Tiêu chí... lạ !?
Tại hội nghị tổng kết năm học 2012-2013 vừa được Bộ Giáo dục - Đào tạo tổ chức tuần rồi, địa phương nào có tỉ lệ học sinh tốt nghiệp cao hơn năm trước trong kỳ thi tốt nghiệp THPT thì bị hạ bậc thi đua. Từ cái sự… lạ lùng này, dư luận đã được “bật mí” một câu chuyện “tuyệt mật” của ngành giáo dục. Và, dư luận xã hội đã không tránh khỏi ngỡ ngàng, cũng như không thể hiểu được vì sao người ta lại đưa ra tiêu chí thi đua là phải giảm tỉ lệ đậu tốt nghiệp của học sinh THPT (!).
Chúng ta đều biết, từ nhiều năm qua, một trong những đòi hỏi bức xúc của xã hội cũng như yêu cầu phát triển đất nước đặt ra là chúng ta phải thực hiện cải cách giáo dục toàn diện, đổi mới chương trình nhằm mục đích đưa giáo dục về đúng thực chất dạy và học, xóa dần tiêu cực và căn bệnh thành tích đã tồn tại từ nhiều năm qua. Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục là phải tập trung nâng cao chất lượng giáo dục và kết quả này được thể hiện bằng tỉ lệ học sinh khá giỏi ngày càng tăng, học sinh trung bình hay yếu kém ngày càng giảm.
Trước đòi hỏi của xã hội, Bộ GD-ĐT chủ trương và quyết tâm khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục và tiêu cực trong thi cử, có chỉ đạo càng ngày càng quyết liệt hơn bằng nhiều phong trào “nói không” rất rầm rộ. Thế nhưng giải pháp chống bệnh thành tích, chống tiêu cực bằng chủ trương hạ bậc thi đua tỉnh thành nào có tỉ lệ học sinh THPT đỗ tốt nghiệp quá cao hoặc cao hơn năm trước thì rất không ổn. Bởi lẽ, một khi giáo dục đã có đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học thì kết quả đậu tốt nghiệp tăng lên là bình thường.
Tuy nhiên, cũng cần hết sức lưu ý việc Bộ GD-ĐT đã tiến hành chấm phúc tra hàng chục ngàn bài thi tốt nghiệp của các địa phương có kết quả thi tốt nghiệp cao bất thường và đã phát hiện được nhiều sai phạm như: chấm thi không chính xác, có nhiều sai lệch trong chấm thi, nhiều bài thi có những sai sót giống hệt nhau…, cho thấy tỉ lệ học sinh đậu tốt nghiệp của cả nước vẫn chưa thể hiện đúng thực chất, còn xa với thực tế. Điều này cho thấy bệnh thành tích trong ngành giáo dục chưa thể ngày một ngày hai chấm dứt ngay được. Và việc một số địa phương sẵn sàng chấp nhận chịu bị hạ bậc thi đua để có tỉ lệ đậu tốt nghiệp cao cho thấy sự phá sản của chủ trương “lạ đời” này.
Rõ ràng, đánh giá chất lượng giáo dục không chỉ dựa vào tỉ lệ tốt nghiệp THPT cao hay thấp của từng địa phương, mà quan trọng là phải thẩm định, đánh giá nghiêm túc chất lượng giáo dục trong suốt cả một quá trình dạy và học. Thi đua là để huy động tốt mọi nguồn lực nhằm đạt được các kết quả cao hơn, phát triển tốt hơn chứ không phải là tạo nên một trần giới hạn chủ quan và duy ý chí bằng biện pháp hành chính. Vì vậy, mong rằng trong năm học tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ đặt ra tiêu chí thi đua theo kiểu… “thua đi”, bằng cách khống chế tỉ lệ đậu tốt nghiệp như năm học vừa qua.
HẢI ÐĂNG