Nạn mua bán bằng cấp giả: Hoạt động công khai, chế tài chưa đủ mạnh
Làm bằng cấp, chứng chỉ giả không còn là chuyện mới nhưng cũng chưa bao giờ cũ. Hiện nay, có rất nhiều dịch vụ làm bằng cấp giả công khai qua mạng trên địa bàn tỉnh. Người có nhu cầu chỉ cần bỏ ra vài triệu đồng là có thể có ngay một tấm bằng với đầy đủ tem 7 màu 6 cánh, đóng dấu nổi và dấu giáp lai đầy đủ.
Điều đáng nói ở đây, tất cả các website nhận làm bằng giả như: lambangcapgiare.com, lambangdaihoc365.com, dichvubangdaihoc.com và cả trên Facebook, đều công khai số điện thoại, email và mức giá làm bằng, kèm những lời quảng cáo đảm bảo uy tín, chất lượng của tấm bằng giả.
Trong vai một người có nhu cầu làm bằng để xin việc làm, phóng viên Báo Bình Định đã gọi tới số điện thoại 0906 956xxx, một người đàn ông có tên M. cho biết, giá làm bằng đại học là 5 triệu đồng, kèm bảng điểm và 10 bộ photocopy công chứng. Khi phóng viên tỏ ra nghi ngờ về phôi giả, người này cam đoan: “Bằng được làm từ phôi bằng thật 100% được lấy từ Bộ GD&ĐT, nên đảm bảo chất lượng như bằng thật, “bao” soi ở công chứng nhà nước thoải mái, không cần đặt cọc, làm xong mới lấy tiền”. Người đàn ông này nói thêm, nếu đồng ý, chúng tôi phải gửi thông tin cá nhân đầy đủ qua email và nêu rõ yêu cầu làm bằng đại học ở trường nào, làm bằng trước năm 2009 thì kèm theo 2 hình thẻ 3x4cm, sau năm 2010 thì không cần ảnh, sau 2 ngày có bằng.
Thử liên lạc với nhiều số điện thoại khác trên nhiều website, chúng tôi cũng rất dễ dàng được chào mua bằng với giá chung gồm: bằng đại học 5 triệu đồng, bằng cao đẳng 4,5 triệu, bằng trung cấp 4 triệu. Ngoài ra, những chủ tài khoản trang mạng này còn nhận làm cả chứng chỉ tin học, ngoại ngữ với nhiều cấp độ - giá tiền khác nhau.
Hiện trạng này cho thấy, việc làm và sử dụng bằng cấp giả đang tràn lan công khai và cơ quan chức năng không thể kiểm soát nổi, mà một phần nguyên nhân là tâm lý chuộng bằng cấp, lấy bằng cấp làm thước đo trình độ nhân lực. Ngoài ra, còn do sự quản lý lỏng lẻo của cơ quan quản lý Nhà nước trong đào tạo, từ khâu tuyển sinh, đào tạo, cấp văn bằng, chứng chỉ. Về mặt luật pháp, do mức xử phạt hành vi này còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe, không tương xứng với tính chất, mức độ và hậu quả hành vi vi phạm.
Theo khoản 4, 5, Điều 16, Nghị định 138/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, thì: “Phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng đối với hành vi mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả. Còn Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009, thì quy định: “Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ 5 đến 50 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”; phạm tội thuộc một trong các trường hợp: có tổ chức, phạm tội nhiều lần, gây hậu quả nghiêm trọng, tái phạm nguy hiểm, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm; phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 4 năm đến 7 năm... (Điều 267). Việc sử dụng bằng giả được xem là có hành vi sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả. Như vậy nếu trong trường hợp một người dùng bằng cấp giả để xin việc và khi bị phát hiện, nếu chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng thì cũng chỉ bị xử phạt hành chính hoặc phạt tiền theo Bộ luật Hình sự.
KIM CHI