Từ vụ cháy 3 tàu cá tại Phù Mỹ: Ðừng để “mất bò mới lo làm chuồng”!
Mặc dù nguy cơ xảy ra cháy, nổ rất lớn nhưng vẫn còn nhiều ngư dân chủ quan, lơ là trong việc trang bị đầy đủ phương tiện, thiết bị phòng chống cháy nổ (PCCN) trên tàu thuyền. Vụ cháy 3 tàu cá tại xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ) vào ngày 17.2 vừa qua gây thiệt hại trên 32 tỉ đồng một lần nữa khiến nhiều người giật mình về lỗ hổng này và hậu quả nặng nề do cháy nổ gây ra đối với ngư dân.
3 tàu cá tại xã Mỹ Thành (Phù Mỹ) đã bị cháy vào ngày 17.2.
Thiệt hại lớn
Trên địa bàn tỉnh có trên 6.000 tàu, thuyền đánh bắt hải sản, tập trung chủ yếu ở các huyện, thành phố như: Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Quy Nhơn, Phù Cát. Thời gian qua, đã xảy ra nhiều vụ cháy tàu đánh bắt hải sản gây nhiều thiệt hại lớn về tài sản. Mới đây nhất là vào rạng sáng 17.2, tại khu neo đậu tàu thuyền trên đầm Ðạm Thủy (xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ) 3 tàu cá của các ngư dân ở Vĩnh Lợi 1 (Mỹ Thành) là: tàu BÐ 94607TS của ông Nguyễn Ðình Hùng, tàu BÐ 94448TS của ông Nguyễn Ðình Cang và tàu BÐ 94879TS của ông Nguyễn Văn Tân, đã bị “bà hỏa” thiêu rụi hoàn toàn. Dù cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát PC và CC số 4 (Cảnh sát PC và CC tỉnh) có mặt kịp thời tổ chức chữa cháy, tuy nhiên công tác chữa cháy gặp nhiều khó khăn do lúc này tại bến có nhiều tàu đang neo đậu và 3 tàu cá lại đậu cách bờ gần 500 m.
(BÐ) - Chiều 20.2, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu cùng lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh đã đến thăm 3 gia đình ngư dân có tàu bị cháy tại thôn Vĩnh Lợi 1, xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ là: Nguyễn Ðình Hùng (tàu BÐ 94607TS), Nguyễn Ðình Cang (tàu BÐ 94448TS) và ông Nguyễn Văn Tân (tàu BÐ 94879TS).
Tại các gia đình đến thăm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu đã ân cần thăm hỏi, chia sẻ những thiệt hại của ngư dân, động viên các gia đình sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống và trao hỗ trợ của tỉnh cho mỗi gia đình là 10 triệu đồng. H.PHÚC
Năm ngoái, trên địa bàn tỉnh cũng đã xảy ra 3 vụ cháy tàu cá gây thiệt hại gần 3,5 tỉ đồng.
Qua điều tra, nguyên nhân hầu hết của các vụ cháy tàu cá nói trên đều do chập điện và bất cẩn trong sử dụng nguồn lửa. Ông Cang, chủ tàu BÐ 94448TS, cho biết: “Trên tàu của tôi cũng có trang bị 1 bình chữa cháy. Thường thì khi vào cảng, lúc không có người trên tàu, tôi sẽ ngắt cầu dao tổng để đảm bảo an toàn. Nhưng vụ cháy vừa qua là do lửa từ tàu khác cháy lan qua, tôi không thể lường trước được”.
Thượng tá Trần Văn Ân, Phó Trưởng phòng 2, Cảnh sát PC và CC tỉnh, phân tích, nguyên nhân chủ yếu của các vụ cháy tàu là do sự chủ quan, bất cẩn của chủ tàu và những người làm công trên tàu vi phạm các quy định về PCCC. Hơn nữa, các tàu đánh bắt xa bờ thường đi dài ngày nên trữ một lượng lớn các chất dễ cháy như xăng, dầu, bình gas, ngư lưới cụ, thùng xốp. Ngoài ra, một số khu vực trên tàu rất dễ tạo thành môi trường có nguy cơ cháy, nổ cao như: hầm máy, bếp, nơi để ngư cụ; trong khi diện tích của hầm máy, khoang tàu nhỏ nên đám cháy diễn ra rất nhanh, gây khó khăn cho ngư dân trong việc dập tắt và thoát nạn.
Kiểm tra, chấn chỉnh, tuyên truyền về PCCN
Hiện nay, nhiều ngư dân đã mạnh dạn đầu tư vốn lớn để đóng tàu lớn vươn khơi, phát triển kinh tế biển. Tuy vậy, hiện vẫn chưa có văn bản nào quy định bắt buộc chủ tàu làm thủ tục đăng ký an toàn PCCC. Ðây là một trong những bất cập khiến công tác đảm bảo an toàn về PCCC vẫn chưa được các chủ tàu quan tâm.
“Ðể phòng ngừa rủi ro cháy nổ liên quan đến sự cố hệ thống thiết bị điện trên tàu cá, khi lắp đặt hệ thống điện trên tàu phải có cầu dao để đóng hoặc ngắt điện. Dây dẫn phải sử dụng loại có bọc cách điện chất lượng tốt, phù hợp với nhiệt độ và môi trường làm việc, đảm bảo tiết diện cho phép đối với phụ tải lắp đặt và được đặt trong ống bảo vệ, để tránh hiện tượng chập mạch cũng như tác động trực tiếp với nguồn nhiệt, xăng dầu. Các kẹp dẫn điện nối với bình ắc quy phải chắc chắn, có chụp bảo vệ để khắc phục tình trạng chạm, chập và phóng điện”.
Đại tá Trần Ngọc Thanh, Giám đốc Cảnh sát PC và CC tỉnh.
Thượng tá Ân cho biết: “Chỉ có những tàu hậu cần nghề cá có dịch vụ xăng dầu hoặc tàu chuyên cung cấp xăng dầu trên biển thì Cảnh sát PC và CC mới trực tiếp được thẩm duyệt, nghiệm thu an toàn PCCC trước khi đưa vào hoạt động và phải tham gia kiểm tra định kỳ theo quy định. Các cơ quan có thẩm quyền cần bổ sung tàu cá vào danh mục thuộc diện quản lý về PCCC cũng như tiếp tục hoàn thiện các quy định về thẩm duyệt thiết kế về PCCC tàu cá để giảm thiểu rủi ro về cháy nổ”.
Bên cạnh đó, để hạn chế thấp nhất những thiệt hại do cháy nổ tàu thuyền gây ra, trước hết ngư dân cần tự nâng cao ý thức phòng ngừa bằng cách trang bị đầy đủ kiến thức PCCC cho người lao động và thiết bị PCCC trên tàu, thường xuyên kiểm tra, phát hiện những hư hỏng để kịp thời khắc phục. Ðồng thời, các địa phương ven biển cần tổ chức rà soát, đánh giá các điều kiện an toàn về PCCC đối với tàu thuyền; thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả lực lượng PCCC cơ sở, dân phòng tại cảng cá, bến neo đậu tàu thuyền.
Mỗi tàu cá là khối tài sản lớn của ngư dân, có giá trị hàng tỉ đồng và là phương tiện làm ăn của hàng chục lao động biển, do vậy, đảm bảo an toàn cho các phương tiện này hoạt động là việc cần được các cấp, các ngành và ngư dân lưu tâm thực hiện tốt, nhằm tránh những thiệt hại lớn liên tục xảy ra như trong thời gian qua.
NGUYỄN HỒNG PHÚC