Quyết liệt chấn chỉnh lễ hội phản cảm
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ VH-TT&DL phải có tiếng nói mạnh mẽ, quyết liệt để chấn chỉnh những hành động phản cảm, bạo lực, trục lợi trong lễ hội.
Những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng truyền đạt với Bộ VH-TT&DL ngày 14.2 khi ông dẫn đầu đoàn công tác của Thủ tướng làm việc với Bộ VH-TT&DL.
Hàng trăm người lao vào nhau để cướp quả phết tại lễ hội phết Hiền Quan (Phú Thọ) năm 2017 - Ảnh: Nguyễn Khánh
Đầu tư hàng trăm con trâu để làm lễ hội
Báo cáo với đoàn công tác của Thủ tướng, ông Vũ Xuân Thành - chánh thanh tra Bộ VH-TT&DL - cho rằng mùa lễ hội 2017 dù mới bắt đầu được hai tuần nhưng tiến bộ hơn năm 2016. Chính quyền địa phương, ban quản lý lễ hội, xã hội đã đồng tình để một số lễ hội phản cảm không được tổ chức nữa như: lễ hội chém lợn giữa sân đình ở Bắc Ninh, lễ hội đập đầu trâu ở Phú Thọ, lễ hội treo trâu đến chết ở Yên Bái...
Tuy nhiên nhiều lễ hội bộ vẫn chưa thuyết phục được một số địa phương thay đổi hình thức tổ chức. Ví dụ lễ hội cướp phết, Bộ VH-TT&DL đề xuất sẽ thi đấu như thể thao nhưng đồng bào nơi đây không đồng ý.
Ông Thành nói: “Như lễ hội đền Cửa Ông (Quảng Ninh) báo cáo cho biết đã thu được 16 tỉ đồng rồi. Công điện của Thủ tướng, Bộ VH-TT&DL chỉ đạo không tổ chức lễ hội chọi trâu nhưng nhiều địa phương vẫn tổ chức, như tỉnh Yên Bái. Phó chủ tịch UBND huyện đồng thời là trưởng ban tổ chức lễ hội nên lại càng khó.
Chúng tôi đã cho đoàn cán bộ lên Yên Bái kiểm tra xem doanh nghiệp nào đứng sau lễ hội chọi trâu thì biết có doanh nghiệp đầu tư hàng trăm con trâu, họ tổ chức hội chọi sau đó bán vé, bán thịt trâu và thu hồi vốn rất lớn”.
Ông Huỳnh Vĩnh Ái - thứ trưởng Bộ VH-TT&DL - cho rằng việc xô xát trong một số lễ hội như ở đền Gióng là có nhưng chỉ diễn ra vài phút rồi lại ổn. Ông Ái cho biết tình trạng xe công đi lễ, cán bộ công chức đi lễ giờ hành chính Bộ VH-TT&DL không nắm được, các địa phương mới là nơi sâu sát nhất.
Ông Vũ Xuân Thành cho rằng Bộ VH-TT&DL không thể vào kiểm tra được việc này nên xin phép đoàn công tác của Thủ tướng cho ý kiến, nếu không Bộ VH-TT&DL làm sẽ là vượt quá thẩm quyền.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện cho biết chấm dứt những tiêu cực, phản cảm, trục lợi ở các lễ hội là rất khó nhưng Bộ VH-TT&DL quyết tâm năm sau công tác lễ hội sẽ phải làm tốt hơn năm trước.
Bộ cũng tiếp thu góp ý của tổ công tác Thủ tướng về những hạn chế để làm tốt hơn nữa công việc được giao.
“Báo cáo chung chung tôi không nghe đâu”
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết Bộ VH-TT&DL là bộ đầu tiên mà đoàn công tác Thủ tướng đến làm việc sau Tết Nguyên đán 2017, lý do vì đây đang là cao điểm mùa lễ hội. Ông Mai Tiến Dũng truyền đạt ý kiến của Thủ tướng yêu cầu Bộ VH-TT&DL giải trình năm tồn tại, trong đó tập trung vào công tác quản lý lễ hội, du lịch, việc phong tặng danh hiệu nghệ sĩ...
