Cảnh giác với cúm gia cầm
Hiện nay, dịch cúm gia cầm độc lực cao như A/H7N9, A/H5N2, A/H5N8 và A/H5N6 đang bùng phát mạnh ở Trung Quốc. Trong tháng 1.2017, Trung Quốc đã có 109 trường hợp người bị nhiễm vi-rút cúm gia cầm A/H7N9. Dịch bệnh cúm A/H7N9 tại Trung Quốc đang diễn biến phức tạp ở 13 tỉnh, thành phố với số trường hợp mắc tăng cao đột biến, tỉ lệ tử vong cao. Trong đó, 2 tỉnh biên giới là Quảng Đông và Quảng Tây có hoạt động giao lưu thương mại, du lịch trực tiếp với nước ta rất lớn đã có các ca mắc bệnh. Ngoài ra, tại Campuchia - quốc gia có biên giới với nước ta ở phía Tây Nam cũng đã xảy ra một số ổ dịch cúm A/H5N1.
Trước tình hình trên, mới đây Bộ NN&PTNT và Bộ Y tế đã có công điện khẩn về việc tăng cường các biện pháp ngăn chặn vi-rút cúm gia cầm A/H7N9 và các chủng vi-rút cúm khác có khả năng lây nhiễm cao. Trước đó, Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế cũng đã đưa ra cảnh báo dịch cúm gia cầm có thể quay trở lại.
Công điện khẩn của Bộ NN&PTNT đề nghị các tỉnh, thành quan tâm và khẩn trương chỉ đạo tăng cường ngăn chặn, bắt giữ gia cầm nhập lậu qua biên giới; xử lý nghiêm các hộ kinh doanh trái phép; không để hiện tượng buôn bán, vận chuyển gia cầm và các sản phẩm gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trường, đặc biệt tại các chợ đầu mối. Giám sát dịch bệnh chủ động trên các đàn gia cầm và kịp thời thông báo cho ngành y tế địa phương khi phát hiện ổ dịch để phối hợp triển khai các biện pháp xử lý cũng như ngăn ngừa lây truyền sang người.
Bộ Y tế cũng đề nghị các tỉnh vận động người dân không sử dụng gia cầm và các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Khi phát hiện gia cầm bệnh, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. Khuyến cáo người dân đi và đến từ vùng dịch bệnh cúm gia cầm chủ động theo dõi sức khỏe để phát hiện sớm, điều trị kịp thời hạn. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
Ở nước ta, gần đây cũng đã xuất hiện một số ổ dịch cúm gia cầm nhỏ lẻ ở 4 tỉnh Quảng Ngãi, Đồng Tháp, An Giang và Bạc Liêu. Tỉnh ta là láng giềng của tỉnh Quảng Ngãi, các hoạt động vận chuyển giao lưu hàng hóa diễn ra hàng ngày, nên việc đề phòng dịch lan sang là vấn đề không thể lơ là.
Mặc dù cho đến thời điểm này trong nội địa vẫn chưa phát hiện những chủng vi-rút độc lực cao nhưng nước ta vẫn đang đứng trước nguy cơ lây nhiễm cao. Nguy cơ này có thể xảy ra thông qua các hoạt động vận chuyển, mua bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu không rõ nguồn gốc, nhất là ở các tỉnh biên giới phía Bắc và các địa phương có tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu.
Vì vậy, việc chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm cả bên trong và từ ngoài vào cần phải được đặc biệt quan tâm nhằm bao vây, khống chế dập tắt, không để dịch bùng phát.
Bài học về thiệt hại lớn do dịch cúm gia cầm gây ra ở tỉnh ta cách đây hàng chục năm vẫn là bài học nhãn tiền nâng cao cảnh giác ở thời điểm hiện nay.
H.Ð