Nỗi lo từ đồng muối
Hết tháng 7, đã vào cuối vụ muối năm nay, nhưng sản lượng muối thu hoạch được trên địa bàn tỉnh chỉ đạt khoảng một nửa so với cùng kỳ năm trước. Những trận mưa trái mùa liên tục xuất hiện đã làm cho nhiều cánh đồng muối đang giai đoạn kết tinh “tan theo bọt nước”. Lại một mùa “muối đắng” nữa đến với diêm dân.
Chúng tôi về các đồng muối trên địa bàn tỉnh vào những ngày cuối tháng 7, thời điểm cuối của vụ muối năm nay. Trong muôn vàn câu chuyện vất vả, cực nhọc mà diêm dân vẫn thường kể, vụ muối này bà con như “xé lòng” vì thời tiết không thuận lợi.
Nghề “đánh bạc” với trời
Nhiều diêm dân ví nghề làm muối như “đánh bạc với trời”, bởi chỉ cần một trận mưa là mọi công sức bỏ ra coi như “dã tràng xe cát”. Như vụ muối này, từ đầu vụ đến nay, đồng muối nào cũng gặp ít nhất từ 4 đến 5 cơn mưa trái mùa. Và cứ sau một trận mưa như thế, bao công sức lao động của diêm dân đều “đổ sông đổ biển”.
Trên đồng muối khu vực (KV) 4, phường Nhơn Bình (TP Quy Nhơn), đến thời điểm này diêm dân vẫn chưa khắc phục xong hậu quả của đợt mưa vào giữa tháng 7 vừa qua. Nhìn đồng muối bạt ngàn chỉ trơ lại nền đất, chúng tôi cảm thấy xót xa. Trên các ô ruộng muối, diêm dân đang gắng sức cải tạo để sản xuất trở lại. Người đắp bờ, người đầm nền ruộng, người hì hục tát nước mưa… Với gương mặt lã chã mồ hôi, diêm dân Lê Văn Hùng buồn bã cho hay: “Tôi làm muối đã gần 30 năm, nhưng chưa có năm nào vất vả như năm nay. Từ đầu vụ đến giờ mà có đến 6 đợt mưa trái mùa thì thử hỏi lấy đâu ra muối nữa để thu hoạch”.
Ở ruộng muối bên cạnh, diêm dân Lê Thị Lại lẩm bẩm: “Lứa muối này đã phơi được mấy nắng, sắp cho ra thành phẩm thì gặp cơn mưa bất ngờ nên tiêu thành nước cả. Giờ phải tháo ra để sản xuất lại lứa mới, nhưng nước loãng quá, không biết có đóng diêm nổi không”.
Tại các đồng muối khác trên địa bàn tỉnh, bà con diêm dân cũng đang đối mặt với những khó khăn tương tự. Ông Nguyễn Tấn Định, diêm dân ở thôn Đức Phổ 2, xã Cát Minh (Phù Cát), cho biết: “Từ đầu vụ đến nay, thời tiết mưa nắng thất thường, diêm dân chúng tôi vừa bị mất mùa muối, vừa tốn thêm chi phí để cải tạo ruộng, vì trong lúc đang sản xuất gặp mưa thì phải làm da (làm mặt ruộng) trở lại. “Nắng mưa là chuyện của trời”, nhưng đó là nỗi ám ảnh của diêm dân chúng tôi”.
Chị Lê Thị Hằng - một diêm dân khác đang cải tạo ruộng muối gần đó, chen vào: “Đắng lòng nhất là những cơn mưa giông buổi chiều. Thà mưa từ sáng bà con chúng tôi biết mà nghỉ cho khỏe, chứ đến chiều, khi hạt muối đã thành hình mà mưa thì coi như mất trắng. Những lúc như thế chúng tôi chỉ còn biết nhìn trời mà khóc…”.
Nguy cơ thiếu đói
Ông Nguyễn Xuân Nam - Trưởng phòng Nông lâm sản và ngành nghề nông thôn (Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh), cho biết: “Hiện toàn tỉnh có 216ha đất diêm nghiệp, với 1.598 hộ làm muối. Tính đến nay, sản lượng muối thu hoạch của cả tỉnh mới chỉ đạt 7.303 tấn, giảm 45,6% so với cùng kỳ năm 2012. Do đa số diêm dân sống dựa vào nghề muối và không kiêm thêm ngành nghề phụ nào khác, nên những năm thời tiết thuận lợi thì cuộc sống của họ đỡ vất vả, còn những năm thời tiết mưa nắng thất thường như năm nay thì rất cơ cực.
Nghề làm muối ở đây có tự bao giờ, không ai còn nhớ nhưng ai cũng biết một điều - từ xưa tới nay chưa ai giàu lên bằng nghiệp muối cả. Ông Huỳnh Xuân Đề, KV phó KV4, tâm sự: “Nghề làm muối cơ cực trăm bề, bất đắc dĩ mới phải làm thôi. Gần 30 năm gắn bó với đồng muối, tôi hiểu thế nào là cuộc sống diêm dân. Làm quần quật từ sớm tinh mơ đến tối mịt cũng chỉ đủ nuôi mình. Hễ muối được mùa thì mất giá, mất mùa thì giá mới đẩy lên cao. Còn năm nay, muối mất mùa mà giá cũng thấp, nên nhiều gia đình diêm dân rơi vào cảnh khó khăn, thiếu thốn”.
