Trên từng mái ngói rêu phong
Theo thống kê năm 2010 của Phòng VH-TT huyện Tây Sơn, chỉ riêng thị trấn Phú Phong và 3 xã Bình Nghi, Tây Bình, Tây Giang hiện còn 94 ngôi nhà lá mái. Con số ấn tượng này cho thấy sự tồn tại vững chãi của nhà lá mái - một loại hình kiến trúc dân gian nổi bật của Bình Ðịnh - trên vùng đất võ Tây Sơn.
Trụ với thời gian
Ngôi nhà lá mái của gia đình ông Bùi Đắc Khả (khối Phú Xuân, thị trấn Phú Phong) nổi danh là căn nhà cổ đẹp nhất huyện. Ở đó, kiến trúc tổng thể của một ngôi nhà lá mái ba gian hai chái còn được giữ lại khá nguyên vẹn. Hướng nhà chính Nam, kết cấu các gian quan trọng như nhà trên, nhà lẫm, nhà cầu đều được giữ nguyên từ bao đời nay. Phần trần nhà, cột kèo, xiên trính, trang, tẩm thờ… đều là gỗ tốt và được chạm trổ tinh xảo, ánh nước gỗ đen bóng loáng.
Bao phủ bởi sắc xanh của tường rào, cây cảnh, hoa trái là điểm chung ở những ngôi nhà lá mái cổ.3
Ngôi nhà này được xây dựng năm 1889, khi chủ nhân đầu tiên Bùi Đắc Dư (còn gọi là Bá Mười) vừa tròn 20 tuổi. “Tôi được nghe kể, để xây được ngôi nhà bề thế, tinh xảo trong từng nét chạm như thế, hai tốp thợ đến từ đất thành An Nhơn - tốp làm nhà, tốp chạm trổ - đã “cắm rễ” ở đây gần 7 năm. Thậm chí, có vài người thợ đem lòng thương rồi lấy con gái làng Phú Xuân, con cái 5 tuổi ngôi nhà mới hoàn thành. Ngôi nhà được truyền cho tôi đã là thế hệ thứ 4”, ông Khả xúc động kể.
Rời ngôi nhà cổ này, tôi tìm đến địa chỉ “ông Hai Phú nhà cổ” ở khối 1, thị trấn Phú Phong. Tuy vẻ ngoài không bề thế và trang trí bên trong không kỳ công bằng nhà ông Khả, song ngôi nhà lá mái trên một trăm tuổi đời của gia đình ông Phan Phú lại tạo thiện cảm ở dáng vẻ hiền hòa, bình dị, xanh mát. Nét cổ ở ngôi nhà thể hiện ở chi tiết nhỏ: một ang sành đựng nước cùng chiếc gáo dừa đặt ở chái hiên…
“Bao nhiêu năm qua, chúng tôi chỉ thay tranh bằng ngói, thay mấy cánh cửa sổ bị mục, còn toàn bộ bên trong ngôi nhà đều được giữ nguyên. Nhà ít con cháu nên cũng không cần phải cơi nới hay xây thêm. Nền nhà được cách mạng dùng làm kho chứa lúa gạo, muối. Nước muối ăn xuống nền nhà nên lúc nào cũng ẩm, rít, khá bất tiện song con cháu ưng thuận để vậy, nên ngôi nhà còn nguyên gốc”, cụ ông 81 tuổi này tự hào cho biết.
