Hoạt động sơ chế, chế biến thủy sản ở huyện Hoài Nhơn: Cần có giải pháp căn cơ
Tình trạng người dân thu mua sơ chế, chế biến thủy sản trong khu dân cư đã gây ô nhiễm môi trường ở một số địa phương thuộc huyện Hoài Nhơn. Ðể giải quyết triệt để tình trạng này, huyện cần kiên quyết xử lý và có giải pháp căn cơ.
Cơ sở chế biến nước mắm của bà Duyên nằm trong khu dân cư.
Gây ô nhiễm trong khu dân cư
Tại thôn Tân Thành 2, xã Tam Quan Bắc, hơn 5 năm nay, hàng chục hộ dân cùng các khu đóng tàu thuyền liền kề phải “gồng mình” sống chung với mùi hôi thối bốc ra từ 4 cơ sở sơ chế, chế biến thủy sản của các hộ: Nguyễn Thị Mắn, Trịnh Thị Thiếu, Nguyễn Thị Ngọc Kim, Đào Thị Thùy Dung (cùng ở địa chỉ trên).
Phần lớn nước thải từ hoạt động sơ chế, chế biến thủy sản từ các cơ sở chưa qua xử lý, đổ trực tiếp ra ngoài gây ô nhiễm môi trường. Riêng cơ sở của bà Kim, bà Thiếu chế biến và phơi da cá tại khu vực khu nghĩa trang có tục danh Ông Chưởng (tại thửa đất số 91, tờ bản đồ số 19), từ tháng 11.2014 cho đến nay, UBND xã Tam Quan Bắc đã kiểm tra, lập biên bản mỗi cơ sở 4 lần về hành vi chế biến thủy sản gây ô nhiễm trong khu dân cư; qua đó, xử phạt vi phạm hành chính 2 lần với mức phạt 5 triệu đồng/lần. Đã vậy, 2 cơ sở này còn tự ý “mở rộng” cơ sở chế biến, lấn chiếm khoảng 200 m2 tại khu vực đất nghĩa trang. Cơ sở của bà Mắn, bà Dung cũng gây phiền hà tương tự; lấn chiếm đất khoảng 400 m2 công ích tại khu vực Gò Dài do xã quản lý.
Theo phản ánh của 10 hộ dân ở thôn Ca Công, xã Hoài Hương, sống gần cơ sở chế biến nước mắm của bà Trần Thị Duyên (cùng địa phương), từ nhiều năm nay mùi hôi của cá, mắm phát ra từ cơ sở đã làm ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt hằng ngày của họ. Các vật dụng bằng nhôm, sắt trong nhà rất mau rỉ sét. Cơ sở bà Duyên có 4 hầm ủ mắm, mỗi hầm rộng khoảng 3m2 nằm trong khu dân cư. Tháng 8.2016, Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Hoài Nhơn phối hợp với UBND xã Hoài Hương kiểm tra, kết luận cơ sở phát sinh mùi trong quá trình hoạt động; cơ sở chưa có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, hồ sơ môi trường, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Sau đó, dù bà Duyên đã bổ sung những thiếu sót, song vẫn không thể làm thế nào khắc phục hết mùi cá, mắm.
Kiên quyết xử lý, cần có giải pháp căn cơ
Mới đây, UBND huyện Hoài Nhơn đã ban hành văn bản số 46/UBND-TNMT ngày 17.1.2017 yêu cầu UBND các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động, thông báo cho người dân không được sơ chế, chế biến thủy sản gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư. Ngoài ra, các địa phương phải tăng cường kiểm tra, quản lý chặt quỹ đất do UBND các xã, thị trấn quản lý, không để xảy ra tình trạng người dân tự ý lấn, chiếm sử dụng đất làm nơi sơ chế, chế biến thủy sản hoặc phục vụ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khác khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.
Bà Trương Thị Thúy Nga, chuyên viên Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện, cho biết: “Sắp tới, ngành chức năng sẽ phối hợp với các ngành liên quan cùng UBND các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, phát hiện, tham mưu cho huyện xử phạt kịp thời các hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường, đất đai theo quy định; nếu cố tình tái phạm, sẽ xử lý nghiêm”.
Nói về giải pháp căn cơ giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm do chế biến thủy sản, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn Nguyễn Chí Công cho biết, UBND huyện đang xây dựng Cụm công nghiệp ở xã Hoài Hương, và chọn một địa điểm khác nằm xã Hoài Châu (cách xa khu dân cư) phù hợp với hoạt động sơ chế, chế biến thủy hải sản. Các cơ sở sơ chế, chế biến đủ điều kiện đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường, có hồ sơ đánh giá tác động môi trường- huyện sẽ di dời đến các nơi này, vừa đảm bảo hoạt động sản xuất của cơ sở vừa đảm bảo về môi trường trong khu dân cư. Ngoài ra, nếu các cơ sở khác có nhu cầu, huyện sẽ giới thiệu địa điểm để họ khảo sát, làm hồ sơ đánh giá tác động môi trường.
Ông Công cũng cho biết thêm, hiện có 8 cơ sở chế biến thủy hải sản lớn nằm ở xã Tam Quan Bắc. Sản lượng đánh bắt hải sản các loại của huyện khoảng 48.000 tấn/năm.
PHÚC LỘC