Đơn cử trường hợp hộ anh Trần Văn Nhất, nhà có 2 vợ chồng và 3 người con. Cuộc sống của gia đình anh xưa nay chỉ dựa vào hạt muối, làm đâu ăn đó nên khi muối mất mùa là thiếu ăn. Anh tâm sự: “Bây giờ thì còn vay nợ được ít nhiều, nhưng làm sao vay nợ mãi được. Và từ nay cho đến cuối năm biết vay nợ vào đâu. Năm ngoái thu hoạch muối được mà vào mùa mưa gia đình tôi còn thiếu ăn thì huống gì năm nay”.
Không riêng gì KV4, bà con diêm dân ở các địa phương khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Ông Phạm Văn Thái, cán bộ văn phòng UBND xã Cát Minh, cho biết: Toàn xã hiện có 764 hộ sản xuất muối và phần đông không có điều kiện để làm thêm nghề khác. Năm nay muối mất mùa, trên địa bàn xã có nhiều hộ diêm nghiệp đang thiếu ăn, xã đã làm tờ trình báo cáo lên cấp trên để nhờ sự cứu trợ. Làm muối vào tháng nắng, tháng mưa nghỉ nên phải có muối dự trữ để dành đến mùa mưa bán lấy tiền trang trải cho cuộc sống. Hiện giờ bà con đang thiếu ăn, không có muối bán để mua gạo thì lấy đâu ra muối dự trữ cho những tháng mưa.
Mặc dù có nhà chế biến muối công nghiệp ở TP Quy Nhơn, nhưng Công ty cổ phần Muối và Thương mại Miền Trung ít thu mua muối của diêm dân trong tỉnh vì chất lượng không đảm bảo.
- Trong ảnh: Chế biến muối công nghiệp tại Công ty cổ phần Muối và Thương mại Miền Trung.
Biết ra sao ngày sau
Mất mùa muối, diêm dân gặp phải cảnh thiếu ăn là điều đang diễn ra ở các vùng muối trên địa bàn tỉnh. Nhưng ngoài nỗi lo chạy ăn từng bữa cho năm nay, bà con diêm dân còn nỗi lo lớn hơn, đó là không biết tương lai của nghề muối rồi sẽ ra sao? Do cuộc sống khó khăn, nhiều người định bỏ ruộng muối đi nơi khác làm mướn để kiếm tiền, nhưng họ cũng không thể đi được do từ xưa đến giờ chỉ quen làm muối mà không biết làm thêm ngành nghề nào khác. Hiện bà con diêm dân đang trông chờ vào sự cứu trợ của các cấp chính quyền, nhưng đó chỉ là sự cứu trợ trước mắt. Để tránh khỏi cảnh đói nghèo cứ bám víu mãi, nhất thiết phải có một sự thay đổi lớn từ những đồng muối.
Ông Nguyễn Quang Khải - Phó Giám đốc Công ty cổ phần Muối và Thương mại Miền Trung - cho biết: “Bình Định có vùng muối rộng lớn, nhưng công ty không thể ký hợp đồng bao tiêu làm nguyên liệu được, vì phần lớn diện tích muối sản xuất bằng phương pháp truyền thống, không đáp ứng được các tiêu chuẩn sản xuất muối công nghiệp. Do vậy, để có đủ nguyên liệu phục vụ nhà máy chế biến muối công nghiệp tại TP Quy Nhơn, công ty phải mua muối sạch từ các tỉnh phía Nam, với chi phí vận chuyển cao. Nếu diêm dân trong tỉnh làm muối sạch, công ty chúng tôi sẽ bao tiêu. Như vậy, chúng tôi vừa có vùng nguyên liệu tại chỗ, diêm dân có đầu ra ổn định”.
Để cải thiện chất lượng muối, đáp ứng nhu cầu sản xuất muối công nghiệp, từ vụ muối năm 2011, Sở NN&PTNT tỉnh đã triển khai mô hình sản xuất muối sạch trên bạt ở đồng muối Diêm Vân, xã Phước Thuận (Tuy Phước) và Đức Phổ 1 (Cát Minh). Tuy nhiên, đến nay chỉ mới có khoảng 6 ha áp dụng phương pháp sản xuất muối mới này. Nguyên nhân, do chi phí đầu tư ban đầu khá cao, trong khi đời sống của diêm dân rất khó khăn. Theo tính toán của diêm dân, chi phí đầu tư 1 ha để sản xuất muối truyền thống trong một vụ khoảng 10 triệu đồng, nhưng nếu áp dụng phương pháp sản xuất muối trên bạt phải đến trên 200 triệu đồng. Diêm dân Lê Hùng Cường, thôn Đức Phổ 1, bộc bạch: “Chúng tôi làm muối chỉ mong đủ ăn trong năm là may, có tiền đâu mà đầu tư nhiều như vậy. Làm như xưa nay, được đâu hay đó, có lỗ cũng lỗ cái công. Chứ đầu tư bạt rồi muối mất giá, mất mùa thì lấy tiền đâu mà trả nợ…”.
Chia tay những diêm dân đang vất vả mưu sinh trên những cánh đồng muối ra về mà chúng tôi thấy lòng mình nặng trĩu. Chúng tôi, những người đến rồi đi, chẳng giúp được gì ngoài việc cầu mong cho họ “chân cứng đá mềm”, thời tiết thuận lợi và giá muối ổn định để cuộc sống của họ bớt đi một phần cơ cực.
NGỌC THÁI