Thành Cổ Loa sẽ là công viên lịch sử sinh thái
Bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị thành Cổ Loa theo hướng đưa nơi đây trở thành công viên lịch sử sinh thái nhân văn và tôn trọng sự phát triển dân cư, làng mạc đang sống đang được UBND TP. Hà Nội quan tâm.
UBND TP. Hà Nội đã họp và cho ý kiến về Đồ án Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích thành Cổ Loa (tỷ lệ 1/2000) do Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội soạn thảo, Viện Kiến trúc, Quy hoạch đô thị và nông thôn (Bộ Xây dựng) tư vấn lập quy hoạch.
Khu di tích thành Cổ Loa có giá trị đặc biệt quan trọng đối với lịch sử thủ đô và đất nước, nhưng những dấu tích và tính toàn vẹn của khu di tích đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do quá trình đô thị hóa. Theo đó, Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Thành Cổ Loa được nghiên cứu gắn kết với định hướng phát triển không gian thủ đô Hà Nội đến năm 2030.
Theo Đồ án, khu vực Thành Cổ Loa được quy hoạch thành 4 khu vực bảo tồn tương ứng với 4 vòng thành. Khu lõi là khu trung tâm của tòa thành. Nơi đây sẽ được bảo tồn nguyên trạng; khu trung là khu dân cư đang sinh sống, tại đây sẽ tổ chức các dịch vụ phục vụ tham quan, du lịch kết hợp với bảo tồn các giá trị nhân văn. Khu ngoại sẽ bố trí bảo tàng, các địa điểm tham quan, du lịch. Khu biên sẽ là nơi trồng các hàng cây xanh với chiều dày 50m để bảo vệ toàn bộ khu di tích, chống sự xâm lăng của quá trình đô thị hóa.
Quy hoạch cũng xác định toàn bộ Khu di tích, với tổng diện tích 860 ha thành 3 vùng. Trong đó, vùng 1 là vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng 2 là vành đai cảnh quan, vùng 3 là vùng kiểm soát kiến trúc và hoạt động. Quy hoạch cũng đề xuất phương án phục hồi các hào và vòng thành và phương án di dân phục vụ công tác trùng tu, tôn tạo di tích.
Dự kiến giai đoạn 1 sẽ có 720 hộ dân phải di dời.
Cho ý kiến về Đồ án, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu, bám sát nhiệm vụ quy hoạch để hoàn thiện. Đồng thời, quy hoạch để bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị Thành Cổ Loa theo hướng là công viên lịch sử sinh thái, nhân văn, không mang tính dịch vụ quá cao và tôn trọng sự phát triển dân cư làng mạc đang sống trong khu vực.
. Theo chinhphu.vn