Phù Mỹ: Ngang nhiên dùng xung điện đánh bắt thủy sản trên đầm Trà Ổ
Những năm trước, khi các nhóm hạt nhân bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên đầm Trà Ổ ở các xã thường xuyên kiểm tra, truy bắt, các đối tượng chỉ lén lút hoạt động vào ban đêm. Nhưng từ đầu năm 2017 đến nay, do một số nhóm hạt nhân ở các xã Mỹ Thắng, Mỹ Ðức và Mỹ Lợi không hoạt động, nên các đối tượng xung điện ngang nhiên hoạt động cả ban ngày. Theo người dân đánh bắt thủy sản bằng các phương tiện truyền thống trên đầm, mỗi ngày hiện có 20 - 30 chiếc ghe, chủ yếu là ở các xã Mỹ Thắng, Mỹ Lợi và Mỹ Ðức, dùng xung điện đánh bắt thủy sản trên mặt đầm.
Tuy nhiên, do sợ bị các đối tượng này phá ngư cụ (phá ghe, giẹp, lưới, lờ) để trả thù nên không người dân nào dám tố cáo với chính quyền địa phương. Ðặc biệt, có trường hợp khi bị truy bắt đã chống trả quyết liệt, vứt dụng cụ xuống nước để phi tang. Ðiển hình, ngày 6.2.2017, ông Lê Văn Có (trú thôn Chánh Khoan Ðông, xã Mỹ Lợi) chèo ghe đến khu vực đầm Châu Trúc dùng xung điện bắt cá, khi bị nhóm hạt nhân bảo vệ nguồn lợi thủy sản thôn Châu Trúc (xã Mỹ Châu) phát hiện, truy bắt, đã có hành động xô xát, chống lại các thành viên nhóm hạt nhân. Nhóm đã thu giữ một chiếc ghe, 4 bình ắc quy các loại từ 100 - 120 ampe, 1 bộ kích điện.
Tang vật trong vụ khai thác thủy sản trái phép bị bắt giữ ngày 6.2.
Ông Bùi Xuân Bộ - Trưởng thôn, kiêm trưởng nhóm hạt nhân thôn Châu Trúc, xã Mỹ Châu - cho biết: “Ngư dân ở một số địa phương quanh đầm, nhất là ở các xã Mỹ Thắng, Mỹ Lợi, Mỹ Ðức, công khai hoạt động xung điện, thậm chí còn lấn sang mặt đầm phía thôn Châu Trúc. Nhóm đã bắt nhiều đối tượng, thu giữ nhiều tang vật, xử lý nhiều vụ, nhiều người, nhưng vì mức xử lý thiếu kiên quyết, chưa đủ mạnh nên không đủ sức răn đe, phòng ngừa”.
Hiện nay, khoản đầu tư “đồ nghề” xung điện không lớn, chỉ cần 1 chiếc ghe, 2 chiếc bình ắc quy loại 100 ampe, một bộ kích điện, một chiếc cần và một cái vợt, trong khi việc thu lợi từ đánh bắt lớn hủy diệt lớn hơn rất nhiều lần so với đánh bắt theo kiểu truyền thống, nên các đối tượng này ngang nhiên hoạt động, bất chấp sự kiểm tra, truy bắt của các ngành chức năng.
Ðể bảo vệ nguồn lợi thủy sản và an ninh trật tự trên vùng đầm, các ngành chức năng ở huyện, tỉnh cần củng cố, kiện toàn Hội đồng điều hành liên xã bảo vệ nguồn lợi thủy sản đầm Trà Ổ; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động người dân tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản, gắn với xử phạt nghiêm túc theo Nghị định 103/NÐ-CP ngày 12.9.2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản để bà con ngư dân biết và thực hiện; kể cả truy tố trước pháp luật các đối tượng hoạt động xung điện chống người thi hành công vụ, phá hoại tài sản, phương tiện hành nghề của công dân.
HẰNG NGA