Đẩy mạnh kiểm định chất lượng giáo dục đại học
Bộ GD-ĐT đang xây dựng dự thảo thông tư ban hành quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) để lấy ý kiến rộng rãi từ dư luận. Thông tư này nhằm đánh giá chất lượng, chu kỳ kiểm định các cơ sở GDĐH theo tiêu chí của hệ thống GDĐH ASEAN (AUN). Ngày 10.2, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến chủ đề “Đẩy mạnh kiểm định chất lượng GDĐH”.
Thay đổi cách kiểm định
Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT, bộ tiêu chuẩn mới có 111 tiêu chí cùng các giải pháp hết sức quan trọng là thay đổi nội dung chương trình giảng dạy theo hướng thực học, thực nghiệp; bám sát vào nhu cầu thị trường lao động trong nội khối, thị trường lao động quốc tế. Các tiêu chí này không chỉ đánh giá, kiểm định về đào tạo và nghiên cứu khoa học, mà còn tập trung vào mảng kết nối phục vụ cộng đồng, chú trọng cả về sở hữu trí tuệ. Đây cũng là cơ sở để nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường đại học, là một trong các tiêu chí để Bộ GD-ĐT quy hoạch lại mạng lưới các trường đại học và để nâng cao chất lượng kỳ thi THPT quốc gia trong thời gian tới.
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia cho rằng bộ tiêu chuẩn mới đã tiệm cận với quy định của khu vực. Đẩy mạnh kiểm định sẽ là cách để các trường phải trung thực với số liệu báo cáo, nhất là tỷ lệ việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp, một nội dung đang nóng hiện nay. GS-TS Nguyễn Quý Thanh, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, ĐHQG Hà Nội cho biết thêm, từ trước đến nay, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các trường phải thực hiện 3 công khai. Nhưng nhiều trường, số liệu báo cáo xong không ai thẩm định.
Sinh viên Trường Đại học Bách khoa TPHCM trong niềm vui ngày nhận bằng tốt nghiệp
“Với việc đẩy mạnh kiểm định cũng như trong quy chế tuyển sinh 2017, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường phải báo cáo thêm một số chỉ số thì mới được tuyển sinh và giao cho 4 trung tâm kiểm định thẩm định. Điều này cho thấy các số liệu báo các của các trường thời gian tới sẽ có một đơn vị chịu trách nhiệm để thẩm định, tức là có nơi để “quy trách nhiệm”. Các trường báo cáo sai sẽ bị dừng tuyển sinh. Các trung tâm kiểm định thẩm định không tốt sẽ bị xử lý. Như vậy kiểm định mới có hiệu quả”, GS-TS Nguyễn Quý Thanh khẳng định.
Công khai thì mới được tuyển sinh
Bộ công cụ kiểm định mới đề cập toàn diện đến hoạt động GDĐH, không còn nghiêng về nghiên cứu mà hướng đến yếu tố thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu của xã hội, cộng đồng. Từ đó dần hình thành văn hóa chất lượng của nhà trường. Các trường đại học sẽ phải dần chuyển đổi để thích ứng với bộ công cụ này, hướng đến chất lượng nhằm đáp ứng cộng đồng, phục vụ xã hội. Bộ tiêu chí mới được đánh giá là đã dựa trên chu trình quản lý chất lượng rất tiên tiến, không còn là sự áp đặt, giúp cho việc đánh giá dễ dàng hơn, đề ra biện pháp khắc phục cũng dễ dàng hơn.
Ông Mai Văn Trinh cho biết, hiện đã có 4 trung tâm kiểm định chất lượng GDĐH của ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TPHCM, ĐH Đà Nẵng, Hiệp hội ĐH-CĐ Việt Nam. Để đáp ứng yêu cầu về kiểm định GDĐH, tới đây có thể Bộ GD-ĐT thành lập thêm một số trung tâm mới. Bộ GD-ĐT cũng khuyến khích các trường, các trung tâm thành lập thêm các trung tâm kiểm định khi có đủ điều kiện.
“Tiêu chuẩn hàng đầu là sinh viên ra trường phải tìm được việc làm. Vì thế, bộ tiêu chuẩn mới cũng có quy định khi xây dựng chương trình đào tạo, phải có tham vấn ý kiến của người sử dụng lao động”, ông Trinh cho biết. Các ý kiến cũng cho rằng, GDĐH phải thay đổi tư duy: cần đào tạo những gì xã hội cần, không nên đào tạo những gì mình có. Đây vẫn đang là hiện trạng ở nhiều trường đại học hiện nay, nhiều nơi đang dạy những gì mình có, rất lãng phí, tốn thời gian, tiền bạc của người học, của xã hội.
Cũng theo ông Mai Văn Trinh, trong năm 2017, các trường phải công khai những yếu tố cốt lõi nhất của trường trong đề án tuyển sinh như cơ sở vật chất, đội ngũ, quy mô hiện hành (số lượng sinh viên tuyển sinh những năm gần đây, có phù hợp với điều kiện, năng lực hay không…) thì mới được phép tuyển sinh. Từ năm 2018, phải công bố thêm tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp. Bộ GD-ĐT cho biết sẽ có chế tài xử lý và 4 trung tâm kiểm định sẽ thẩm định báo cáo của các trường. Trường nào vi phạm sẽ công bố công khai. Sự công khai của các trường sẽ là cơ sở để thí sinh chọn trường, chọn nghề, để xã hội tin tưởng hơn với chất lượng GDĐH.
Theo LÂM NGUYÊN (SGGP)