Trước những tồn tại của công tác quản lý lễ hội nhưng lãnh đạo Bộ VH-TT&DL không lên tiếng, ông Mai Tiến Dũng nói:
“Có những hoạt động xã hội người dân không đồng tình, lễ hội bị lợi dụng, lợi ích nhóm, thu tiền theo hướng thương mại, trục lợi. Một số lớn lễ hội có tổ chức quy mô lớn, kéo dài nhưng manh mún, thiếu sự điều hành thống nhất của địa phương. Ví dụ như: cướp lộc phản cảm ở đền Gióng, cướp phết Hiền Quan, ném lộc ở chùa Hương...
Thủ tướng muốn nói có cái đó, nhưng cơ quan quản lý nhà nước là Bộ VH-TT&DL không lên tiếng, không phản hồi. Nếu bộ trưởng ngại không nói thì báo cáo Thủ tướng để Thủ tướng lên tiếng nhưng Bộ VH-TT&DL không có báo cáo nào”.
Khi Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái đang phát biểu, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã ngắt lời vì trước đó ông yêu cầu các vụ, cục nào được giao nhiệm vụ làm việc còn tồn tại, chưa hoàn thành phải trực tiếp báo cáo.
“Nếu báo cáo chung chung như thế này tôi không nghe đâu. Nói những cái chưa được thôi, đây không phải cuộc họp của ban thi đua khen thưởng nên không cần báo cáo thành tích” - ông Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Thay người là nhanh nhất
Đánh giá về mặt tích cực, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng lễ hội 2017 so với 2016 có nhiều tiến bộ hơn, phản cảm giảm đi. Việc phong tặng nghệ sĩ cần giải thích để dư luận thấy rõ được tiến hành khách quan, trung thực.
Với những nhà văn, nhà thơ có đóng góp và sự lan tỏa lớn như Xuân Quỳnh, Thu Bồn không được phong tặng danh hiệu, lý do vì sao cũng cần nói rõ để dư luận hiểu, tránh suy diễn có tiêu cực.
Theo báo cáo năm 2016 và quý 1-2017, Bộ VH-TT&DL được Chính phủ và Thủ tướng giao 282 nhiệm vụ và đã hoàn thành 158 nhiệm vụ. Trong 124 nhiệm vụ đang thực hiện có 4 nhiệm vụ quá hạn chưa hoàn thành. Số nhiệm vụ Bộ VH-TT&DL được giao được đánh giá là tương đối ít so với các bộ ngành (Bộ Kế hoạch - đầu tư được giao gần 1.000 nhiệm vụ - PV).
Để hỗ trợ tối đa công việc của các bộ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng yêu cầu Văn phòng Chính phủ phải tiếp thu và phối hợp tốt nhất có thể, không thể đá qua đá lại công việc gây khó dễ.
“Năm 2016 Văn phòng Chính phủ đã kiểm tra 4 lần và điều chuyển công tác một số đồng chí rồi. Văn bản chậm, cái gì làm chậm, thay người là nhanh nhất chứ không thể không làm được việc cứ lượn ra lượn vào. Đây là tổ công tác của Thủ tướng, không có chuyện xuống động viên xuê xoa xong về” - ông Mai Tiến Dũng nhấn mạnh khi kết thúc cuộc làm việc.
Bộ phải lên tiếng
Báo cáo trước đoàn công tác của Thủ tướng, nhiều đại diện Bộ VH-TT&DL cho biết bộ này cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp báo, hàng chục cuộc trả lời báo chí về công tác quản lý lễ hội chứ không tránh né. Tuy nhiên báo cáo này không thuyết phục được đoàn công tác của Thủ tướng.
Ông Mai Tiến Dũng nói: “Việc xe công đi lễ hội, công chức đi lễ giờ hành chính, Thủ tướng hỏi Bộ VH-TT&DL có nắm được không, cái này bộ phải nắm được hơn ai hết. Chỉ thị của Thủ tướng thì phải báo cáo tình hình, phải lên tiếng. Bộ VH-TT&DL lên tiếng như người đứng đầu TP Hà Nội đã lên tiếng về hội Gióng chưa? Ý Thủ tướng là ý đó. Bộ VH-TT&DL phải có chính kiến chứ không thể nói cái này không phải của bộ tôi, cái này của bộ kia”.
Theo KHƯƠNG XUÂN (TTO)