Xóm khuyết
Truyện ngắn của BÙI TẤN PHƯỚC
Xóm Duối sơn bao thủy bọc, nằm cuối dải đất nghiêng nghiêng soãi từ chân núi Triều Thành. Đồng Túc bên trái, đồng Dĩ bên phải, phì nhiêu từ mạch núi. Phía trước, cánh đồng Thủ áp sát bàu Lát rộng mênh mông. Xóm trông xa như một tháp vương an tọa trên lưng linh quy đang rời thành ra biển. Sau xóm là gò Duối. Những lùm duối cổ thụ cao ngất, đứng cách đều như những ngọn cờ. Hai ngôi mộ cổ đắp bằng vôi lâu đời đen sì trông như hai dã tượng chôn chân từ ngàn năm. Đất gò lắm cát, dưới toàn sỏi cơm. Nước giếng quanh vùng ngọt thanh, trong vắt. Xóm có đến trăm hộ dân. Nghe đâu, đất này trước là đất những nhà giàu quyền tước chiếm làm sanh phần dòng họ. Hai mộ cổ trên gò là mộ người làng làm quan triều Nguyễn.
Xóm Duối thời xưa hưng thịnh. Con em học hành, khoa cử đỗ đạt. Có người làm được chức quan phủ, nhiều người giữ chức hương, lý, chánh, tổng, đi đâu cũng được dân tình trọng vọng. Thời Việt Minh, xóm Duối thêm đông vui. Gò Duối có bệnh viện quân khu đóng chân. Bác sĩ, y tá, bộ đội, thương binh đi về nhộn nhịp. Chợ Duối nhóm họp hai ngày một phiên. Người từ các làng xa đến chợ mua bán rất đông. Thời chống Mỹ, xóm Duối là căn cứ địa cách mạng vững chắc. Hàng chục chiếc hầm bí mật và địa đạo từ gò thông ra suối là nơi đi về an toàn cho cán bộ, du kích. Trai xóm lần lượt lên đường theo quân giải phóng. Phụ nữ, người già, trẻ em đều là cơ sở tin cậy của cách mạng.
* * *
Sau ngày miền Nam giải phóng, xóm Duối nhanh chân bước vào làm ăn tập thể. Kho đội sản xuất nông nghiệp mọc ngay đầu xóm. Tiếng kẻng ngân vang sáng trưa, chiều tối rộn vui từng ngõ xóm. Gò Duối trở thành đất chung. Sắn mì đất gò nhiều củ, đặc bột, nướng, luộc đều bùi ngận. Xóm có ruộng lúa tốt, có sắn mì tươi - khô gối vụ, người dân no cơm ấm áo.
Xóm có vợ chồng thầy Ba Miễn phúc đức, được bà con quý trọng. Vợ chồng thầy chỉ có một người con nhưng đã hy sinh ở chiến trường. Thầy thông chữ Nho, giỏi quốc ngữ, am tường ngày giờ thiên địa khai thông, rành địa cuộc và nghi lễ cúng tế. Người của xóm qua đời, hôn sự, đầy tháng, thôi nôi, dựng nhà… đều cậy thầy.
Biết chiến tranh loạn lạc, trường lớp thiếu hụt, nhiều người thất học, thầy tự tay dựng trại mở lớp. Thầy dạy cả Toán lẫn Văn, từ vỡ lòng đến hết cấp một. Bài giảng của thầy thường mở rộng liên hệ giáo dục đạo làm người. Trẻ em, thanh niên, người lớn quanh xóm đến trại dập dìu. Ai cũng biết kính trọng, đi đứng, nói năng lễ phép. Ông Phụng - chủ nhiệm hợp tác xã non toán hình, khó khăn trong đo đạc ruộng đất, đêm đêm thường ghé chỗ thầy học thêm. Ông Chính - kế toán hợp tác chưa rành phép tính số thập phân cũng không ngại tìm đến thầy chỉ giúp. Cô Ngọc bán cửa hàng mậu dịch không tổng hợp được hàng hóa bán từng ngày cũng lặn lội đến nhờ thầy… Khách xa đến làng thường khen “hiếu nhân trọng lễ”.
Bà Ba là người đỡ đẻ giỏi. Thời Việt Minh, bà được y tá quân khu hướng dẫn chu đáo nên tay bà rất “mát”. Hầu hết trẻ con trong xóm đều một tay bà đỡ. Có nhà, bà đỡ hết mẹ rồi đến con. Có đứa, cha mẹ vụng về phải nhờ vợ chồng bà đặt tên. Những cái tên giàu ý nghĩa như Cát Khánh, Xuân Đoài, Lộc Uyển, Thiên Phúc, Thanh Luân… của trẻ xóm ngày ấy nay thành danh là do ông bà đặt.
Thời khoán Mười, ruộng chia phần theo lao động hộ dân. Không biết từ đâu, thầy Ba Miễn đem củ kiệu giống về trồng trên đất Gò. Kiệu bén đất xanh mượt, củ to, trắng nõn. Vụ kiệu năm ấy, thầy mang cho từng nhà làm quà tết và chỉ cách làm dưa. Người ta làm theo, đến tết đem ra ăn thấy ngon, ngọt, thơm, kẹp với bánh tét càng thêm tuyệt vời. Thế là cả xóm ồ ạt trồng kiệu bán vào dịp tết. Người các xóm quanh vùng thấy vậy cũng trồng theo. Thầy Miễn bảo: “Chỉ có cát như đất Gò Duối trồng kiệu mới nên củ!”. Người xóm Duối giảm diện tích sắn mì, mở rộng đất kiệu. Người làng xa đến Gò Duối thuê đất trồng kiệu. Nhà nhà trồng kiệu, người người trồng kiệu. Thoáng chốc, cả xã thành vựa kiệu miền Trung.
