Ðưa dân ca vào trường học: Cần lãnh đạo quan tâm và những cá nhân giàu tâm huyết, năng lực
Thực hiện chủ trương khuyến khích của Bộ GD&ÐT về việc đưa dân ca vào giảng dạy ở trường học, Sở GD &ÐT, Phòng GD&ÐT ở một số địa phương trong tỉnh đã tổ chức tập huấn cho giáo viên các trường THCS, Tiểu học trên địa bàn để thực hiện. Tuy nhiên, bên cạnh một số ít đơn vị thực hiện khá thành công, nhiều trường còn chưa triển khai, hoặc triển khai thường chỉ mang tính hình thức do gặp nhiều khó khăn.
Học sinh Trường THCS Hoài Châu thường xuyên được tạo điều kiện tập luyện hát dân ca, bài chòi cổ.
Từ điển hình Trường THCS Hoài Châu
Từ đầu năm 2013, Trường THCS Hoài Châu (huyện Hoài Nhơn) triển khai việc đưa dân ca vào trường học. CLB dân ca Trường THCS Hoài Châu do giáo viên âm nhạc làm chủ nhiệm, cùng các thành viên sưu tầm những làn điệu dân ca của Việt Nam, dân ca Bình Ðịnh và dân ca ở vùng Hoài Châu, huyện Hoài Nhơn. Sau đó, tập luyện cho các em học sinh; khuyến khích các em đặt lời mới trên làn điệu truyền thống. Các thành viên trong CLB đã biểu diễn trong các buổi sinh hoạt định kỳ và trước toàn trường ở các buổi hoạt động ngoại khóa.
Ðặc biệt, Trường THCS Hoài Châu còn lập kế hoạch sưu tầm các loại hình hát dân ca ở địa phương như hát hố, hát kết, hát bài chòi, hô bài chòi, hát ru con… đạt được nhiều kết quả tích cực. Không chỉ có vậy, ở những tiết học âm nhạc, giáo viên dành riêng từ 5 - 7 phút cho dân ca như kiểm tra việc sưu tầm của học sinh để phát hiện những làn điệu mới, đặt lời mới cho các làn điệu đã có, động viên và biểu dương các hoạt động sáng tạo. Nhờ vậy các em rất hào hứng!
Tại các buổi sinh hoạt ngoài giờ lên lớp, các em học sinh còn được trình diễn các làn điệu dân ca bên cạnh những bài hát của Ðội; dân ca cũng có mặt trong các đêm dạ hội văn học. Nhờ vậy, dân ca - đặc biệt là dân ca địa phương có chỗ đứng thật sự trong nhiều sinh hoạt ở trường THCS Hoài Châu.
Rất cần những cá nhân giàu tâm huyết, năng lực
Ðể đưa dân ca vào trường học, ngoài sự quan tâm của Ban giám hiệu, hầu hết lãnh đạo các trường mà tôi có dịp khảo sát đều khẳng định vai trò quan trọng của các giáo viên âm nhạc tâm huyết và năng lực truyền dạy hát dân ca. Cô Ðỗ Thị Hồng Thuận, ở Trường Tiểu học Bình Thuận (huyện Tây Sơn) là một điển hình.
Cô Hồng Thuận luôn trăn trở và tìm cách giới thiệu dân ca Bình Ðịnh với học sinh trong các tiết học âm nhạc. Thông qua việc giới thiệu, tập hát một số làn điệu hát ru, hò, lý… cô giáo Thuận còn hy vọng từ đây, các em có thêm cảm nhận, hiểu biết về đời sống tinh thần, lao động sinh hoạt của ông cha ngày trước. Trong 5 năm qua, cô Hồng Thuận đã từng bước thực hiện hiệu quả việc đưa dân ca vào các tiết học một cách nhẹ nhàng, bám sát theo thực tế.
Cô Hồng Thuận chia sẻ: “Khi dạy hát dân ca Bình Ðịnh cho học sinh nên tiến hành theo các bước: phân chia bài hát ra thành từng câu ngắn để các em có đủ hơi và không mệt khi tập. Sau khi hát mẫu xong kết hợp với phần đệm đàn giáo viên cho các em nhắc lại câu hát. Dạy hát từng câu nối tiếp nhau sau đó ghép lại từng đoạn và cả bài. Muốn biết các em hát như thế nào để uốn nắn, lúc các em hát thì tôi đệm đàn và lắng nghe để sửa sai và nhắc nhở các em!”.