Trong 94 ngôi nhà lá mái hiện còn ở Tây Sơn, thị trấn Phú Phong dẫn đầu với 52 nhà, xã Tây Bình có 23 nhà, Bình Nghi có 10 nhà, Tây Giang có 9 nhà. Danh sách các gia đình may mắn sở hữu và gìn giữ được những ngôi nhà lá mái cổ còn rất dài, như nhà bà Phạm Thị Quy (khối Phú Văn), nhà ông Quách Thanh Tâm (khối Thuận Nghĩa, thị trấn Phú Phong); nhà ông Nguyễn Ích Trí, ông Nguyễn Xuân Hào (thôn Mỹ Thuận, xã Tây Bình); nhà ông Văn Bá Tiến, ông Mai Tòng Quế (thôn Thủ Thiện Thượng, xã Bình Nghi)… Lý giải về sự trường tồn của nhà lá mái trên quê hương Tây Sơn tam kiệt, một người đam mê sưu tầm nhà lá mái cổ có tiếng ở huyện này đã đưa ra một nhận xét thấu đáo. Rằng, nhà lá mái ở Tây Sơn vượt qua đạn bom, trăm mùa lụt bão, cũng vì mỗi gia đình đều có ý thức bảo vệ di sản của gia đình dòng họ, để nhà lá mái “sống khỏe” trước phong trào săn lùng, mua bán nhà lá mái cổ vài năm về trước.
Dưới bóng kỷ niệm
Giữ nhà lá mái cổ, điều gia chủ lưu tâm và đau đầu nhất là chống “giặc… mối”. Bạn bè thường gọi đùa ông Khả là nhà “mối học”. Ông nhận diện các loại mối và thuộc lòng đặc điểm sinh học của từng loại. Trên tường nhà ông lúc nào cũng có một bình xịt chống mối pha sẵn. Ngôi nhà ông Khả hiện khá bộn bề vì đang trong giai đoạn sửa chữa lần thứ 4 kể từ khi xây dựng. Ở tuổi 80, từ TP Hồ Chí Minh, người anh Bùi Đắc Khôi vẫn về để cùng lo toan việc sửa chữa ngôi từ đường cùng với gia đình em trai.
“Tìm được tốp thợ địa phương, tuy khá trẻ nhưng nắm được cách xây nhà xưa, họ đã hoàn thành xong việc tháo, lắp, thay mới một số cột, kèo bị mối mọt, căn nhà vẫn vững chãi như xưa, chúng tôi mừng phát khóc! Thay nền vôi bằng gạch men, biết là thành ra “tân cổ giao duyên” song không thay không được vì nền bị bong tróc nhiều. Đây là căn nhà ông bà dày công tạo dựng, từng thế hệ được sinh ra, nuôi nấng, lớn khôn dưới mái nhà này, thân thương và nhiều kỷ niệm lắm, giữ được đến chừng nào gia đình chúng tôi sẽ giữ”, ông Khôi bồi hồi.
Trong chiến tranh, ngôi nhà lá mái cổ của gia đình ông Võ Thừa Diễn (thôn Phú Mỹ, xã Tây Phú) đã bị cháy. Ông mang bộ khung gỗ nhà trên và tấm phên dại đặt vào ngôi nhà mới. Ngoài ra, các trang, tẩm thờ, các bức chạm cũng được ông dùng vào việc thờ tự và trang trí trong nhà. “Nhìn từng cây cột, kèo, trính, cấu, tấm phên dại… khiến tôi nhớ lại ngôi nhà từ đường lá mái ba gian hai chái trước đây của dòng họ. Nhờ giữ lại dấu tích căn nhà xưa mà các con tôi biết đến ngôi nhà của ông bà, cha mẹ từng ở, tôi thấy vui, được an ủi vì các con rất quý trọng từng món đồ xưa đó”, ông Diễn cho biết.
Một trong những đặc điểm của nhà lá mái là thường chú trọng gian nhà trên, nơi để thờ tự, tiếp khách chứ ít dành diện tích cho không gian ở, sinh hoạt, các thành viên trong gia đình không có phòng riêng. Điều tưởng như rất bất tiện này lại được hóa giải nhẹ nhàng. Phan Mạnh Hùng, cháu nội ông Phan Phú, khẳng định chắc nụi: “Sống trong ngôi nhà cũ, tụi em thấy gần gũi với ông bà, ba má hơn. Bạn bè ở nhà xây vẫn thường sang đây chơi, cứ tấm tắc khen cái nhà cũ cũ mà “mùa hè thì mát rượi, mùa mưa thì ấm áp” này. Cho đến khi nào ngôi nhà còn trụ vững trước mưa nắng, thời gian, em sẽ tiếp tục noi gương ông bà nội và ba má gìn giữ nó”.
SAO LY