Đầu thập niên tám mươi, trong công cuộc kiến thiết lại bộ mặt làng quê, địa phương chọn Gò Duối làm nghĩa địa thôn. Thế là vùng đất kiệu xóm Duối dần trở thành bãi tha ma. Nhiều người vốn gắn bó với kiệu tiếc của, tranh thủ thuê xe chuyển đất Gò về nâng ruộng để trồng. Đất Gò Duối khuyết dần từ ấy.
Xóm Duối giờ đây thường xuyên chứng kiến cảnh đám ma về làng. Có đám đi trong lặng lẽ. Nhiều đám linh đình. Cờ, phướn, khăn tang, áo chế, khói đuốc nhan nhản. Tiếng khóc nức nở, vật vã, sụt sùi xen lẫn tiếng trống, kèn, phèng la làm cho không gian xóm thê lương. Đã vậy, lại còn có tin đồn rằng: “Gò Duối là địa cuộc sanh tài. Người chết chôn đất này, dòng họ sẽ phát!”. Cứ thế, người xóm Duối, dù ở đâu, hễ qua đời là đưa ngay về Gò Duối.
Gần đây có nhiều đám ma kỳ quặc. Người đưa đám đông nghịt nhưng không mấy người buồn. Xe ô tô chở quan tài và người nhà nhả khói hòa với tiếng nói cười rôm rả. Dàn kèn tây thổi inh làng. Đội nhạc tang có lân, địa nhảy múa. Dọc đường, người nhà đặt những mâm ngũ quả trên ngọn rào, thỉnh thoảng lại đặt vài túm xôi thịt gà giữa ngã ba để đáp lễ cô hồn. Lũ trẻ trong xóm được dịp chén chuối, xôi và luôn mong nhiều đám ma về làng to đùng như thế. Nghe đâu một đám là cháu mấy đời của hai ngôi mộ cổ, đang học lớp mười hai, đua xe bị tai nạn. Một đám thuộc dòng họ Phạm ở xóm, đang làm cán bộ huyện, bị bệnh tiểu đường vài năm rồi chết. Gò Duối ngày càng nhiều mộ. Mộ lớn mộ nhỏ, mộ cũ mộ mới, mộ đất giờ cũng lên mê, ốp gạch, giăng thành, chen chúc. Mấy cái hầm bí mật dưới trảng duối già và cả địa đạo chạy dài ra suối năm nào giờ cũng chất đầy mộ. Mộ cũ cỏ mọc xanh rì, mộ mới trắng toát, khói hương. Đêm, những đóm lửa mộ rực hừng.
Mấy năm gần đây, địa phương cho nhà thầu móc đất cuối Gò Duối mang đi công trình. Đất Gò bị khuyết tiếp phần đuôi. Chợ Duối chuyển về trung tâm xã. Nhiều mẹt trầu cau của những người già xóm Duối giờ không thể nhấc chân về chợ mới. Hàng đồ chơi vừa bán vừa cho của bà Ba bên ngôi miếu cổ giờ cũng phải nghỉ tay. Thầy Ba Miễn buồn lo, nhắc khéo nhưng cán bộ không nghe. Đất đuôi Gò ngày càng bị đào sâu, khoét rộng. Người xóm Duối liên tục gặp nạn. Có người đang làm ăn bình thường bỗng ngã lăn ra chết. Người bị tai nạn xe, ung thư ngày càng nhiều. Đầu bạc cứ khóc than đưa tiễn đầu xanh.
Rồi một ngày người dân xóm Duối phát hiện nước giếng nổi màng bạc. Người ta nghi ngờ nước từ các hố sâu đầu Gò ngấm qua nghĩa địa về giếng. Ai cũng lo sợ và tự tìm cách di dời. Nhiều người gom hết tài sản mua đất, chuyển nhà đi nơi khác. Có người bỏ luôn nhà. Con em của xóm học xong rồi ở luôn thành phố, hoặc kiếm việc xứ người. Trẻ đi trước, già đi sau. Dần dà, xóm chỉ còn năm, bảy nóc nhà có người ở. Nhà dời đi, mộ lấn tới. Nghĩa địa Gò Duối ngày càng rộng ra, kiên cố. Nhiều ngôi mộ to hơn nhà ở, sân mộ có thể chứa vài mươi người ngồi xếp bằng vòng tròn. Người lạ tới nghĩa địa ngày một nhiều. Có tốp vài ba người, có tốp chín mười người, vào ra liên tục. Họ làm gì trong ấy không ai biết, chỉ biết mấy đứa trẻ trong xóm vừa chăn bò vừa canh chừng người vào nghĩa địa. Nhiều lần công an tìm đến, nhiều cuộc rượt đuổi ngoạn mục, rồi đâu lại vào đó…
Thầy Ba Miễn có việc vào nghĩa địa. Mới đến đầu Gò, ông bị thằng Đen chặn lại hỏi vòng vo rồi ra hiệu cho người bên trong tẩu tán. Thầy đến hai ngôi mộ cổ đốt hương, khấn nguyện rồi ra về. Hai ngày sau, thầy mất. Đám tang thầy yên ả. Người đưa đám thưa thớt, cúi đầu, giẫm dấu chân nhau. Bà Ba ôm bức ảnh thầy đi đầu. Dòng người lặng lẽ hướng về phía núi - nơi có trời rộng đất dày.
B.T.P