Cai nghiện ma túy: Nghị lực của bản thân và niềm tin của xã hội
5 lần bị bắt đi cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội, lần nào cũng trốn ra, vậy mà lần này, anh N. (39 tuổi, TP Quy Nhơn) đã ở được 7 tháng. Động lực để người đàn ông này quyết tâm cai nghiện là: “Giờ không phải sống cho riêng mình mà phải nghĩ cho con trẻ, bởi nó đã thiếu tình thương của mẹ. Mỗi khi vào thăm tôi, nó cứ thỏ thẻ dặn dò ba cố gắng làm tốt để còn về với con”.
Những buổi sinh hoạt, chuyện trò với cán bộ Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh giúp cho tư tưởng học viên cai nghiện được ổn định hơn.
Anh N. đã có hơn 10 năm dùng heroin và ma túy đá. Khoảng thời gian theo học ngành mỹ thuật tại TP Hồ Chí Minh, N. đua đòi theo chúng bạn, sử dụng ma túy và cứ thế trượt dài. N. kể, cũng đã có một khoảng thời gian dài anh đoạn tuyệt được với ma túy, là lúc sau khi ra tù (N. từng bị kết án 10 năm tù giam về tội cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy, nhưng vì cải tạo tốt nên được giảm án còn 6 năm 8 tháng), N. quyết tâm làm lại cuộc đời, có vợ và con. Vậy mà, một lần nữa, ma lực của ma túy lại kéo người chồng, người cha này lạc bước.
Còn M. (37 tuổi, ở Quy Nhơn) thì không nhớ hết số lần đi cai nghiện của mình, chỉ nhớ lý do lần đầu tiên anh đến với ma túy là vì muốn thể hiện bản lĩnh. Để rồi đến giờ, M. nhận ra rằng, mình dính vào ma túy là bởi thiếu bản lĩnh, và chưa dứt được ma túy cũng là do không đủ bản lĩnh.
Trên hành trình tái hòa nhập cộng đồng, ý chí, quyết tâm của người cai nghiện là yếu tố quyết định, giúp họ chiến thắng sự cám dỗ của ma túy. Bên cạnh đó, môi trường tốt cũng là điều kiện quan trọng. Vậy nhưng, đôi khi sự kết hợp chưa hài hòa hai yếu tố này đã vô tình đưa đến hiệu ứng tiêu cực, như chia sẻ của anh M.: “Có thời gian tôi cai được, về nhà mở quán kinh doanh cà phê. Nhưng nhiều người dòm ngó, nói rằng tôi tụ tập để hút hít, chứ làm ăn gì, khiến quán dần vắng khách và đành phải đóng cửa”.
Điều này được ông Lê Văn Liễn, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh, phân tích: “Phương pháp trị liệu đối với người cai nghiện thường là tâm lý trị liệu, giáo dục trị liệu, lao động trị liệu… Hàng ngày, người cai nghiện sinh hoạt tập thể dục, học về tác hại ma túy, lao động, chơi thể thao để cuộc sống dần xa và quên đi cơn thèm ma túy. Song quan trọng hơn cả là khi họ tái hòa nhập cộng đồng, gia đình và xã hội cần thay đổi cái nhìn, tế nhị hơn, bởi đối tượng này thường khá nhạy cảm, tự ti và mặc cảm. Nên có thể nói, ngoài ý chí của chính người nghiện thì thái độ của gia đình, sự đón nhận của xã hội, bắt đầu từ những điều nhỏ nhất, là một trong những yếu tố tác động để người nghiện quên đi làn khói trắng”.
Q.THÀNH