Sau khi đã học bài hát, cô Hồng Thuận còn cho học sinh củng cố, ôn luyện làn điệu, bài hát vừa được học. Ðiều này không chỉ giúp cho học sinh nhanh thuộc bài, hát chính xác mà còn nâng cao kỹ năng thể hiện tình cảm, sắc thái của bài.
Tuy vậy không phải đơn vị nào cũng có các điều kiện thuận lợi như trường THCS Hoài Châu, hoặc có đủ giáo viên giàu tâm huyết và cả năng lực như cô giáo Thuận. Chính những cái thiếu cơ bản này khiến việc đưa dân ca vào trường học trở nên khó khăn dù rằng ai cũng biết cái hay, cái lợi khi học sinh hiểu, biết và hát được dân ca.
Còn nhiều khó khăn
Thầy Trần Ngọc Sơn, giáo viên Trường THCS Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Giáo viên bậc THCS chúng tôi đã được tập huấn về việc đưa dân ca vào trường học. Tuy nhiên, mỗi tuần chỉ có 1 tiết dạy âm nhạc cho học sinh ở mỗi lớp, nên thường chỉ tập trung vào dạy theo phân phối nội dung chương trình của Bộ GD&ÐT. Các giáo viên thường khó và ít có thời gian lồng ghép dạy dân ca cho học sinh trong các giờ học chính khóa. Muốn dạy thì trường phải tổ chức được các hoạt động ngoại khóa, hoặc thành lập CLB dân ca để tổ chức sinh hoạt nhiều hơn. Mà điều kiện để thực hiện các nội dung như vậy hiện rất ít”.
Ðể khắc phục những trở ngại, hạn chế trên, một số trường trên địa bàn tỉnh đã có những nỗ lực, sáng kiến giảng dạy dân ca. Số trường có giáo viên âm nhạc am hiểu, biết hát và truyền dạy dân ca không nhiều. Một số trường đã thử mời những người có năng lực chuyên môn, giàu tâm huyết với dân ca về giảng dạy cho học sinh.
Ông Nguyễn Công Lý, một hạt nhân phong trào văn nghệ quần chúng ở phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn, tâm sự: “Từ đầu năm học 2016-2017, Ban giám hiệu cùng các giáo viên, Tổng phụ trách đội Trường Tiểu học số 1 Nhơn Thành đã ủng hộ, tạo điều kiện cho tôi đến dạy, sinh hoạt ngoại khóa hát dân ca vào chiều thứ Năm hằng tuần. Mỗi lần dạy có khoảng 50-60 học sinh các lớp 4, 5, có khả năng tiếp thu và hát dân ca, nhằm gầy dựng lực lượng phát triển phong trào luyện tập hát dân ca phát triển hơn trong học sinh thời gian tới”.
“Tôi trình bày ý tưởng đưa dân ca vào trường học tại cuộc họp Chi bộ của nhà trường và được thống nhất cao. Sau đó, Hiệu trưởng quyết định thành lập Ban chỉ đạo thực hiện bao gồm: Ban giám hiệu, Ban Văn thể của trường, giáo viên giảng dạy môn âm nhạc và một số thầy cô giáo có năng khiếu văn nghệ… để cùng họp bàn kế hoạch triển khai hoạt động cụ thể. Trước hết, thành lập CLB dân ca ở trường gồm những em có năng khiếu do giáo viên phát hiện. Xây dựng nội quy và định hướng cho CLB tổ chức sinh hoạt mỗi tháng 2 lần. Hoạt động đưa dân ca vào trường học được đề cập và đánh giá, rút kinh nghiệm thường xuyên trong các cuộc họp Hội đồng sư phạm nhà trường hàng tháng! Chúng tôi tính toán rất kỹ và triển khai thực hiện có kế hoạch, bài bản, chắc chắn! Các sáng kiến kinh nghiệm, đề tài về bài chòi cổ dân gian của thầy và trò nhà trường đã được đánh giá cao, đạt giải tại các Cuộc thi Khoa học - Kỹ thuật dành cho học sinh trung học ở huyện Hoài Nhơn và của tỉnh. Tại Hội thi đánh bài chòi cổ dân gian của huyện Hoài Nhơn năm 2016, đội bài chòi cổ trường chúng tôi lần đầu tiên tham gia đã gây ấn tượng mạnh, khi đạt giải Nhì toàn đội và giải triển vọng, hiệu nhí xuất sắc nhất”.
Thầy VÕ VĂN THỜI - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Hoài Châu
HOÀI THU