Tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2017: Chạy đua công bố phương thức xét tuyển
Để theo kịp với thay đổi trong Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng khối ngành sư phạm (gọi tắt là ĐH-CĐ) năm 2017, thí sinh (TS) đăng ký xét tuyển cùng lúc với làm hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia, các trường ĐH hiện đang ráo riết công bố phương án xét tuyển để TS tìm hiểu. So với năm 2016, rất nhiều trường có điều chỉnh về phương thức xét tuyển như bổ sung thêm tổ hợp xét tuyển, thay đổi điều kiện xét tuyển…
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2016 tại cụm thi do Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) chủ trì
Nhiều thay đổi
Nếu như những năm trước, các trường ĐH công bố phương án tuyển sinh sau khi có kết quả thi THPT quốc gia (giữa tháng 7), thì năm nay các trường đang gấp rút xây dựng hoàn chỉnh và công bố phương án tuyển sinh để đầu tháng 3 TS bắt đầu đăng ký xét tuyển.
Hai ĐH lớn nhất cả nước năm nay có nhiều điều chỉnh về phương thức, điều kiện xét tuyển để tuyển chọn TS. Sau hai năm tổ chức thi đánh giá năng lực để tuyển chọn TS, năm 2017, ĐH Quốc gia Hà Nội chính thức không tổ chức kỳ thi này nữa mà sử dụng kết quả thi THPT quốc gia năm 2017 để xét tuyển ĐH. Cùng với ĐH Quốc gia Hà Nội, nhóm các trường như ĐH Tài nguyên và Môi trường, ĐH Công nghiệp Hà Nội… đã đăng ký xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội năm nay cũng bỏ phương thức xét tuyển dựa vào kết quả bài thi đánh giá năng lực. Thay vào đó, năm 2017, những trường này sẽ sử dụng kết quả thi THPT quốc gia 2017 để xét tuyển ĐH.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, năm 2017, ĐH Quốc gia TPHCM có nhiều điều chỉnh trong phương thức xét tuyển. Trong đó, Trường ĐH Quốc tế được tổ chức thêm kỳ thi kiểm tra năng lực, các đơn vị thành viên còn lại chủ yếu tuyển theo các phương thức xét tuyển thẳng, xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia 2017, xét tuyển TS tại khu vực Tây Nam bộ và Tây Nguyên.
Cụ thể từng trường thành viên như sau: Trường ĐH Bách khoa áp dụng nhiều phương thức xét tuyển và TS có thể đăng ký xét tuyển bằng một hoặc kết hợp nhiều phương thức xét tuyển. Về nhóm ngành/ngành tuyển sinh, có một số thay đổi: ngành Kiến trúc không còn tính điểm môn Toán nhân 2. Tiêu chí phụ để xét tuyển là môn Toán (áp dụng cho tất cả các ngành khi có nhiều TS cùng mức điểm xét tuyển và số TS vượt quá chỉ tiêu). Trường ĐH Khoa học Tự nhiên xét tuyển thêm một tổ hợp mới là Toán, Khoa học tự nhiên (các môn Lý, Hóa, Sinh) - tiếng Anh ở tất cả các ngành. Trường ĐH Kinh tế - Luật bổ sung thêm một tổ hợp môn thi xét tuyển mới gồm Toán, Ngoại ngữ và bài thi Khoa học tự nhiên. Trường ĐH Công nghệ thông tin ngoài 2 tổ hợp A và A1, năm nay nhà trường xét tuyển thêm một tổ hợp mới D1 ở tất cả các ngành. Trường ĐH Quốc tế sử dụng kết quả kỳ thi THPT 2017 (cho 50% chỉ tiêu); xét tuyển thẳng học sinh đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế (5% chỉ tiêu); xét tuyển thẳng học sinh giỏi của các trường THPT chuyên, năng khiếu (10% chỉ tiêu), tổ chức kỳ thi kiểm tra năng lực theo dạng SAT II để tuyển sinh 35 chỉ tiêu. TS sẽ dự thi hai môn gồm: một môn bắt buộc (Toán và Logic học), một môn tự chọn trong các môn Lý, Hóa, Sinh, tiếng Anh (nội dung đề thi gồm kiến thức trong các lĩnh vực Toán, Lý, Hóa, Sinh, tiếng Anh trong chương trình THPT các lớp 10, 11, 12). Thời gian làm bài là 90 phút, theo hình thức thi trắc nghiệm và TS biết kết quả sau 3 ngày.
