Xã Bình Hòa (Tây Sơn): Bấp bênh nhà ven sông
Ba năm qua, hơn 300 hộ dân ở các thôn Vĩnh Lộc, Dõng Hòa, Kiên Thạnh có nhà nằm dọc bờ sông Côn và 452 hộ dân sống trong vùng đê sông Véo thuộc thôn Trường Ðịnh 1, xã Bình Hòa (huyện Tây Sơn) luôn phải sống trong cảnh âu lo do sông bị sạt lở, xâm thực.
Khi sông “gặm” dần bờ
Do có nhà, đất canh tác nằm ven sông Côn, nên hằng năm vào mùa mưa lũ, hàng trăm hộ dân sinh sống ở 3 thôn: Vĩnh Lộc, Dõng Hòa, Kiên Thạnh thuộc xã Bình Hòa lại ngay ngáy lo nước lũ dâng cao, gây ngập nhà cửa, sợ “hà bá” gặm mòn bờ sông, “ăn” lấn vào nhà cửa. Ðáng báo động là bờ sông qua xóm 5, thôn Vĩnh Lộc đang bị sạt lở nghiêm trọng với chiều dài gần 300m, cuốn trôi nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp nằm dọc sông. Nhà của 83 hộ dân với hơn 330 nhân khẩu sống ở xóm 5 giờ chỉ cách mép bờ sông chưa đầy 10m.
Bờ đê sông Véo qua thôn Trường Định 1, xã Bình Hòa (huyện Tây Sơn) đang bị nạn xâm thực, đe dọa đến cuộc sống của bà con trong vùng.
Mùa nắng còn đỡ, chứ mỗi khi mưa xuống, nước từ thượng nguồn đổ về mạnh, chảy xiết thì bà con bắt đầu thấp thỏm. Không sợ sao được, bởi bờ sông hiện chỉ cách nhà mình ở chừng vài mét. “Ông trời dễ chịu mình đỡ lo, chứ ổng dữ tợn có khi cho nhà cửa, đất đai của bà con nằm dưới đáy sông cũng nên. Tôi cũng như người dân có nhà ở đây, tha thiết mong huyện, tỉnh và Trung ương sớm quan tâm đầu tư, xây dựng hệ thống mái kè bằng vật liệu bê tông, cốt thép để dân an tâm an cư, lạc nghiệp”, ông P.R- sống ở xóm 5, thôn Vĩnh Lộc- nói.
Tương tự, 452 hộ dân với hơn 1.500 nhân khẩu sống trong vùng đê sông Véo cũng đang phấp phỏng trước hiện tượng bờ đê bị xói lở. Trong đợt lũ lụt cuối năm 2016 cũng đã xảy ra rồi, may mà chính quyền địa phương huy động lực lượng tại chỗ đã kịp thời hàn khẩu bờ đê, nên chưa gây thiệt hại lớn. Theo ông Ðào Văn Sang, Chủ tịch UBND xã Bình Hòa, đợt mưa lũ vừa qua đã làm sạt lở 1/2 mái đê sông Véo với chiều dài gần 100m. Ðến nay, tuy chính quyền xã đã khắc phục tạm thời đảm bảo cho bà con sản xuất, yên tâm làm ăn, nhưng hiện nay bờ đê sông Véo không đảm bảo thoát lũ, ngăn chặn nạn xâm thực; khó tránh khỏi nguy cơ vỡ đê khi có lũ lớn đổ về. “Ðê sông Véo đóng vai trò rất quan trọng trong việc tiêu, thoát lũ và dẫn nước phục vụ tưới tiêu, đồng thời cũng là “tấm lá chắn” ngăn nước tràn vào khu dân cư, trường học và bảo vệ hàng trăm hộ dân sống trong đê. Nếu đê bị vỡ, toàn bộ 452 hộ dân sẽ bị nước lũ chia cắt, gây cô lập”, ông Sang cho biết thêm.
Bao giờ mới yên tâm?
Ðể đảm bảo an toàn cho bà con sinh sống trong vùng, hằng năm tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ, UBND xã Bình Hòa đã tổ chức đóng cọc, đắp bờ bao, kè rọ đá nhằm hàn khẩu tạm những đoạn đê bị sạt lở đối với sông Véo. Ở bờ sông Côn, xã vận động nhân dân trồng tre, bạch đàn… để giữ đất, hạn chế nạn xâm thực, xói lở bờ sông; mỗi khi lũ lớn đổ về, địa phương tổ chức di dời dân lên khu vực an toàn. Tuy nhiên, đấy chỉ là những giải pháp tạm thời.
“Tình trạng sạt lở bờ sông đến mức báo động, nhưng kinh phí để đầu tư, xây dựng hệ thống đê sông Côn và đê sông Véo khá lớn, vượt quá khả năng của địa phương. Nguyện vọng của địa phương lẫn người dân là mong các cấp chính quyền tỉnh, huyện và các ngành chức năng có kế hoạch nâng cấp, kiên cố hóa đê sông Côn, sông Véo đi qua địa bàn các khu vực xung yếu để bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân địa phương”, ông Sang nói.
Theo UBND huyện Tây Sơn, gia cố tuyến đê sông Véo hay sông Côn là việc cần thiết, tuy nhiên do kinh phí ngân sách có hạn, nên UBND huyện phải sắp xếp thứ tự ưu tiên cho các đoạn đê cấp thiết, xung yếu, có nguy cơ vỡ cao. Trước mắt, huyện yêu cầu UBND xã Bình Hòa có biện pháp cảnh báo, gia cố tạm để phòng, tránh hiện tượng sạt lở tiếp diễn trước mùa mưa, lũ năm 2017 nhằm tránh thiệt hại về tài sản và tính mạng của người dân. Về lâu dài, huyện sẽ chỉ đạo các phòng, ban liên quan xem xét, đưa ra biện pháp khắc phục để đảm bảo an toàn cho người dân sống ven đê.
TRỌNG LỢI