Vòng tay nhân ái
Trong niềm vui đong đầy cảm xúc của tháng 3 thanh niên, nhiều bạn trẻ đã đến với các em nhỏ khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn có được niềm vui và tăng cường khả năng hòa nhập. Từ những hoạt động này, các bạn trẻ có ý thức hơn về bản thân, trách nhiệm của mình với cộng đồng.
Các bạn sinh viên Khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Quy Nhơn cùng các em ở Trung tâm Bảo trợ xã hội Đồng Tâm chơi trò đua thuyền trên cát.
Nhân lên những niềm vui
Nụ cười thơ ngây vang cả hội trường của các em nhỏ ở Trường Chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn làm cho gần 30 ĐVTN Phòng PV 27 (Phòng Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát), Công an tỉnh, thấy xúc động. Các em rất cố gắng để chơi trò thổi bong bóng, làm bong bóng nổ, ai nhanh hơn… Dù thua, các em vẫn vui, nhảy cẫng lên ôm chầm mọi người. Em Đặng Thị Cẩm Lệ, lớp 2N2, bị khiếm thính, kéo áo cô giáo chủ nhiệm lớp nhờ phiên dịch giúp lời em nói với mọi người: “Vui quá cô ơi! Lần sau cô và các anh chị trong đoàn tới tổ chức cho tụi em nữa nghen”.
Cũng hướng về hoạt động chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, 40 sinh viên Khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Quy Nhơn đã đến thăm, tặng quà và tổ chức sinh hoạt ngoại khóa cho các em ở Trung tâm Bảo trợ xã hội Đồng Tâm (TP Quy Nhơn). Lần đầu tiên, trẻ khuyết tật ở Trung tâm được anh chị sinh viên hướng dẫn chơi các trò chơi dân gian như: kéo co, bịt mắt bắt dê, rồng rắn lên mây, tô màu cho tranh. Bạn nào cũng nhiệt tình tham gia, có lúc còn giành nhau, vì vậy các anh chị phải chia ra thành từng tốp nhỏ, để ai cũng được tham gia phần trò chơi mình thích.
Ngoài các trò chơi, các em còn có dịp thể hiện khả năng hát, múa, đàn cho các anh chị xem. Lôi cuốn nhất có lẽ là những tiết mục múa của các em khiếm thính. Những bàn chân, đôi tay nhỏ nhắn, thể hiện những điệu múa nhịp nhàng, nhưng là theo cảm nhận thôi chứ các em nào có nghe được tiếng nhạc. Anh Huỳnh Văn Kiểu, Bí thư chi đoàn trường Chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn, tâm sự: “Ở đây, các thầy cô luôn cố gắng dạy dỗ các em để mong các em sớm hòa nhập được với cộng đồng. Và mỗi buổi giao lưu, sinh hoạt như thế này lại giúp các em hoạt bát hơn, chủ động hơn, học hỏi được nhiều điều hay. Các em rất thích thể hiện mình với mọi người. Do đó, chi đoàn trường Chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn rất mong có được thật nhiều buổi giao lưu với ĐVTN, các bạn trẻ để giúp các em học sinh khuyết tật cảm nhận được niềm vui được hòa nhập cùng mọi người”.
Sống là cho
Ngoài 2 hoạt động kể trên, các bạn trẻ, nhóm từ thiện và các cơ sở Đoàn trong tỉnh còn có nhiều chương trình hướng về các em có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh, khuyết tật như: Đoàn khối Doanh nghiệp tỉnh phối hợp Đoàn thanh niên BĐBP tỉnh khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí ở Mỹ Thọ (Phù Mỹ); Huyện đoàn Tây Sơn, Huyện đoàn Hoài Ân trao học bổng, tổ chức chương trình Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ… Đây được xem là những việc làm thiết thực và bổ ích để các bạn trẻ chia sẻ niềm vui cũng như sự may mắn đến với các trẻ em gặp hoàn cảnh không may trong cuộc sống.
Bạn Huỳnh Mai Anh Kiệt, Khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Quy Nhơn, chia sẻ: “Chuyến đi lần này đem lại nhiều cảm xúc cho các bạn. Ai cũng vui vì đã mang lại niềm vui cho các em nhỏ bất hạnh, đồng thời qua đó các bạn cảm thấy trân trọng hơn những gì mình đang có, từ đó quyết tâm sống tốt hơn, có nhiều hoạt động xã hội hơn nữa để san sẻ yêu thương cho mọi người”.
Còn anh Đinh Nhân Chanh, Chi đoàn PV 27 (Phòng Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát), Công an tỉnh, thì bộc bạch: “Có đến tận nơi cùng vui chơi, sinh hoạt với các em mới hiểu hết được nỗi đau, vất vả của các gia đình có con bị khuyết tật. Đồng thời, mọi người thấu hiểu sự mong mỏi được vui chơi, học hành như các bạn đồng trang lứa của những em khuyết tật”.
Qua những hoạt động này, các bạn trẻ cảm nhận sâu sắc rằng, chỉ cần một việc nhỏ mà đã đem lại niềm vui lớn cho các em không may mắn, vậy tại sao chúng ta không duy trì, tổ chức nhiều hơn các hoạt động tương tự để các em có được nhiều niềm vui hơn nữa? Vì sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình.
HẢI YẾN