Hiểu đúng về việc cá nhân vận động làm từ thiện
Chia sẻ với những khó khăn và thiệt hại nặng nề của người dân vùng lũ các tỉnh miền Trung nói chung và Bình Ðịnh nói riêng, thời gian qua, bên cạnh các tổ chức, còn có nhiều cá nhân đứng ra vận động quyên góp để cứu trợ. Việc hiểu rõ quy định của pháp luật về quyên góp từ thiện và kêu gọi làm từ thiện là điều cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động này.
Có nhiều quy định của pháp luật nhằm ngăn chặn một số cá nhân, tổ chức lợi dụng danh nghĩa từ thiện để tư lợi cho mình. Tuy vậy, không có quy định nào cấm hay truy cứu trách nhiệm với cá nhân, tổ chức vận động quyên góp làm từ thiện, giúp đỡ người khác. Vì việc cứu trợ nhân dân khi xảy ra thiên tai, hỏa hoạn… không chỉ là việc của nhà nước hay tổ chức, đoàn thể nào mà cần huy động mọi nguồn lực trong dân, khuyến khích mỗi cá nhân phát huy tinh thần tương thân tương ái.
Với Nghị định 64/2008/NÐ-CP “Về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo”, đối tượng điều chỉnh là các cơ quan, tổ chức thực hiện nhiệm vụ nhà nước giao cùng với MTTQ các cấp, được hoạt động hoặc hỗ trợ hoạt động bằng ngân sách nhà nước. Còn Nghị định 30/2012/NÐ-CP “Về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện” thì quy định hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện phải căn cứ Bộ luật Dân sự. Cả 2 nghị định này đều không có điều khoản nào quy định về hoạt động tự nguyện của công dân, cụ thể là không quy định về hoạt động cứu trợ tự phát của công dân. Theo nguyên tắc áp dụng pháp luật, công dân được làm những gì mà nhà nước không cấm, vì vậy việc cá nhân đứng ra kêu gọi quyên góp mục đích từ thiện là không vi phạm pháp luật.
Như vậy, chỉ cần một cá nhân kêu gọi quyên góp trên danh nghĩa của chính mình chứ không giả mạo hay mượn danh nghĩa hưởng ứng lời kêu gọi của ủy ban MTTQ, thì không vi phạm pháp luật. Hoặc, khi một cá nhân nào đó kêu gọi mọi người đóng góp cứu trợ và chính họ đã bỏ ra một khoản tiền để bản thân mang đi cứu trợ, thì người này đã trở thành người cứu trợ rồi, không còn là người chỉ tổ chức vận động (việc làm này khác hẳn với một cá nhân lập một tài khoản rỗng và kêu gọi mọi người đóng góp vào đó mang tính chất chuyên nghiệp). Cho nên việc kêu gọi mang tính tự phát nhằm tập hợp một nhóm người với nhau để cùng đi cứu trợ, thì nhà nước không cần phải điều chỉnh. Thậm chí những người này có quyền cứu trợ trực tiếp mà không cần thông qua cơ quan nhà nước.
Hơn nữa, nếu một ai đó làm từ thiện thông qua quỹ từ thiện, theo Khoản 13 Ðiều 4 Luật Thuế thu nhập cá nhân về thu nhập được miễn thuế, thì: “Thu nhập nhận được từ quỹ từ thiện được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thành lập hoặc công nhận, hoạt động vì mục đích từ thiện, nhân đạo, không nhằm mục đích lợi nhuận”. Nhưng nếu người vận động quyên góp gian dối, chiếm đoạt, sử dụng trái phép tiền, hàng hoặc lợi dụng hoạt động từ thiện để vụ lợi thì có thể bị truy cứu trách nhiệm về hành vi của mình.
KIM CHI