Thí sinh phải tìm hiểu kỹ thông tin
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, so với những năm trước, năm 2017 các trường phải công bố sớm phương án tuyển sinh bằng nhiều hình thức để cho TS tìm hiểu. Do đó, ngoài việc các trường phải hoàn chỉnh sớm phương án tuyển sinh, TS cũng phải nhanh chóng tìm hiểu kỹ thông tin xét tuyển của các trường ở từng ngành, nhóm ngành. Ngay cả các trường ĐH thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM, mỗi trường, mỗi ngành cũng có những điều kiện và quy định xét tuyển riêng. Do đó, khi muốn đăng ký xét tuyển vào ngành nào, trường nào, TS cần phải đọc kỹ các quy định để tránh sai sót.
Điển hình như TS khi muốn đăng ký xét tuyển vào các trường thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM phải đạt đủ 2 điều kiện cần đó là: trước hết là phải tốt nghiệp THPT; điểm trung bình 3 năm học THPT (lớp 10, 11, 12) là 6,5 điểm đối với hệ ĐH và 6,0 điểm đối với hệ CĐ. Khi vào từng ngành ở từng trường thì lại có thêm những điều kiện khác, có trường áp dụng nhân hệ số 2 môn chính, có trường bỏ nhân hệ số 2 môn chính.
TS muốn đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Luật TPHCM trong năm 2017 phải nắm rõ các quy định mới. Ngoài việc tốt nghiệp THPT, TS phải đăng ký tham gia bài thi kiểm tra đánh giá năng lực với điều kiện: điểm học bạ TPHT chiếm tỷ trọng 10%, điểm thi THPT quốc gia chiếm tỷ trọng 50% và điểm của bài kiểm tra năng lực chiếm tỷ trọng 40%. Ngoài ra, trường cũng có nhiều thông tin mới như mở thêm ngành Luật thương mại quốc tế (xét tuyển thêm các tổ hợp mới gồm: A1, D1, D3, D6, D66, D69, D70, D84, D87 và D88). Trường xét tuyển nhiều tổ hợp mới như: Văn, Sử và Ngoại ngữ (D14: tiếng Anh, D63: tiếng Nhật, D64: tiếng Pháp); Văn, Giáo dục công dân và Ngoại ngữ (D66: tiếng Anh, D69: tiếng Nhật, D70: tiếng Pháp); Toán, Giáo dục công dân và Ngoại ngữ (D84: tiếng Anh, D87: tiếng Pháp, D88: tiếng Nhật).
Trường ĐH Sài Gòn tuyển sinh 4.000 chỉ tiêu, trong đó hệ CĐ chỉ xét tuyển khối ngành Sư phạm với 60 chỉ tiêu cho 3 ngành sư phạm (Kỹ thuật công nghiệp, Kỹ thuật nông nghiệp và Kinh tế gia đình). Trường tuyển sinh trong phạm vi cả nước và theo hai phương thức: xét tuyển từ kết quả thi THPT quốc gia năm 2017 (không sử dụng kết quả miễn thi bài thi môn Ngoại ngữ theo quy định tại Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT để xét tuyển). Trường sẽ tổ chức thi các môn năng khiếu cho các ngành Thanh nhạc, Sư phạm âm nhạc, Sư phạm mỹ thuật, Giáo dục mầm non.
Theo THANH HÙNG (SGGP)