Phát huy giá trị Lễ hội Ðô thị Nước Mặn: Cộng đồng chung tay, thu hút du khách
Nhờ sự quan tâm của các cấp, ngành, sự chung tay gìn giữ và phát huy của người dân địa phương, những năm gần đây, Lễ hội Ðô thị Nước Mặn được tổ chức ngày càng bài bản, thu hút được rất nhiều người về dự hội.
Lễ hội Đô thị Nước Mặn có nguồn gốc từ thời Cảng thị Nước Mặn, là một trong những lễ hội truyền thống có quy mô lớn trên địa bàn tỉnh. Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, Lễ hội đã trở thành một biểu tượng thể hiện sự hài hòa, giao thoa văn hóa giữa các thương nhân, tộc người và các quốc gia đến giao thương buôn bán. Được sự quan tâm của UBND huyện Tuy Phước, Lễ hội Đô thị Nước Mặn được tổ chức đậm nét văn hóa truyền thống hằng năm, nhờ sự phối hợp của nhiều đơn vị ở huyện, xã và người dân địa phương.
Di tích Chùa Bà đã được đầu tư nâng cấp, mở rộng khang trang từ nguồn đóng góp xã hội hóa.
Gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống
Trải qua bao đời tiếp nối gìn giữ, Lễ hội Đô thị Nước Mặn đã trở thành sinh hoạt văn hóa truyền thống, mang tính cộng đồng cao của địa phương. Ông Đặng Công Nghĩa, người dân thôn An Hòa, xã Phước Quang, cho biết: “Hằng năm vào dịp Lễ hội, người dân trong thôn tự nguyện mỗi người mỗi việc tham gia vào các khâu chuẩn bị tổ chức. Mọi người cũng sửa soạn nhà cửa, bày biện bánh trái… để đón tiếp bà con, bạn bè cùng ăn Tết Bà trong dịp này. Nhiều người dân trong thôn đi xa khắp nơi không về được trong dịp Tết Nguyên đán, thì sau đó thường sắp xếp về trong dịp Tết Bà nên không khí trong thôn luôn nhộn nhịp, đông vui trong những ngày Lễ hội”.
Năm 2013, Lễ hội Đô thị Nước Mặn được Sở VH-TT&DL chọn triển khai Dự án văn hóa phi vật thể. “Điểm nhấn” tích cực của Dự án này là nghiên cứu, hỗ trợ phục dựng lễ rước biểu trưng “Ngư - Tiều-Canh - Mục” đã mai một khá lâu. Lễ rước này mang ý nghĩa tưởng nhớ và suy tôn các thế hệ cha ông đã có công lao khai sáng, từng bước đưa vùng đầm lầy trở thành một đô thị thương cảng sầm uất. Sau khi được phục dựng, lễ rước tiếp tục được duy trì trong các Lễ hội Đô thị Nước Mặn hằng năm cho đến nay.
“Lễ rước trước đây tôi vốn chỉ được nghe ông bà kể lại, nay cảm thấy rất phấn khởi, xúc động khi chứng kiến được phục dựng lại. Trách nhiệm của các thế hệ hôm nay là phải tiếp tục gìn giữ và phát huy lễ rước hằng năm được rút kinh nghiệm tổ chức tốt hơn. Ngoài người dân trong thôn, còn có các em học sinh Trường THPT số 2 Tuy Phước tham gia cầm cờ, khiêng kiệu… để hòa mình vào lễ hội truyền thống”, cụ Huỳnh Thái Sơn (76 tuổi), người dân thôn An Hòa, chia sẻ.
Quan tâm đầu tư di tích Chùa Bà
Chùa Bà (thôn An Hòa, xã Phước Quang), địa điểm chính để tổ chức Lễ hội Đô thị Nước Mặn hằng năm, được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử vào năm 2010. Sau đó, UBND huyện Tuy Phước đã có quyết định thành lập Ban Quản lý di tích Chùa Bà gồm 11 thành viên, trên cơ sở Ban hộ tự Chùa Bà trước đây và bổ sung thêm một số cán bộ ở xã, thôn. Ban Quản lý di tích Chùa Bà đã tổ chức hoạt động hiệu quả phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân và du khách, huy động nguồn đóng góp xã hội hóa để đầu tư cho di tích.
Ông Ngụy Cần, Trưởng Ban Quản lý di tích Chùa Bà, cho biết: “Khuôn viên và điện thờ chính ở Chùa Bà trước đây còn chật hẹp, nên khi người dân và du khách khắp nơi đến thăm viếng đông đảo vào dịp Lễ hội hằng năm thường bị quá tải. Được sự quan tâm từ UBND các cấp, Ban Quản lý di tích Chùa Bà đã vận động bà con cùng tham gia đóng góp hàng tỉ đồng để trùng tu, mở rộng nơi thờ tự Thiên Hậu Thánh Mẫu khang trang hơn, đồng thời mở rộng khuôn viên chùa Bà thêm 2.600 m2… hoàn thành vào cuối năm 2015, để có nơi rộng rãi tổ chức các hoạt động của Lễ hội”.
Theo kế hoạch đã được phê duyệt, trong thời gian tới, UBND huyện Tuy Phước sẽ đầu tư nhiều công trình cụ thể, nhằm tôn tạo, phát huy di tích Chùa Bà và Lễ hội Đô thị Nước Mặn, tạo thành một điểm đến du lịch văn hóa tâm linh, tìm hiểu văn hóa truyền thống địa phương... thu hút thêm nhiều du khách.
Ông Võ Tuấn Khanh, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tuy Phước, cho biết: “Trong Nghị quyết về danh mục, kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2017 của HĐND huyện, đã bố trí vốn xây dựng mới cổng Chùa Bà theo kiến trúc truyền thống. Hiện ở khu vực thôn An Hòa vẫn còn dấu tích kiến trúc cầu ngói ngày xưa, lãnh đạo huyện đã có chủ trương chỉ đạo nghiên cứu phục dựng lại. Ngoài ra, UBND huyện cũng sẽ đầu tư mở đường vào di tích Chùa Bà được thuận tiện, rộng rãi hơn, xây dựng khu dịch vụ… để phục vụ tốt hơn cho người dân và du khách”.
Ðến di tích Chùa Bà (thôn An Hòa, xã Phước Quang) vào ngày 22.2, người viết thấy nhiều người dân, cán bộ Trung tâm VH-TT-TT huyện Tuy Phước đang rộn ràng chuẩn bị cho Lễ hội Ðô thị Nước Mặn, sẽ diễn ra từ ngày 25 - 28.2 tới. Chương trình Lễ theo nghi thức dân gian gồm có: Lễ nghinh thần - rước sắc, biểu trưng Ngư - Tiều - Canh - Mục (từ 15 đến 17 giờ ngày 25.2), Lễ cầu an (9 giờ đến 12 giờ ngày 26.2), Lễ tế Bà (từ 5 - 7 giờ ngày 27.2). Chương trình hội diễn ra trong 4 ngày với nhiều hoạt động như hội đánh bài chòi cổ, trò chơi dân gian, hát tuồng…
HOÀI THU