu quản trái gây ứ nước thận trái độ 1.
Cùng điều trị tại khoa Ung bướu đợt này còn có bà Trần Thị Th. (62 tuổi, ở phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn), phát hiện ung thư CTC khi đã vào giai đoạn 3B, giờ đã di căn vào gan. Từ tháng 7.2016, cứ 21 ngày bà lại vào TP Hồ Chí Minh một lần để xạ trị rồi hóa trị. “Từ gần 50kg, giờ tui chỉ còn 30kg. Bụng lúc nào cũng tức anh ách, khó chịu vô cùng”, bà chia sẻ.
Hướng tới kiểm soát
Bác sĩ Nguyễn Minh Trí thăm khám cho bệnh nhân ung thư CTC.
Ung thư CTC là bệnh nguy hiểm, là gánh nặng rất lớn cho gia đình và xã hội. Tuy nhiên, có thể làm giảm tỉ lệ mắc bệnh bằng cách tiêm vắc-xin phòng bệnh, hạn chế tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ và chủ động đi khám sàng lọc.
Trước thực trạng đáng lo ngại từ ung thư CTC, từ tháng 12.1016 đến tháng 12.2018, Sở Y tế và Viện Nghiên cứu sức khỏe cộng đồng (Trường ÐH Y dược Huế) phối hợp thực hiện nghiên cứu “Thực trạng và hiệu quả can thiệp nâng cao kiến thức và thực hành phòng bệnh ung thư CTC của phụ nữ tỉnh Bình Ðịnh”.
Phần lớn ung thư CTC có thể phòng ngừa một cách triệt để và việc tiêm chủng phòng HPV cho trẻ em gái ở độ tuổi 12 sẽ giúp ngăn ngừa 690 ngàn ca nhiễm ung thư CTC và ngăn ngừa được 420 ngàn ca tử vong trên toàn thế giới. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo chú trọng vào việc tiêm vắc-xin HPV cho các em gái từ 9-13 tuổi.
Nghiên cứu này gồm 2 phần. Phần thiết kế mô tả cắt ngang có phân tích sẽ được tiến hành tại 30 xã, phường, thị trấn được chọn ngẫu nhiên. Cán bộ điều tra sẽ tiến hành phỏng vấn 1.200 phụ nữ trong độ tuổi 15-49 của 30 thôn được chọn ngẫu nhiên, giúp xác định tỉ lệ hiểu biết bệnh và cách phòng bệnh, tỉ lệ tham gia khám sàng lọc và đã tiêm phòng ung thư CTC. Phần thiết kế nghiên cứu can thiệp được tiến hành tại 2 xã, trong đó Canh Hiệp (Vân Canh) là xã can thiệp và Vĩnh Kim (Vĩnh Thạnh) là xã đối chứng. Tại mỗi xã sẽ phỏng vấn 300 phụ nữ trong độ tuổi 15-49, trước khi áp dụng các biện pháp can thiệp, đánh giá sau can thiệp.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Như Tú - Phó trưởng phòng Nghiệp vụ Y (Sở Y tế), nghiên cứu viên chính, cho hay: “Các phụ nữ tham gia vào nghiên cứu sẽ được cung cấp các kiến thức, tài liệu truyền thông về dự phòng và kiểm soát, cũng như được tư vấn về khám sàng lọc ung thư CTC bằng quan sát CTC với acid actid (VIA) miễn phí. Nếu kết quả VIA dương tính, người bệnh sẽ được tư vấn hướng điều trị và chuyển tuyến huyện, tỉnh để khẳng định chẩn đoán và được điều trị tiếp. Các trường hợp VIA âm tính sẽ được tư vấn hẹn khám lại sau 2-3 năm”.
“Chúng tôi đã thực hiện xạ trị, hóa trị cho bệnh nhân ung thư CTC. Sắp tới, sau khi tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật từ Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh, chúng tôi sẽ triển khai phẫu thuật điều trị ung thư CTC cũng như các loại ung thư sản phụ khoa khác”.
Bác sĩ NGUYỄN MINH TRÍ, Trưởng khoa Ung bướu, BVÐK tỉnh
NGUYỄN VĂN TRANG