Một cách thưởng tuồng xấu xí
Từ tháng Giêng đến tháng Năm (âm lịch), các làng biển Bình Định thường tổ chức lễ hội cầu ngư. Trừ những trường hợp hy hữu, còn lại, trong lễ hội chắc chắn sẽ có hát tuồng. Trong hát tuồng, ắt phải có tiếng trống chầu. Tiếng trống chầu giữ vai trò quan trọng trong đêm diễn, nó là cầu nối giữa khán giả và diễn viên, tiếng trống chầu thể hiện khen - chê, thưởng - phạt với vở diễn, với diễn viên.
Trước đây, người đánh trống chầu trong đêm diễn thường do những người cao tuổi, giàu uy tín, am hiểu về tuồng đảm nhận. Một tiếng “thùng” vang lên từ giữa mặt trống là một lời khen. Nhiều tiếng “thùng” liền nhau là lời khen rất hay. Ngược lại, tiếng “cắc” là lời chê trách. Dù là khen hay chê, tiếng trống chầu chỉ vang lên khi diễn viên ngắt hơi, nghỉ nhịp, kết thúc một câu hát, một đoạn vũ đạo… Người đánh trống đúng phép không bao giờ đánh theo lối “nhảy vào họng”, “đá vào chân” khi diễn viên đang hát chưa nghỉ nhịp, chưa dứt câu hoặc chưa thực hiện xong vũ đạo.
Thế nhưng, theo dõi về việc đánh trống chầu ở các đêm hát tuồng hiện nay, rất nhiều người đánh trống chầu hết sức ngẫu hứng và không theo phép tắc, khiến người xem nhiều đoạn cứ ngẩn ngơ không hiểu vì sao lại khen hoặc chê như vậy. Thậm chí, có trường hợp người say rượu cũng vào đánh trống chầu. Ai cũng biết “lân múa đẹp nhờ tiếng trống hay” và nếu tiếng trống không hay ai cũng biết lân sẽ như thế nào! Tiếng trống chầu giật cục nhiều khiến ảnh hưởng rất xấu đến cảm xúc của diễn viên; không chỉ ảnh hưởng xấu đến chất lượng trình diễn, mà còn nhiều người xem hát khó chịu.
Có thêm một vấn đề cần nói ở đây, đó là việc thưởng tiền cho diễn viên. Hiện nay, phổ biến ở nhiều địa phương, việc đánh trống chầu và thưởng được thực hiện bằng việc ném roi chầu lên sân khấu (roi chầu được người đánh trống lấy dây thun cột kèm theo tiền)… Một buổi diễn thường có 3 người ngồi đánh 3 trống chầu trước sân khấu. Gặp những người kém việc khen chê thì đêm ấy không biết bao nhiêu tiếng trống “loạn xạ” và kèm theo một loạt roi chầu được ném lên sân khấu. Trên sân khấu, diễn viên vừa hát, vừa dè chừng roi chầu bất ngờ ném lên trúng mặt. Nhưng mặt khác, một số diễn viên vừa hát vừa thủ thế để vừa có thể né được roi, vừa chụp roi chầu để lấy tiền; cùng với đó đoàn hát thường cử một người cứ đi qua đi lại trên sân khấu để gom roi chầu thu tiền và đưa lại roi chầu cho người đánh trống. Có một điều gì đó nhếch nhác và hơi bị phản cảm khi thưởng lãm nghệ thuật ở đây.
Đoàn hát thì cần khán giả, và không thể không thừa nhận rằng cũng cần cả tiền thưởng. Nhưng cách thưởng xấu xí như kể trên thật không nên. Hỏi chuyện này với một diễn viên, anh nửa cười nửa mếu, bảo: Chỉ người đánh trống chầu thưởng roi đã là may. Còn có cả những khán giả đứng hai bên cánh gà, khi cao hứng cũng tìm roi chầu cột tiền vào, ném hùa theo những người đánh trống. Có đoạn diễn viên phải đảo bộ liên tục để né những trận mưa roi từ 7 - 10 cái bay vèo vèo lên sân khấu. Chứng kiến cảnh ấy, nhiều người bên dưới bật cười hô hố. Thật tội cho những diễn viên tuồng bị lâm vào cảnh ấy.
ÐOAN NGỌC