Di tích chùa Ông Nhiêu: Nhiều hiện vật bị tản thất đã trở về
Khoảng từ năm 2011 đến nay, sau khi được tu bổ và khôi phục sinh hoạt tín ngưỡng, nhiều người dân đã trao trả một số hiện vật, đồ thờ tự quý cho chùa Ông Nhiêu (hay còn gọi là đền Quan Thánh). Các hiện vật này vốn đã bị thất lạc trong những năm qua do chùa hư hỏng, hoang phế. Trong không gian thờ tự đã được phục hồi, các món đồ này giúp tăng thêm tính trang nghiêm, cổ kính.
Ông Lý Minh Chánh (trái) bàn giao bộ binh khí cho đại diện Ban quản lý di tích chùa Ông Nhiêu vào cuối năm 2016.
Hiện vật bị thất lạc trở về
Hiện vật của di tích chùa Ông Nhiêu được trở về - mới đây nhất là 7 món binh khí bằng đồng, do ông Lý Minh Chánh (phường Trần Hưng Đạo, TP Quy Nhơn) mang đến trả về cho chùa vào cuối năm 2016.
Theo ông Lê Văn Tráng, Phó Ban quản lý di tích chùa Ông Nhiêu, số hiện vật kể trên nằm trong bộ bát binh khí (thường được thờ, trưng bày tại những vị trí trang trọng trong các cơ sở thờ tự, tín ngưỡng, tôn giáo) của chùa này trước đây, được làm bằng đồng nguyên chất, hiếm và quý. Điểm đáng trân trọng là người gìn giữ chúng đã tự nguyện mang đến trả lại cho chùa.
Trước đó, vào cuối năm 2011, cha của ông Lý Minh Chánh - cụ Lý Đình Lương (nay đã qua đời) đã mang đến, giao lại cho chùa Ông Nhiêu 3 lư đồng và 2 cặp đèn (hiện thờ tự ở gian chánh điện) trước sự bất ngờ, vui mừng của ông Tráng và những người hôm sớm chăm lo hương khói, bảo vệ ngôi chùa này. Đó cũng là những tài sản đầu tiên được trả về cho chùa sau bao nhiêu năm thất lạc, ngay khi di tích này hồi sinh.
Ông Tráng kể: Cụ Lương mang đến và bảo với chúng tôi, vài chục năm qua chùa hoang phế, tôi vẫn thường nói với con cháu, cha cất giữ hộ mà trong lòng luôn mong có ngày nơi đây được tái thiết, chấn hưng để giao lại. Nay khung cảnh đúng như lòng mình ước nguyện, tôi mang đồ trả lại chốn cũ! Ngày ông cụ mang đồ đến gửi lại, tôi và bà con ở đây hiểu hơn vì sao thời điểm thi công tu bổ chùa, ông cụ gần như ngày nào cũng đến, quan sát việc sửa sang, chủ động bắt chuyện với tôi và những người làm công tác hộ từ, bảo vệ, trực chùa…, nét mặt ra chừng phấn khởi. Ông cụ có ý lắm, “nắm bắt tình hình” xong xuôi, ưng bụng, tin tưởng nên đem đồ quý đến trả về; phần chúng tôi cũng xem lời ông như một sự ký thác, dặn dò để tiếp quản, bảo vệ di sản cho tốt.
Ông Lý Minh Chánh cho hay, vài năm sau khi cha mình đã mang trả về những bộ lư, đèn, thỉnh thoảng ông cụ nói là mang máng nhớ còn bộ bát binh khí 7 chiếc (thiếu chùy), không biết thất lạc ở đâu. Ông dặn con cháu nếu thấy đâu đó trong nhà thì đưa ông ngay để ông tiếp tục trả về cho chùa. “Khi cha mất, chúng tôi dọn nhà để lo tang lễ, phát hiện ra bộ binh khí trên. Y lời cha dặn, xong đám tang cha là tôi mang đến trao trả lại cho chùa”.
Cũng theo ông Tráng, ngoài những hiện vật đã được trở về chùa từ cha con cụ Lý Đình Lương, có một hiện vật rất có giá trị là chiếc đại hồng chung (chuông đồng, hiện trưng bày tại chùa) do một người dân (giấu mặt) thuê người mang đến trả lại cho chùa vào năm 2012. Cuối năm đó, một đoàn chuyên gia khảo sát về hiện vật, đồ cổ tại các ngôi chùa trong cả nước đã đến chùa Ông Nhiêu và đánh giá chiếc đại hồng chung này có giá trị rất cao về mặt nghệ thuật và lịch sử.
Góp phần làm tăng giá trị di tích, vì lịch sử của Quy Nhơn
Theo hồ sơ di tích chùa Ông Nhiêu, vì di tích này đã trải qua thời gian dài bị xuống cấp, hư hỏng, hoang phế, ngừng hoạt động; được sử dụng vào mục đích sản xuất, qua nhiều đơn vị quản lý… nên hiện vật của chùa hầu như không còn gì, số bị hư hỏng, thất thoát, số khác còn lưu lạc trong nhân dân. Trong quá trình đi thu thập hiện vật của chùa, các cơ quan chức năng xác định vẫn còn một số hiện vật, nhiều nhất là đồ thờ tự, còn đang tản thất trong dân.
“Với niên đại xây dựng 1837, nếu đem so sánh với niên đại các hội quán của người Hoa thì chùa Ông Nhiêu có trước. Sự xuất hiện của chùa này chứng minh một sự thật lịch sử, đó là trước khi người Hoa đến sinh sống, buôn bán thì Quy Nhơn đã là “thị” chứ không còn đứng ở vị trí “làng” nữa; và người đứng đầu Quy Nhơn là ông Trần Đức Hiệp - một người Việt. Đây là ngôi chùa ghi dấu một thời mở nước của cha ông trên mảnh đất này. Vì lịch sử của TP Quy Nhơn, khi chùa được phục dựng, những hiện vật còn lưu lạc rất cần được tập hợp, trả lại cho ngôi chùa này, làm tăng giá trị cho di tích”, TS Đinh Bá Hòa, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh, chủ biên Hồ sơ di tích chùa Ông Nhiêu, cho biết.
Hỏi ông Chánh nghĩ gì khi tự nguyện mang từ nhà riêng mình một món đồ cổ, bằng đồng, niên đại cao, có giá trị về kinh tế như vậy đến chùa, ông trả lời: Ðiều đó rất bình thường mà, chùa đã hoạt động trở lại rồi, của chùa thì trả về cho chùa thôi, tài sản không phải của mình thì giữ làm chi!
SAO LY