Tổng kết 10 năm phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc: Nhiều mô hình tốt, cách làm hay
Ðể khơi dậy sức mạnh và tiềm lực của nhân dân, huy động cả hệ thống chính trị vào nhiệm vụ giữ gìn ANTT, 10 năm qua (2006-2016), các cấp, ngành, địa phương, đơn vị trong tỉnh đã tích cực triển khai nhiều mô hình, điểm sáng về an ninh hiệu quả. Các mô hình, điểm sáng đã góp phần đảm bảo ANTT địa bàn, từng bước nâng cao nhận thức của nhân dân trong công tác phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội.
Ðiểm nổi bật trong công tác xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) trên địa bàn tỉnh 10 năm qua là sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa lực lượng công an với MTTQ và các ngành, các cấp. Ðến nay, toàn tỉnh đã xây dựng, duy trì hoạt động nhiều loại mô hình phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy; phòng ngừa, giáo dục trẻ em vi phạm pháp luật; giữ gìn trật tự, an toàn giao thông; phòng cháy, chữa cháy… ở nhiều địa bàn, cơ quan, doanh nghiệp, trường học, xã, phường, thị trấn và thôn, tổ dân phố, trong các dòng họ, tôn giáo.
Ban chỉ đạo phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước họp bàn công tác xây dựng các mô hình giữ gìn ANTT ở cơ sở.
Ðại tá Nguyễn Ðức Nam, Phó Giám đốc Công an tỉnh, đánh giá: “Có thể nói, phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ đã khơi dậy được sức mạnh của toàn dân và cả hệ thống chính trị, phát huy được tinh thần trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo của nhân dân trong từng khu dân cư, cơ quan, doanh nghiệp trong công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm, góp phần giảm thiểu nguyên nhân phát sinh tội phạm và tệ nạn xã hội, ngăn chặn phát sinh phức tạp ngay từ cơ sở. Từ đây, đã xuất hiện nhiều điển hình trong quần chúng nhân dân dũng cảm tố giác tội phạm, trực tiếp tham gia bắt giữ tội phạm”.
Ðơn cử như huyện Hoài Nhơn có mô hình “Quản lý, giáo dục người lầm lỗi” của một số hội, đoàn thể và một số gương điển hình người có quá khứ lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng đã được UBND, Ban Chỉ đạo phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ huyện tổng kết, nhân rộng, phát triển thành cuộc vận động “Toàn dân tham gia quản lý, giáo dục, cảm hóa người lầm lỗi tại cộng đồng”. Không ít người sau khi mãn hạn tù, thanh thiếu niên chậm tiến được giúp đỡ, cảm hóa, trở thành người tốt; có trường hợp được bổ nhiệm giữ chức phó trưởng CA xã.
Hay như ở huyện Phù Cát, để các mô hình tự quản về ANTT trên địa bàn huyện hoạt động hiệu quả, Ban chỉ đạo phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ của huyện đã chú trọng phối hợp với lực lượng công an cơ sở để phát động phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ.
Ðó còn là mô hình “Vây chặt, bắt gọn” ở xóm An Xuân, thôn An Thành, xã Nhơn Lộc, TX An Nhơn; mô hình “Giáo xứ an toàn, đoàn kết, sống tốt đời đẹp đạo” của Giáo xứ Quy Hiệp, TP Quy Nhơn...
Tất cả những mô hình trên đều được xây dựng xuất phát từ nhu cầu thực tế và đã phát huy tối đa hiệu quả, góp phần đảm bảo tình hình ANTT tại địa phương, nâng cao và lan tỏa ý thức phòng chống tội phạm trong nhân dân. Trong 10 năm qua, người dân toàn tỉnh đã cung cấp gần 14.000 tin tố giác tội phạm, giúp điều tra, khám phá trên 8.000 vụ án hình sự, triệt phá 437 băng, ổ, nhóm tội phạm; vận động 549 đối tượng vi phạm pháp luật, đối tượng đang bị truy nã đầu thú; tham gia giáo dục, giúp đỡ trên 16.450 đối tượng vi phạm pháp luật tại cộng đồng dân cư, trong đó có 14.157 đối tượng tiến bộ.
Từ thực tế này cho thấy, các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ được phát triển đa dạng, phong phú, thiết thực, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng địa phương, từng lĩnh vực, từng địa bàn, đáp ứng đòi hỏi của công tác đảm bảo an ninh quốc gia, giữ vững ANTT và yêu cầu tập hợp quần chúng ở cơ sở trong tình hình mới. Qua phát động và duy trì hoạt động của các mô hình đã phát huy vai trò, trách nhiệm và tính chủ động trong chỉ đạo, điều hành của cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở đối với nhiệm vụ giữ gìn ANTT, đề cao trách nhiệm, phát huy quyền làm chủ, tính tích cực, tự giác tham gia xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ của mỗi cá nhân, tổ chức.
Khen thưởng công dân mưu trí bắt tội phạm
Hai anh Nguyễn Văn Ði và Nguyễn Tấn Lực (cùng trú thôn 3, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn) vừa được Giám đốc Công an tỉnh khen thưởng về thành tích xuất sắc trong truy bắt tội phạm.
Giữa tháng 12.2016, ông Nguyễn Quang (trú thôn 3, xã Bình Nghi) đi công việc về thì phát hiện cửa sau nhà mình bị mở, có dấu hiệu bất thường. Trước đó, ông Quang thấy có chiếc xe máy dựng ở lề đường, cách nhà khoảng 15 m, không có người trông coi. Nhận định có thể đây là xe của kẻ gian để bên ngoài rồi đột nhập vào nhà mình trộm tài sản, ông Quang trở ra bí mật rút dây bugi chiếc xe rồi chạy đến nhà hàng nhờ mọi người đến hỗ trợ bắt trộm.
Nghe ông Quang trình bày sự việc, anh Nguyễn Tấn Lực và Nguyễn Văn Ði đã gác lại công việc đang làm, bàn cách bắt kẻ gian. Sau khi thống nhất phương án và phân công nhau chốt chặn, cả 2 cùng đến nhà ông Quang. Khi ông Quang mở cửa chính đi vào nhà thì phát hiện kẻ trộm đang lục tài sản nên tri hô. Bị bất ngờ, tên trộm bỏ chạy ra cửa sau liền bị anh Lực và anh Ði khống chế bắt gọn giao cho Công an xã Bình Nghi xử lý.
Tên trộm là Hồ Trọng Vũ (SN 1991, trú xã Phước Lộc, Tuy Phước) từng có 3 tiền án, tiền sự về hành vi trộm cắp tài sản, vừa mới ra trại tháng 5.2016. Thủ đoạn của Vũ là dùng xe mô tô đi về các vùng nông thôn, thấy nhà nào khóa cửa, xa khu dân cư thì đột nhập trộm cắp.
DANH NHÂN
K.ANH