Thông điệp đổi mới trong văn chiếu triều Tây Sơn
Trong thời gian trị vì đất nước, vua Quang Trung đã ban bố một số bài văn chiếu như “Chiếu lên ngôi”, “Chiếu cầu hiền”, “Chiếu lập học”… Những bài văn chiếu này là một phần quan trọng trong di sản văn hóa triều đại Tây Sơn nói riêng, của Việt Nam nói chung.
Chiếu là một thể văn hành chính thời trung đại, có chức năng truyền tải thông điệp của người đứng đầu vương triều tới các thần dân về những vấn đề hệ trọng của đất nước.
Mở đầu triều Tây Sơn là bài “Chiếu lên ngôi” được vua Quang Trung tuyên đọc tại Phú Xuân (Huế) ngày 22.12.1788, trước khi xuất quân lên đường ra Bắc tiêu diệt quân Thanh xâm lược. Sau chiến thắng mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789), trước yêu cầu của hoàn cảnh mới, vua Quang Trung tiếp tục ban bố nhiều văn chiếu mới, như: “Chiếu lập học”, “Chiếu cầu hiền”, “Chiếu hiểu dụ các quan văn võ cựu triều”, “Chiếu khuyến nông”...
Trong những bài chiếu đó, vua Quang Trung đã nêu rõ những thách thức của thời cuộc đối với bản thân ông và vương triều Tây Sơn. Để ổn định và đưa đất nước sang giai đoạn phát triển mới, vua Quang Trung đã đưa ra nhiều chính sách, giải pháp cụ thể khác nhau. Một mặt, ông khẳng định tính chính danh - chính nghĩa của việc bản thân lên ngôi thiên tử. Mặt khác, ông nêu cao lý tưởng xã hội của vương triều Tây Sơn là “dìu dắt dân vào đạo lớn, đem dân lên cõi đài xuân” (Chiếu lên ngôi), đồng thời tỏ rõ quan điểm coi trọng chính sách khuyến học và khuyến nông.
Điểm đặc biệt trong nội dung văn chiếu Tây Sơn là tư tưởng đổi mới, với hai biểu hiện cơ bản là “cùng dân đổi mới” và “tự đổi mới”.
Ở khía cạnh thứ nhất, trong “Chiếu lên ngôi” có đoạn như sau: “Hỡi muôn dân trăm họ! Những lời dạy bảo của thiên tử là những điều các ngươi phải thi hành. Nhân nghĩa, trung chính là đạo lớn của con người. Trẫm nay cùng dân đổi mới, vâng theo mưu mô sáng suốt của vua thánh đời trước để cai trị và giáo hóa thiên hạ”. Tinh thần đoạn văn là biểu đạt trạng thái mong muốn của vua Quang Trung là cùng nhân dân thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng một xã hội tốt đẹp với sự ngự trị của nhân nghĩa và trung chính. Do đó, từ ngữ “đổi mới” ở đây có hàm nghĩa rõ ràng, cụ thể, phản ánh khát vọng thay đổi thực tại của vua Quang Trung theo hướng “kéo dài phúc lành cho tôn miếu, xã tắc”.
Có thể thấy, lý tưởng xã hội của vua Quang Trung tuy không vượt thoát ra khỏi mô hình chung của chế độ phong kiến nhưng phù hợp với nguyện vọng của đa số quần chúng nhân dân và những người trí thức chân chính. Vì thế, nó có khả năng dính kết các lực lượng xã hội, khuyến khích họ cùng nhau giúp rập nhà vua thực hiện thành công sự nghiệp dựng xây sơn hà xã tắc cường thịnh.
Ở khía cạnh “tự đổi mới”, vua Quang Trung dành nói riêng với các cựu triều nhà Lê, những người hoặc đã rõ mặt chống đối, hoặc đương do dự có nên ra cộng tác với vương triều Tây Sơn hay không. Trong “Chiếu hiểu dụ các quan văn võ cựu triều”, vua Quang Trung sau khi trấn an, bày tỏ thái độ yêu mến nhân tài đã đề nghị mỗi người hãy tự suy xét kỹ càng để có thể tự đổi mới bản thân theo chiều hướng tích cực. Ông nói: “Nhưng lại lượng xét, các ngươi như có bệnh nặng mà mê muội nhầm lẫn, nếu không cho các ngươi có dịp để tự đổi mới, e rằng có hại đến đức hiếu sinh. Huống chi kẻ chịu nhục trong xe tù đâu phải không tài vương tá, kẻ thù cũ nuôi ngựa về sau được tiếng tốt là gián thần. Trẫm một niềm yêu mến nhân tài, không thể chốc lát quên được”.
Trong trường hợp này, tự đổi mới là từ bỏ tư tưởng bảo thủ, lối ứng xử theo kiểu ngu trung, biết đem tài năng phụng sự lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia chứ không khư khư hoài niệm về một vương triều đã bị lịch sử bỏ qua. Làm được vậy, người trí thức mới thực là “người hiểu rõ thời cơ, thông việc quyền biến”, lập được công nghiệp, “giữ được thân danh, hưởng được phú quý”.
Thực tế sau đó cho thấy, nhiều cựu triều văn võ nhà Lê đã thuận về với vương triều Tây Sơn và có nhiều đóng góp tích cực cho đất nước. Chắc chắn, họ đã chịu tác động mạnh từ thông điệp “tự đổi mới” của vua Quang Trung.
Như vậy, tư tưởng đổi mới đã hiện diện rõ nét trong thông điệp chính trị của vương triều Tây Sơn. Chúng ta hiểu vì sao, giữa bề bộn yêu cầu của thời cuộc, lựa chọn ưu tiên của vua Quang Trung là xây dựng nền quốc học. Cố nhiên, ông không xem nhẹ những lĩnh vực khác mà chỉ mong muốn chính sách quản trị đất nước luôn có trọng tâm, trọng điểm. Có thể nói, đó là sự lựa chọn hoàn toàn đúng, có giá trị tham khảo cho đời sau. Theo vua Quang Trung, “xây dựng đất nước lấy dạy học làm đầu”, “đó là quy mô lớn chuyển loạn thành trị”. Vì vậy, “việc này quan hệ đến điển chương lớn buổi đầu, ai nấy phải mài rũa chí khí, phấn chấn tinh thần để đón phúc lành, để cùng bước lên con đường thênh thang, giúp cho nền thịnh trị trong sáng” (Chiếu lập học).
LÊ NHẬT KÝ